Chúng ta

2 ‘nữ tướng’ nhà F được Forbes tôn vinh quản lý chuyên nghiệp

Thứ ba, 15/3/2022 | 12:56 GMT+7

Chủ tịch FPT Software Chu Thanh Hà và chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp cùng lọt Top 20 nữ quản lý chuyên nghiệp do Forbes Việt Nam vinh danh tháng 3/2022.

Theo Forbes Việt Nam, từ cột mốc đổi mới kinh tế, thế hệ nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam gắn liền với quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước, góp phần xây dựng nên những công ty hàng đầu Việt Nam tiêu biểu như Vinamilk, REE, PNJ… Sau họ, thế hệ nữ doanh nhân kế tiếp được trang bị đầy đủ các kỹ năng chuyên môn tân tiến, quản trị hiện đại, sẵn sàng làm việc ở môi trường áp lực cao, chuyên nghiệp.

Những năm qua, Forbes Việt Nam đã liên tục giới thiệu những gương mặt nữ doanh nhân nổi bật, trong ấn phẩm tháng 3/2022 tạp chí giới thiệu danh sách 20 nữ quản lý chuyên nghiệp - những phụ nữ đang dẫn dắt và điều hành các công ty tư nhân hàng đầu Việt Nam hoặc giữ vị trí trọng yếu trong các công ty nước ngoài.

“Tháng 3/2020, FPT bổ nhiệm chị Chu Thanh Hà vào vị trí chủ tịch FPT Software - đơn vị chủ chốt của FPT trong việc phát triển thị trường toàn cầu, theo chiến lược quy hoạch và luân chuyển lãnh đạo của tập đoàn. Công ty với hơn 21.000 nhân sự hiện hoạt động tại nhiều thị trường quốc tế”, tạp chí mở đầu khi giới thiệu người dẫn dắt Phần mềm nhà F.

Chu-thi-thanh-Ha-scaled-e16471-8589-9131

Chủ tịch FPT Software Chu Thanh Hà.

Hai năm qua, FPT Software tiếp tục gặt hái những thành công, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của tập đoàn. Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn đạt 35.657 tỉ đồng và 6.335 tỉ đồng, trong đó thị trường nước ngoài đóng góp lần lượt 14.541 tỉ và 2.423 tỉ đồng – tăng 21,2% và 23% so với năm 2020. Báo cáo của FPT cho thấy doanh thu tăng trưởng ở mọi thị trường FPT Software hoạt động. Đặc biệt doanh thu tại thị trường Mỹ tăng 52%, đạt 4.369 tỉ đồng.  

Chị Hà gia nhập FPT năm 1995 từ vai trò trợ lý tổng giám đốc Trương Gia Bình. Trong 27 năm làm việc tại FPT chị kinh qua nhiều vị trí và là một trong số ít nữ lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn. Chị Hà tham gia bộ phận viễn thông FPT (tiền thân FPT Telecom) từ ngày đầu thành lập với nhiều đóng góp quan trọng, là một trong những người nhận bằng khen của thủ tướng về sự nghiệp Internet tại Việt Nam (năm 2012).

Trước đó, từ năm 2003-2011, chị Chu Thanh Hà lần lượt đảm nhiệm các vai trò phó tổng giám đốc và tổng giám đốc FPT Telecom. Năm 2012, chị là phó tổng giám đốc điều hành tập đoàn, đồng thời là chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Viễn thông FPT và chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Kỹ thuật số FPT.

Chị Hà tốt nghiệp cử nhân Kinh tế đại học Kinh tế Quốc dân năm 1994 và hoàn thành chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh, đại học Hawaii, Mỹ năm 2006.

Trong khi đó, viết về Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp trong năm, tạp chí Forbes Việt Nam Năm 2021, dùng từ khóa: “gặp nhiều thử thách từ đại dịch COVID-19”. “Nhưng đây là năm công ty gặt hái các trái ngọt với hệ thống nhà thuốc Long Châu. Tận dụng cơ hội nhu cầu tăng cao trong đại dịch, Long Châu nhanh chóng mở rộng chuỗi lên 400 địa điểm, tăng 200 cửa hàng so với đầu năm. Năm 2021, hệ thống nhà thuốc này bắt đầu có lãi, sớm hơn hai năm so với dự kiến”.

nguye-n-ba-ch-die-p-fpt-retail-5937-8185

Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp.

Do ảnh hưởng của COVID-19, giữa năm 2021, hệ thống bán lẻ thiết bị điện tử tiêu dùng (ICT) phải đóng 50% số cửa hàng do giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh. Bà Điệp đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến, nhân viên bán hàng trực tiếp thành nhân viên tư vấn trực tuyến và giao hàng. Khi dịch bệnh được kiểm soát, cuối năm 2021, FPT Shop mở thêm 52 cửa hàng, nâng số địa điểm lên 647, củng cố vị thế là nhà bán lẻ thiết bị điện tử lớn thứ hai thị trường, dẫn đầu về thị phần bán lẻ máy tính xách tay.

Chị Bạch Điệp được mệnh danh là “người đàn bà thép” tại tập đoàn FPT. Chị là người tham gia thành lập công ty từ những ngày đầu và ngồi ghế CEO của FPT Retail đến năm 2020.

Thanh Dung

Ý kiến

()