Chúng ta

Người F thời… F0

Thứ hai, 14/3/2022 | 09:59 GMT+7

“Không lo lắng, không bi quan và không nghỉ làm”, người F chọn cách bình tĩnh đối mặt với đại dịch Covid khi số ca nhiễm tăng vọt và ai cũng có thể trở thành F0.

“F0 vẫn làm”

Sau 1 ngày có triệu chứng rát họng, chị Nguyễn Thu Huyền (Synnex FPT) dự liệu “thế là bị chắc rồi”. Điều đầu tiên chị làm là thông báo với gia đình và công ty về kết quả “2 vạch đỏ chót”, sau đó thiết kế ngay không gian cách ly tại nhà.

nguyen-thu-huyen-fpt-164722674-9881-7853

Chị Nguyễn Thu Huyền, Synnex FPT, vẫn làm việc tại nhà khi là F0. Ảnh tư liệu.

Tranh thủ lúc còn khoẻ, tức chưa bị sốt cao, ho, khó thở… chị Huyền ưu tiên đặt một góc làm việc thật “chill” ngay trong phòng. Gọn gàng, sạch sẽ và background thật đẹp để chuẩn bị cho những ngày họp online.

Theo chị, F0 sau khi đã tiêm đủ mũi vaccine không hề đáng ngại. Kể cả đối với bản thân và rất nhiều đồng nghiệp khác. Do đó, chị luôn giữ một tâm thế lạc quan, bình tĩnh, không quên theo dõi kỹ các triệu chứng của mình để dự phòng hết các tình huống có thể xảy ra.

Những ngày sau đó, sức khoẻ không có vấn đề gì đáng ngại, chị vẫn sinh hoạt và làm việc theo lịch trình bình thường. Chỉ khác là ở trong phạm vi phòng ngủ. Vẫn họp team đúng lịch, họp giao ban, họp đột xuất theo yêu cầu, phỏng vấn ứng viên,… mà không bị ngắt kết nối một giây phút nào. “Thậm chí mình nghĩ năng suất làm việc có khi cao hơn. Vì không có trò gì khác ngoài ngồi trước màn hình máy tính cả”, chị Huyền cho hay.

VNT-6971-1647226090.jpg

Võ Ngọc Trâm (ngoài cùng bên phải) trong các sự kiện tại trường ĐH FPT Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Sau 1 ngày vật vã với cơn sốt gần 40 độ, Võ Ngọc Trâm, cán bộ Công tác sinh viên – Đại học FPT Đà Nẵng, cảm thấy cơ thể dần hồi phục và nhanh chóng bắt tay vào công việc. Vì nhiều triệu chứng như ho, rát họng vẫn còn nên Trâm chỉ xử lí việc tồn đọng qua tin nhắn với đồng nghiệp.

Cơn bão Covid bùng phát mạnh khiến phòng Công tác sinh viên nơi Trâm làm việc liên tục ghi nhận F0. Trong đó, cô nàng cũng dự tính được rủi ro có thể xảy ra nên đã chuẩn bị sẵn tâm lí.

Trâm kể, vì đồng nghiệp cũng là F0 nên thống nhất lịch họp thường bắt đầu vào buổi tối. Vì đây là thời điểm ít khi bị sốt. Ban ngày, mọi người sẽ tự xử lí công việc cá nhân. “Nhiều khi làm việc lại quên luôn cả mệt mỏi. Đến khi thấy mỏi mắt, đau nặng đầu… kẹp nhiệt kế mới biết mình đang sốt. Cứ hết cơn sốt thì lại mở máy làm việc bình thường”.

Cũng bất ngờ trở thành F0, tuy nhiên anh Bùi Văn Chương (GAM, FPT Software) thậm chí còn không cần báo nghỉ phép đến công ty. Anh chỉ thông báo bản thân đã nhiễm Covid và đề xuất được làm việc bình thường. Chuyển trạng thái từ offline sang online. Theo anh, do bản thân không có triệu chứng gì nặng nên cảm nhận vẫn làm việc được, không cần nghỉ phép. Anh cũng thừa nhận đã quá quen với việc WFH (làm việc từ xa) nên không có gì khó khăn.

Bình tĩnh đối mặt

Phạm Văn Bình, Trung tâm Chăm sóc khách hàng FPT Telecom, vẫn đề xuất được đến công ty khi đồng nghiệp trong phòng đã có rất nhiều F0. Theo anh, không phải bản thân không sợ nhiễm Covid mà anh xem đại dịch là trạng thái bình thường mới - khi mọi người đã tiêm đủ liều vaccine.

Sau chừng 1 tuần, anh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bất thường và xác định đã nhiễm. Các triệu chứng ban đầu là đau đầu và sốt nhẹ. Anh uống thuốc hạ sốt, uống nước chanh tươi pha với mật ong, nước gừng tự làm… Sau khoảng 2 ngày thì cắt hẳn sốt.

Để nhanh chóng hồi phục, anh Bình còn đều đặn tập thể dục, hít thở và vận động ngay tại phòng. Anh chọn những bài tập như: nhảy dây, chạy tại chỗ, đứng lên ngồi xuống, chống đẩy... mỗi khi có thể để nhanh chóng lấy lại sức khoẻ.

pham-van-binh-1388-1647226749.jpg

Anh Phạm Văn Bình, Trưởng nhóm tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng FPT Telecom.

Gia đình anh có 4 người thì có tới 3 người F0. Mỗi người một triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên ai cũng đã tiêm vaccine nên không quá lo lắng.

Sau khoảng 9 ngày từ khi phát bệnh, anh chính thức âm tính. “Gọi là khỏi bệnh nhưng mình vẫn chưa ra ngoài, trước mắt vẫn làm online ở nhà. Thực ra việc WFH gần 2 năm nay nên đã quen dần. Giờ offline hay online đều xử lí tốt”, anh nói.

Thay vì lo lắng như trước, đồng nghiệp của Võ Ngọc Trâm còn lập hẳn group "F0 lạc quan" nhằm hỏi thăm sức khoẻ của nhau mỗi ngày. Nhóm chat cũng chia sẻ những câu chuyện hài hước về đại dịch, giúp mọi người xả stress và an tâm điều trị. Mọi người cũng mách nhau cách làm giảm triệu chứng, hướng dẫn những thủ tục khai báo y tế và hứa hẹn sẽ "tặng quà" sau khi có chứng nhận khỏi bệnh. 

Với việc đã tiêm đủ liều vaccine, chị Huyền xác định, cuộc sống bình thường mới thì việc không may lây nhiễm không còn là điều quá hoảng sợ như trước đây. Chị tin là Covid sẽ sớm trở thành một bệnh bình thường với các nỗ lực của từng quốc gia trong việc phủ vacccine, nghiên cứu thuốc điều trị.

“Chỉ cần bạn sống tích cực, tuân thủ và phối hợp thì rồi chuyện gì cũng sẽ qua thôi. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý lối sống khoẻ mạnh bằng việc bắt đầu ngay một môn thể thao phù hợp với bản thân, tập luyện là cách để có được sức đề kháng tự nhiên tốt nhất trước bất kỳ một căn bệnh nào”, chị nhắn gửi.

Là một “runner” chính hiệu, anh Bùi Văn Chương còn khuyến khích mọi người chủ động rèn luyện sức khoẻ mỗi ngày. Với anh, chuẩn bị một cơ thể khoẻ mạnh để đối đầu với Covid sẽ là “liều thuốc” tốt nhất.

bui-van-chuong-fpt-1647226573-9812-16472

Anh Bùi Văn Chương, đơn vị Phần mềm chuyên ngành ôtô, FPT Software.

Cộng với việc đã tiêm đủ 3 mũi vaccine, anh Chương thừa nhận bản thân không có triệu chứng gì rõ ràng. Chỉ sốt nhẹ và có chút viêm họng. Nếu không xét nghiệm có khi anh sẽ không biết mình đã nhiễm.

Quá trình hồi phục của anh cũng diễn ra rất nhanh. Chỉ mệt mỏi chừng 1 ngày, rồi nhanh chóng lấy lại phong độ. Những ngày tự cách ly, anh cũng không quên chạy bộ quanh phòng. Thậm chí, còn đua challenge online (thử thách) với bạn bè, đồng nghiệp.

Anh tự tin khẳng định, việc đầu tiên khi nhận được quyết định hết cách ly của phường là dậy sớm chạy 21km lòng vòng các cung đường quanh nơi ở để đỡ “ngứa chân”. Ngoài ra, anh cũng dành lời khuyên đến đồng nghiệp nhà F luôn giữ suy nghĩ lạc quan, duy trì 5K và đặc biệt là nâng cao thể chất.

“Rèn luyện thể thao có thể không hoàn toàn chống được Covid nhưng cơ thể khoẻ mạnh thì chắc chắn giúp ích trong việc điều trị và hạn chế các triệu chứng”, anh Chương nói.

Nguyễn Huy - Ngọc Thắng

Ý kiến

()