Chúng ta

‘OKR của tôi không tạo ra tiền nhưng tạo năng suất và đam mê’

Thứ tư, 22/5/2019 | 19:35 GMT+7

Kết quả OKR quý I chỉ đạt 33% nhưng vẫn thấy “sung sướng vì OKR xuất hiện đúng thời điểm để từng ngày biến ước mơ xa vời thành sự thật”, anh Cao Văn Việt, chàng Cuder ‘lập dị” nhà Phần mềm chia sẻ.

Cao Văn Việt nổi bật là chàng trai đam mê lập trình của FPT Software. Hiện anh công tác cho phòng PID (Productivity Innovation Department). Mỗi người sống trong cuộc đời này nên có một ước mơ, một mục tiêu lớn, Cao Văn Việt cũng vậy. Từ những ngày còn ‘mài quần’ trên ghế trường THPT chuyên Bắc Ninh, anh Việt đã mang cho mình một ước mơ như thế “đóng góp cho nền công nghệ thông tin Việt Nam”.

Luôn đau đáu về ước mơ đó nhưng việc đặt mục tiêu là một rào cản với anh Việt. Một mục tiêu quá dài hạn như 3 năm, 5 năm và không có các bước rõ ràng dễ khiến bản thân bị chán nản, mịt mờ đường đi. Với anh Việt, OKR xuất hiện đúng thời điểm: “Cảm thấy sung sướng khi tìm được phương pháp như OKR. Trước đó, tôi cũng đặt mục tiêu nhưng thời gian lại quá dài nên khó nhìn thấy từng cái đích của từng giai đoạn”.

Viet-CV-8254-1558515085.jpg

"Ai nói gì thì nói, mình tin OKR", anh Việt chia sẻ và dành niềm tin vào công cụ quản trị mục tiêu OKR. Ảnh: NVCC. 

Việc nhìn thấy các kết quả then chốt từng quý dù thành công hay chưa thì bản thân cũng tự khắc thấy đích đến rõ ràng, tháng sau mình sẽ làm gì, tập trung vào vấn đề nào, từ đó tinh thần trở nên phấn khích, có động lực bước tiếp. “Có một sự thật là mục tiêu nhất định phải có KR. Nếu không cơ thể rất dễ rơi vào trạng thái chưa làm được gì trên con đường chinh phục mục tiêu lớn”, anh Việt trải lòng.

Đây là lần đầu tiên, anh Việt thiết lập và thực hiện mục tiêu trong thời gian ngắn từng quý như vậy. Bên cạnh các mục tiêu, kết quả then chốt (KRs - Key Results) trong từng quý là minh chứng rõ ràng đong đếm mức độ hoàn thành của OKR.

Khi bắt đầu xác lập OKR năm 2019, anh Việt đề xuất 10.000 người sử dụng hệ thống CodeLearn. Tuy nhiên, khi mục tiêu được đưa ra được đánh giá quá an toàn. Bản chất hệ thống được đưa để để nâng cao tay nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho FPT Software, trong khi riêng đơn vị này đã có trên 10.000 người. Do vậy, mục tiêu 10.000 users không đủ Leng Keng. Bên cạnh đó, để kết nối với mục tiêu cuộc đời của anh Việt “đóng góp cho nền công nghệ thông tin của Việt Nam”, các lãnh đạo đặt kỳ vọng Cao Văn Việt sẽ đưa ra mục tiêu thách thức hơn nữa.

quy-1-CVV-1582-1558515086.png

Với hơn 30% kết quả triển khai OKR quý I nhưng anh Việt hiểu và biết cách để điều chỉnh. 

“Nếu đã Leng Keng thì chơi cho tới. OKR là phải thách thức”, giữ tâm thế lạc quan như vậy, anh Việt nâng mục tiêu gấp 10 lần là hướng đến 100.000 users trên hệ thống. Khi có một mục tiêu thách thức cùng với sự cổ vũ, hỗ trợ từ nhiều phía như lãnh đạo, đồng nghiệp, tự dưng trong người sẽ có một sự áp lực tích cực.

Trong giai đoạn quý I, anh Việt tập trung mục tiêu “Hoàn thiện hệ thống CodeLearn’ cùng 3 kết quả then chốt (KRs): Đưa lên hệ thống Codelearn 10 khóa học; Cập nhật 500 bài tập và thu hút 5.000 users. Anh Việt cho biết: “Việc áp dụng OKR khiến mọi thứ rõ ràng”. Anh cập nhật, theo dõi tiến độ OKR từng tuần, thậm chí từng tháng. Nếu kết quả tốt thì có lẽ chúng ta đang đi đúng hướng nhưng cái hay là nhìn thấy sự chệch hướng và có thể điều chỉnh kịp thời.

Anh Việt nhận định, việc trao đổi với cán bộ quản lý rất quan trọng. “Một mặt sẽ được chỉ ra những điểm yếu, không hợp lý trong OKR cá nhân. Mặt khác, cán bộ quản lý sẽ hiểu, từ đó sẽ góp phần hỗ trợ, đẩy mạnh để việc thực hiện OKR của mình có thể đạt kết quả tốt hơn”. Việc đánh giá kết quả này có thể tại phòng họp, quán trà đá hay bất cứ nơi đâu khi có vấn đề cần được cập nhật, giải quyết.

quy-2-CVV-5866-1558515086.png

OKR quý II tăng gấp đôi số người dùng và tập trung đẩy mạnh sử dụng CodeLearn. 

Với quá trình triển khai OKR quý I, kinh nghiệm thực tế cùng sự nhận xét, góp ý của lãnh đạo trực tiếp, đội dự án, anh Việt nhận thấy được tiềm năng và tính khả thi của mục tiêu. Do vậy, trong quý II, anh Việt quyết định bước vào giai đoạn tăng tốc “Đẩy mạnh người dùng CodeLearn” với 3 KRs cụ thể: Triển khai cho 10.000 người dùng; Hoàn thiện tổng cộng 10 khóa học; Tổ chức 10 cuộc thi code lớn, nhỏ để giới thiệu sản phẩm CodeLearn.

Với mục tiêu năm 2019 là 100.000 người dùng và mục tiêu quý II là 10.000 users , anh Lê Anh Dũng, Trưởng phòng PID, là người hỗ trợ trực tiếp cho mục tiêu của anh Việt. Căn cứ vào số lượng người dùng hàng tuần ghi nhận trên hệ thống báo cáo, anh Dũng tạo điều kiện cho anh Việt toàn lực như quảng cáo, chạy sự kiện, động viên mọi người trong đội. Anh Dũng chia sẻ: “Mục tiêu của Việt quá Leng Keng. Nếu làm được trên 60% đã là quá xuất sắc. Tôi đang kỳ vọng trong quý II, KR 10.000 người sử dụng hệ thống sẽ đạt 50%”. Leng Keng ngay từ mục tiêu quý, vấn đề là quý I, Việt chỉ đạt 2.500 users, do vậy quý II cần đạt 10.000 uses để bù lại, anh Dũng bày tỏ.

Bên cạnh đó, trong quý I, anh Việt cùng đội nhóm tập trung hơn vào KR xây dựng khóa học và bài tập. Tuy nhiên, kết quả mang về không đúng như kỳ vọng, cụ thể: có 3/10 khóa học được thực hiện và 100/500 bài tập cập nhật trên hệ thống. “Về mặt số liệu thì thất vọng nhưng ở phương diện khác thì tôi lạc quan. Ít ra biết sai và cần điều chỉnh ở đâu. Nhân sự là vấn đề mấu chốt trong cả quá trình”.

“Sợ nhất là không tìm thấy chỗ sai, chứ biết sai rồi sửa thì vấn đề không có gì”. Thật vậy, với kết quả trả về, anh Việt cho thay đổi 180 độ phương thức triển khai, thay vì chuyên môn hóa 2 người xây dựng khóa học, anh huy động tất cả nguồn lực từ cộng đồng, bao gồm trong và ngoài FPT Software. Với nguồn nhân lực công nghệ dồi dào tại Việt Nam, anh Việt cho rằng, nhân sự không chỉ thu hẹp trong FPT Software mà còn phải là những “cao thủ” bên ngoài, trên các diễn đàn, thậm chí cả nước ngoài… chỉ cần có khả năng đều được “lôi kéo” cùng anh “chiến” OKR. Anh Dũng – người sếp đáng kính, người đồng nghiệp kề vai sát cánh cùng anh Việt nhận định: “Việt là đứa hoạt ngôn, mở lòng với anh em nên câu chuyện tìm kiếm “cao thủ” lập trình sẽ không khó”.

CVV-Fschool-8645-1558515086.jpg

Anh Việt đến giao lưu với sinh viên ĐH FPT tại sự kiện International Day - Fly High Jobs. Ảnh: NVCC.

Theo đó, anh Việt tìm kiếm 6 - 7 người phụ trách thiết kế khóa học trên hệ thống tùy theo thế mạnh của mọi người với các loại ngôn ngữ lập trình: C++, Java… Riêng về các loại bài tập rèn luyện đều được 20 - 30 người giúp đỡ, họ là các thầy giáo trong trường công nghệ, “cao thủ” lập trình trong và ngoài nước.

Không chỉ thay đổi mạnh mẽ về nhân lực huy động cho dự án, việc thay đổi hình thức tương tác cũng là một hoạt động chính trong triển khai OKR quý II. Việc tăng số lượng người dùng từ 5.000 lên 10.000 không phải là vấn đề đơn giản. Trong thời gian tới, cả đội tập trung tương tác trực tiếp tại các trường ĐH trong nước bằng các cuộc thi offline hay tranh tài online... Việc này sẽ không giới hạn địa lý chỉ vài trường ĐH ở Hà Nội như ĐH GTVT, ĐH FPT mà bắt đầu tiến tới Đà Nẵng, TP HCM.

Câu chuyện mục tiêu của anh không tạo lợi nhuận, tạo tiền nhưng đổi lại nâng cao được năng suất làm việc, thúc đẩy được đam mê lập trình không chỉ cho người FPT mà còn là những chàng trai, cô gái yêu thích công nghệ đang ngồi trên giảng đường. Lợi nhuận có thể không sinh ra luôn nhưng việc hoàn thành mục tiêu này có thể giúp cho FPT Software giải quyết được bài toán tăng năng suất. Hệ thống học online CodeLearn dành cho các đối tượng bắt đầu học lập trình và muốn nâng cao level. “Hệ thống sẽ là bình thường nếu giúp một người từ level 1, 2 lên 3, 4 nhưng bức tranh sẽ khác khi đó là 100.000 người cùng nâng cao tay nghề”, anh Việt hy vọng.

Hà Trần 

Ý kiến

()