Chúng ta

Hợp lực lịch sử FPT Software và FPT Retail: Chuyển đổi số Long Châu không còn nằm trên giấy

Thứ ba, 22/2/2022 | 07:39 GMT+7

Đây là lần hợp tác chưa từng có trong tiền lệ của tập đoàn khi người FPT Software và FPT Retail về “chung nhà”, hợp lực cùng mục đích chuyển đổi số cho nhà Bán lẻ, cụ thể là nhà thuốc Long Châu.

Những ngày tháng 7/2021, FPT Software và FPT Retail chính thức bắt tay nghiên cứu chuyển đổi số cho hệ thống nhà thuốc Long Châu cũng là thời điểm dịch Covid-19 ở TP HCM căng thẳng nhất. Bàn thảo trực tiếp vốn đã khó, nay phải tiến hành trực tuyến xuyên suốt khiến những người quản lý dự án và thành viên căng thẳng cực độ.

Lần đầu tiên bắt tay hợp tác, lại là “người nhà” với nhau, dự án càng đặc biệt hơn. Không có “người thuê - người bán”, một mô hình mới được triển khai - OneTeam để phát huy hết khả năng của thành viên các bên.

Gala-IT-Contest-55-3780-164048-6971-1959

Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp trao thưởng cho các đội thi xuất sắc tại Gala IT Contest.

Bán lẻ là một bài toán khó và phức tạp. Trong khi đó, FPT Retail là một trong nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với quy mô rộng khắp. Bán gì cho ai, làm sao để có khách hàng? Nhập hàng gì, tại sao lại nhập nó? Làm cách nào để kiểm soát tồn kho ở mức nhỏ nhất nhưng đảm bảo không thiếu hàng? Chọn vị trí mở cửa hàng ở đâu là tốt nhất… vô số những vấn đề cần tính toán.

Để xây dựng hệ thống bán lẻ có mức độ phức tạp lớn như vậy, mô hình One Team mới đủ sức đảm trách cho lần hợp tác này. Có công nghệ, tầm nhìn trong chuyển đổi số, kết hợp kinh nghiệm và nghiệp vụ chuyên môn mới hy vọng chương trình đến đích đúng hạn. Hơn 140 người không phân biệt đâu là người FPT Software, đâu là người FPT Retail mà chỉ có người nhận yêu cầu, cùng nghiên cứu và cùng thực hiện.

Theo anh Phạm Đăng Khôi (Phụ trách nhóm FPT Software) dự án lần này hướng đến khách hàng cá nhân là những người dùng của nhà thuốc Long Châu là chính, khác với làm “outsource" (dịch vụ thuê ngoài cho các công ty/tổ chức). Vì vậy, đội phải đi chậm rãi để xác định cái quan trọng làm trước, phạm vi và phần mềm nào cần làm…

“Có rất nhiều vấn đề cần nhìn nhận một cách rõ ràng, phải vừa làm vừa tìm hiểu liên tục. Chẳng hạn, xây dựng một tính năng phù hợp với thị trường, khách hàng và cả đối thủ. FPT Software cũng phải theo chân BA (Business Analyst) để khảo sát kỹ càng, nắm rõ mọi ngóc ngách để triển khai dự án tốt nhất”, anh Khôi kể.

FPT Software và FPT Retail lấy mô hình quản lý dự án Scaled Agile để tổ chức quy trình làm việc tinh gọn và linh hoạt. Sau đó, chia thành nhiều Agile Team và áp dụng quy trình End-to-End. Chẳng hạn, sẽ có nhóm chuyên về quản lý đơn hàng từ lúc tạo đơn đến khi thanh toán, hay nhóm phụ trách delivery…

“Dự án đi vào nỗi trăn trở của tất cả chúng tôi: là công ty công nghệ, FPT Software đã và đang làm cho nhiều khách hàng lớn từ khắp mọi nơi nhưng trong nội bộ FPT lại đang có một số bài toán khác cần giải quyết. Vì thế chúng tôi coi việc chuyển đổi số cho công ty trong tập đoàn là một sứ mệnh phải làm”, anh Lê Thanh Trúc (FPT Software) bày tỏ.

Tuy nhiên, thời gian đầu, do chưa thể gặp nhau thường xuyên nên việc truyền đạt tinh thần của chương trình cũng hạn chế. Cạnh đó, văn hóa FPT Software và FPT Retail lại có một số điểm khác nhau. Vậy nên, trước hết, các trưởng nhóm tập hợp thành nhóm nhỏ để trao đổi, thấu hiểu và truyền động lực cho nhau. “Chúng tôi chờ gặp nhau trực tiếp, biết rõ về nhau mới tiến hành chạy chương trình. Dần dà, hiểu về văn hóa, tính cách 2 bên giúp công việc hiệu quả và suôn sẻ hơn trước rất nhiều”, anh Đăng Khôi chia sẻ.

dxlongchau-6368-1645445837.jpg

2 đội FPT Software và FPT Retail làm việc chung ở trụ sở FPT Retail tại quận 7, TP HCM.

Nếu như Chủ tịch FPT Software HCM Nguyễn Đức Quỳnh luôn sẵn sàng về nguồn lực theo nhu cầu của đôi bên, cắt cử nhân viên tốt nhất để chạy chương trình thì lãnh đạo FPT Retail sẵn sàng đưa ra ngân sách khá lớn so với lịch sử chi tiêu từ trước đến nay của công ty. Dự án có sự phối hợp của nhiều bộ phận, phòng ban. Hơn 100 người của FPT Retail vận hành chương trình, còn người của FPT Software xây dựng giao diện, thiết kế dữ liệu, bảo mật…

Hiện tại, chương trình đang chạy giai đoạn 2, vừa xây dựng từ hệ thống cũ, chuyển đổi sang hệ thống mới chạy song song. Cứ 3 tháng, sản phẩm sẽ được đưa vào chạy thực tế rồi cải thiện tiếp tục, chờ phản ứng người dùng mới tiến hành thay thế hoàn toàn.

Thành công của chương trình là kỳ vọng lớn của cả hai bên vì nhiều ý nghĩa đằng sau sự hợp tác lịch sử này. Nó không chỉ giúp mảng bán lẻ cải thiện tính năng hệ thống về quản lý khách hàng, bán sản phẩm mà còn khẳng định khẩu hiệu “chuyển đổi số” mà FPT đang gây dựng trên thị trường.

“Tôi mong thành viên tập trung toàn lực cho chương trình, mang lại sự thay đổi mạnh mẽ để tăng giá trị cụ thể, xa hơn là xây dựng hệ thống chuyển đổi số ở toàn Long Châu và ở mảng bán lẻ khác”, anh Phạm Đăng Khôi nói thêm.

Phía nhà Bán lẻ, anh Nguyễn Hồng Phúc (FPT Retail) lại ấn tượng vì sự hợp tác chưa từng có trong tiền lệ của tập đoàn. Khi người FPT Software và FPT Retail về “chung nhà”, hợp lực cùng mục đích chuyển đổi số quy trình, hệ thống cho nhà Bán lẻ.

“Tất cả thành viên của 2 bên vừa làm, vừa học để bổ sung khuyết điểm cho nhau. Nếu như FPT Software hiểu thêm và nắm rõ quy trình, nghiệp vụ của ngành bán lẻ thì FPT Retail cũng biết được cách thức tạo nên phần mềm và nền tảng công nghệ”, anh Phúc nói.

Lần hợp tác có “1-0-2” này đang ngày càng hiện thực hóa chứ không còn nằm trên giấy, trong những cuộc họp xa vời như trước kia. “Mối quan hệ thắm nồng tình anh em giữa một công ty công nghệ hàng đầu và một nhà bán lẻ hàng đầu chắc chắn sẽ giúp mục tiêu chuyển đổi số thành công rực rỡ, tạo nên nền tảng bán lẻ đa ngành công nghệ cao”, anh Phúc khẳng định.

Thanh Dung - Hà An

Ý kiến

()