Chúng ta

Cuộc đối thoại giữa 2 nhà lãnh đạo: 'FPT tăng tốc nhanh hơn để sớm đạt được 1 tỷ USD thứ hai'

Thứ hai, 20/5/2024 | 16:39 GMT+7

Đồng sáng lập Infosys đánh giá Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á, có thể tạo ra doanh nghiệp dịch vụ phần mềm như FPT. Cá nhân ông rất tin tưởng FPT cũng như Việt Nam không có đối thủ, không có một quốc gia nào có thể dũng cảm và có khát vọng như vậy. Ông cho rằng FPT sẽ thành công hơn nữa trong tương lai.

Sau chuyến thăm sáng nay tới FPT Tower và Trường Đại học FPT tại Hoà Lạc, “ông trùm” CNTT Ấn Độ Narayana Murthy có buổi gặp gỡ rất đáng mong đợi với giới công nghệ Việt Nam tại F-Ville 3, khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Cuộc đối thoại cùng ông Murthy do anh Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT dẫn dắt.

-2200-1716197356.jpg

Anh Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT kiêm Chủ tịch VINASA cho biết, Infosys được coi như một biểu tượng của ngành công nghệ thông tin toàn cầu. Do đó, sự xuất hiện của ông Narayana Murthy - đồng sáng lập Infosys tại sự kiện "thực sự ý nghĩa và tạo động lực cho các doanh nhân công nghệ Việt Nam trong thời gian tới".

Phát biểu chào mừng, anh Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT kiêm Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT  Việt Nam (VINASA) chia sẻ, Infosys được coi như một biểu tượng của ngành công nghệ thông tin toàn cầu. Do đó, sự xuất hiện của ông Murthy tại sự kiện thực sự ý nghĩa và tạo động lực cho các doanh nhân công nghệ Việt Nam trong thời gian tới.

Anh Khoa cho biết, ngành công nghệ Việt Nam đã trưởng thành với doanh thu 148 tỷ USD doanh thu, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin là 16 tỷ USD, nhân lực công nghệ với 1,4 triệu người và ngành phần mềm khoảng hơn 300.000 kỹ sư.

"Tôi hy vọng, ngày hôm nay sẽ để lại dấu ấn mới, nguồn cảm hứng mới - nguồn cảm hứng để Việt Nam có nhiều tập đoàn công nghệ tỷ USD như Ấn Độ, nguồn cảm hứng để Việt Nam có nhiều kỳ lân như Ấn Độ, ghi dấu ấn trong hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và Ấn Độ để phục vụ thị trường toàn cầu"", anh Khoa nói thêm.

Tiếp đến, trong bài phát biểu của mình, ông Bùi Hoàng Phương - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, hơn 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ luôn bền vững và phát triển tốt đẹp. Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển giữa hai quốc gia càng lớn, đặc biệt là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn...

Theo Thứ trưởng, Việt Nam hoan nghênh các doanh nhân, tập đoàn lớn sang thăm và đầu tư tại Việt Nam. Sự xuất hiện của ông Murthy đã khẳng định sự quan tâm, vị thế của Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đánh giá cao sự chủ động của FPT trong việc thu hút các doanh tập, tập đoàn hàng đầu đến Việt Nam. Ông Phương cho rằng, FPT là một tập đoàn đi đầu, có những chủ động trong kêu gọi và mời các doanh nhân và tập đoàn lớn trên thế giới đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Theo ông, FPT đã có những vai trò quan trọng trong dẫn dắt và tiên phong, mang các giải pháp công nghệ vươn ra nước ngoài.

Khẳng định công nghệ thông tin, công nghệ số được xem là lực lượng sản xuất mới, góp phần hiện đại hóa đất nước, ông Phương hy vọng ông Murthy với kiến thức, tầm nhìn sẽ chia sẻ với cộng đồng Việt Nam cách quản lý điều hành, xu hướng công nghệ mới, xu hướng làm sao kiếm được nhiều tỷ USD cho đất nước. Thứ trưởng cũng mong ông Murthy sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ và các quốc gia khác có những hợp tác sâu rộng hơn, kết nối Việt Nam với Ấn Độ và thế giới.

Sau phần phát biểu khai mạc từ anh Nguyễn Văn Khoa và Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương là cuộc đối thoại giữa “Bill Gates của Ấn Độ” Narayana Murthy và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

-4566-1716197356.jpg

Sau các lời phát biểu mở màn, tỷ phú Ấn Độ và anh Trương Gia Bình cùng ngồi trên sân khấu, trò chuyện "thân tình" về nhiều vấn đề từ việc phát triển hai tập đoàn, những dấu mốc quan trọng, đến kinh nghiệm lãnh đạo doanh nghiệp.

2 nhà lãnh đạo cùng ngồi trên sân khấu dể trò chuyện về nhiều vấn đề từ việc phát triển 2 tập đoàn, những dấu mốc quan trọng đến kinh nghiệm lãnh đạo doanh nghiệp. Kết thúc mỗi chủ đề trong phần chia sẻ, hơn 300 người trong khán phòng đều vỗ tay tán thưởng.

Ông Narayana Murthy - nhà sáng lập Infosys cho biết, ông tôn trọng sự dũng cảm, chăm chỉ, tính kỷ luật cũng như tham vọng của nhiều thế hệ người Việt Nam. Ông cũng cho rằng nhiều quốc gia trên thế giới cần phải học hỏi sự sáng tạo của người Việt.

Chia sẻ về mối quan hệ với anh Trương Gia Bình, ông cho biết đã quen biết anh Bình từ khá lâu và Chủ tịch nhà FPT đã chứng minh cho ông thấy giá trị của sự cởi mở trao đổi ý tưởng. Những ý tưởng đó không chỉ hữu dụng với anh Bình mà còn cho cả người xung quanh. Từ những ý tưởng đó, có thể triển khai thành sản phẩm.

Anh Trương Gia Bình hồi tưởng, thời điểm ngành CNTT Việt Nam quyết định "bước ra thế giới", sự khởi đầu của Việt Nam cũng được học hỏi nhiều từ Ấn Độ. Với FPT, tham vọng đào tạo xây dựng doanh nghiệp phần mềm đầu tiên cũng được truyền cảm hứng bởi Ấn Độ.

"Năm 1999, lần đầu tiên đến Ấn Độ, tôi cảm thấy choáng ngợp bởi sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin Ấn Độ. Tôi tự hỏi Việt Nam có thể làm được như họ hay không, ông Murthy khẳng định ‘chắc chắn có’. Đó là điều khuyến khích tôi. Tinh thần học hỏi không ngừng như vậy được áp dụng tại FPT sau này, là động lực để doanh nghiệp lớn mạnh như hiện tại", Chủ tịch FPT nói.

Để thay đổi không khí, người đứng đầu FPT đặt hỏi với vị tỷ phú công nghệ về vai trò của người bạn đời của ông. Ông Murthy cho biết, vợ ông là người đồng hành tuyệt vời, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kinh doanh của ông. "Tôi biết ơn người phụ nữ 'đằng sau' tôi", ông Murthy chân thành chia sẻ.

Khi nhận được câu hỏi từ anh Trương Gia Bình về ý tưởng đằng sau câu chuyện khởi nghiệp, là nghĩ cho gia đình, hay công nghệ hay vì mong muốn đóng góp cho đất nước... ông Murthy đã có những chia sẻ hấp dẫn.

Ông mở đầu với quãng thời gian sống và làm việc tại Pháp. Tại đây, ông nhận ra để giải quyết đói nghèo ở Ấn Độ, cần tạo ra công ăn việc làm, mà điều này chỉ doanh nghiệp mới làm được. "Tôi muốn làm thí nghiệm liên quan đến doanh nhân nên đã quyết định quay trở lại Ấn Độ", ông Murthy nói. Tuy nhiên, thí nghiệm thất bại do ông quên một nguyên tắc quan trọng với hoạt động kinh doanh, đó là đánh giá thị trường. Vì vậy, công ty khởi nghiệp đầu tiên của ông đã nhanh chóng đóng cửa. Sau đó, ông thành lập một công ty khác.

-7725-1716197796.jpg

Nhà sáng lập Infosys cho rằng, công nghệ thông tin là lĩnh vực có nhu cầu khổng lồ. "Tôi cho rằng nhu cầu về công nghệ luôn có, do công nghệ luôn luôn thay đổi, vận động không ngừng", ông nói.

Đến những năm 1980, ông Murthy lại nhận thấy nhiều cơ hội ở Mỹ cho các dịch vụ phần mềm, đặc biệt là khi máy tính được giới thiệu cho lực lượng lao động trong khi sức mạnh của máy tính còn hạn chế. "Tôi đã nắm bắt cơ hội và khởi nghiệp nó cho doanh nghiệp của mình", ông Murthy nói. Thời điểm đó, ông đã phân phối 77% cổ phần của mình cho đối tác là cấp dưới của ông, các lập trình viên, thực tập sinh... "Với tôi, tiền khi đó không quá quan trọng. Lý tưởng sống của tôi bấy giờ là chứng minh hoạt động kinh doanh có thể tạo ra khối lượng công việc lớn thế nào. Giải quyết đói nghèo, đó mới là ước mơ và tham vọng của tôi", ông Murthy khẳng định.

Tiếp đến Tỷ phú Ấn Độ chia sẻ về tham vọng ban đầu khi thành lập Infosys. Ông cho biết, Ấn Độ có rất nhiều trung tâm IT. Giấc mơ lúc đầu của ông khi sáng lập ra Infosys là trở thành một trong những doanh nghiệp quan trọng nhất ở Ấn Độ. Tuy nhiên, thay vì tiền, ông coi sự tôn trọng quan trọng hơn tất cả. Đây là kim chỉ nam trong suốt quá trình thành lập và phát triển của công ty. Do đó, dù Infosys rất thành công, ông Narayana Murthy cho rằng họ còn nhiều việc cần phải làm trong tương lai.

Đánh giá Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có thể tạo ra doanh nghiệp dịch vụ phần mềm như FPT, ông khẳng định FPT nói riêng và Việt Nam nói chung rất độc đáo. Ngay từ những năm đầu tiên, các nhà sáng lập FPT đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo tuyệt vời và “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, Tập đoàn đã vươn lên, đạt được nhiều thành công.

Murthy tin tưởng FPT cũng như Việt Nam không có đối thủ, “không có một quốc gia nào có thể dũng cảm và có khát vọng như vậy”. Ông cho rằng FPT sẽ thành công hơn nữa trong tương lai.

Về phần mình, anh Trương Gia Bình cho rằng mục tiêu của FPT có thể là "tăng tốc nhanh hơn để sớm đạt được 1 tỷ USD thứ hai".

Đề cập "tinh thần doanh nhân”, ông Murthy cho rằng các doanh nghiệp vốn được sáng lập bởi các doanh nhân sẽ cùng nỗ lực biến ý tưởng thành việc làm, đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Ở họ có tinh thần khởi nghiệp là dám mơ mộng. Theo nhà sáng lập Infosys, CNTT là lĩnh vực có nhu cầu khổng lồ. "Tôi cho rằng nhu cầu về công nghệ luôn có, do công nghệ luôn luôn thay đổi và vận động không ngừng", ông nói.

-7262-1716197796.jpg

Nhiều chuyên gia công nghệ FPT và cộng đồng IT Việt Nam đến theo dõi phần thảo luận.

Vị doanh nhân Ấn Độ cho rằng, công ty dịch vụ công nghệ phần mềm cần tạo ra giá trị khác biệt với khách hàng. Mỗi công ty cần có hệ thống thông tin đạt tiêu chuẩn để thoả mãn yêu cầu của đối tác. Đó cũng là lợi thế chỉ doanh nghiệp công nghệ mới làm được. Ngoài ra, việc tập trung học hỏi, cầu thị, học từ chính đối thủ cạnh tranh, các nền văn hoá, sẵn sàng cải thiện các ý tưởng, thoả mãn yêu cầu cũng sẽ mang lại thành công.

Bên cạnh đó, hầu hết tổ chức khi có doanh số, mang lại nguồn thu nhiều hơn cũng cần chú trọng kiểm soát chi phí, tạo ra nhiều công ăn việc làm, có nguồn lực để chăm sóc cho người lao động. Song song, doanh nghiệp cũng cần chú trọng năng lượng xanh, hạn chế ô nhiễm môi trường trong suốt quá trình vận hành của mình.

Ngay sau đó, anh Trương Gia Bình đặt câu hỏi: “Tinh thần doanh nhân có phải do thừa hưởng từ cha, mẹ, anh chị hay di truyền qua các thế hệ không?”. Đáp lời, vị tỷ phú Ấn Độ khẳng định, tinh thần doanh nhân là sản phẩm của khát vọng trong mỗi cá nhân.

Vị tỷ phú lấy dẫn chứng khi còn ngồi trên giảng đường đại học, có những sinh viên thông minh hơn ông gấp nhiều lần, nhưng không phải tất cả trong số họ đều thành doanh nhân. “Chúng ta tìm kiếm các cơ hội tiến tới tương lai, để hiện thực hóa giấc mơ của mình", ông nói. "Nhiều mô hình doanh nghiệp gia đình, cha truyền con nối vẫn có trường hợp hậu duệ đưa doanh nghiệp gia đình thành công, tuy nhiên cũng có không ít trường hợp ngược lại - khiến doanh nghiệp phá sản", ông Murthy phân tích.

Ông Narayana Murthy chia sẻ thêm, ông sinh ra trong một gia đình gồm 8 người con, cha là giáo viên. Căn nhà ông ở cũng chỉ có 2 phòng nên mọi người phải chia sẻ không gian rất hạn chế. Đây là kiểu mẫu gia đình điển hình của Ấn Độ. Và con đường để thoát nghèo duy nhất là đầu tư vào giáo dục.

"Chúng ta không học hành, không có tri thức, không thể biến tham vọng thành hiện thực", ông nhấn mạnh. Theo “ông trùm” CNTT Ấn Độ, không phải ai cũng học tốt hoặc có thể trở thành một doanh nhân và thành công, hoặc xây dựng nên những doanh nghiệp khổng lồ. Nhưng nếu có tri thức, cuộc sống chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.

-9137-1716198404.jpg

"Năm 1999, lần đầu tiên đến Ấn Độ, tôi cảm thấy choáng ngợp bởi sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin Ấn Độ. Tôi tự hỏi Việt Nam có thể làm được như họ hay không. Tinh thần học hỏi không ngừng như vậy được áp dụng tại FPT Software sau này, là động lực để doanh nghiệp lớn mạnh như hiện tại", Chủ tịch FPT nói.

Bên cạnh giáo dục, Murthy được dạy từ nhỏ về sự đồng cảm, hào phóng và cảm thông. 

Nói về bí quyết lãnh đạo doanh nghiệp thành công, ông Murthy cho rằng, tại nơi làm việc, lãnh đạo và nhân viên không phải bạn bè, chúng ta có trách nhiệm và nghĩa vụ trong giờ làm việc khác nhau. "Rời khỏi văn phòng, chúng ta là bạn bè. Tuy nhiên ở văn phòng chúng ta có thứ hạng, có cấp bậc".

Theo nhà sáng lập Infosys, ở các quốc gia đang phát triển, doanh nghiệp cần có năng lực phân tách ra rõ ràng trách nhiệm, mối quan hệ trong công việc.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để cộng sự gắn bó lâu năm với mình, ông Murthy chia sẻ, ở thời điểm năm 1981, khi ông hỏi về những mục tiêu doanh nghiệp cần đạt được trong nhiều năm tới, nhiều người cho rằng, doanh nghiệp cần có lợi nhuận cao hơn, nhưng cũng có người đề ra mục tiêu: "Inforsys phải là được tôn trọng nhất tại Ấn Độ". Đó cũng là mục tiêu của doanh nghiệp từ đó đến nay.

Theo ông Murthy, chính sự tôn trọng từ khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp đạt 100% lợi nhuận, có sự tin cậy từ khách hàng, thu hút nhân viên từ doanh nghiệp khác. Theo ông, muốn đầu tư dài hạn, doanh nghiệp cần đạt được điều này. Ở một góc nhìn khác, nếu muốn chính phủ tin cậy, doanh nghiệp cũng phải trở thành một trong những doanh nghiệp được tôn trọng nhất.

-8277-1716198404.jpg

Ông N. R. Narayana Murthy, nhà sáng lập Infosys, cho biết ông tôn trọng sự dũng cảm, chăm chỉ, tính kỷ luật cũng như tham vọng của nhiều thế hệ người Việt. Ông cho rằng nhiều quốc gia trên thế giới cần phải học hỏi sự sáng tạo của người Việt.

Bên cạnh đó, ông đề cập đến bài toán tài chính. Không ít tập đoàn có lợi nhuận nhưng chi phí gia tăng, thất thoát thua lỗ. "Tài chính đóng vai trò quan trọng, chúng ta phải đảm bảo chi phí được thoả đáng, được minh chứng phù hợp với hoạt động kinh doanh: chi phí phải ít hơn thứ chúng ta kiếm được", ông nói.

Vị tỷ phú cho rằng doanh nghiệp cũng cần thu hút, tạo điều kiện thuận lợi, trao quyền, để nhân viên cảm nhận được hạnh phúc: mang lại sự tự do cho nhân viên, đánh giá họ, tưởng thưởng cho họ, từ đó giữ được những tài năng tốt nhất. "Kinh nghiệm của tôi ko phải tiền là quan trọng nhất mà nhân sự muốn sự tôn trọng, đánh giá cao phẩm giá của họ", ông đúc kết.

Dự báo về tương lai của Việt trong 20-25 năm tới, ông Murthy cho rằng, với những phẩm chất đáng quý, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu khu vực châu Á và tăng trưởng nhanh trên thế giới. "Việt Nam sẽ mang sự phồn vinh cho người dân của mình nhanh hơn nhiều quốc gia khác ở châu Á. Tôi không nghi ngờ gì về sự phát triển của các bạn trong tương lai", vị tỷ phú Ấn Độ nhấn mạnh.

Những nhận định của ông Murthy nhận tràng pháo tay dài của người tham dự.

Sau 1 giờ 30 phút đối thoại, trước khi chuyển đến những hoạt động tiếp theo, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã trao tặng vị tỷ phú biểu tượng “Gene FPT” và gửi lời cảm ơn chân thành đến ông khi đã dành thời gian ghé thăm và trao đổi cùng FPT.

“Quan trọng nhất, tôi muốn xây dựng một mối quan hệ lâu bền giữa FPT và Infosys”, Chủ tịch FPT kết lời."

Ý kiến

()