Chúng ta

Chàng Cuder 'dị' yêu lập trình

Thứ bảy, 9/2/2019 | 09:00 GMT+7

Giành danh hiệu cán bộ công nghệ cấp 3 của tập đoàn khi vừa chạm ngưỡng tuổi 30, Cao Văn Việt (FPT Software) có niềm đam mê rất lớn đối với lập trình và dấn thân thực hiện những điều chưa ai làm.

Theo học ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2008, Cao Văn Việt đến với FPT Software khi còn đang là sinh viên năm hai. Sau 3 lần “chia tay” rồi quay lại với Phần mềm FPT, năm 2015, anh Việt chính thức “nối duyên” với FPT Software và đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm kỹ thuật.

cao-van-viet-1655-1548930520.jpg

Anh Cao Văn Việt sớm có niềm đam mê với nghề lập trình từ khi còn ngồi ghế trung học.

Anh Việt được các đồng nghiệp nhận xét là rất “dị” khi luôn nghĩ ra nhiều cái mới lạ để làm và thích làm mọi việc theo cách riêng. “Anh Việt rất thông minh và tính toán siêu giỏi. Anh ấy luôn làm việc bằng cách tìm ra tip trick (mẹo vặt), hoàn thành công việc trong thời gian rất ngắn với hiệu quả cao”, anh Nguyễn Thành Hưng (FSS.SIS), đồng nghiệp của Việt, cho hay.

Cũng bởi thích khám phá và đam mê sáng tạo mà chàng coder sinh năm 1988 không chỉ tìm tòi, cải tiến trong công việc của chính mình mà còn nghiên cứu, phát triển ra những hệ thống, công cụ mới để giúp FPT Software tiết kiệm được tài nguyên, thời gian và nhân lực. Điển hình nhất là hệ thống S.K.U (Software and Knowledge Utilization) nơi CBNV chia sẻ, chuẩn hóa, đóng góp và sử dụng lại tài nguyên (bao gồm các thư viện, module, sản phẩm phần mềm và kiến thức) trong FPT Software.

Nhận thấy FPT Software làm rất nhiều dự án, kiến thức về phần mềm, chuyên môn các dự án là rất lớn nhưng chưa có một hệ thống chung để tổng hợp lại, lưu trữ chung cho mọi người cùng sử dụng, anh Việt cùng anh Vũ Hồng Chiên (PGĐ FSS) và chị Phạm Thùy Dương (FSS.SIS) đã nghiên cứu, phát triển hệ thống S.K.U để khắc phục lỗ hổng này.

“Việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm làm dự án là vô cùng cần thiết và quan trọng nhưng không phải ai cũng sẵn sàng làm điều ấy”, anh Việt nói về khó khăn mà dự án S.K.U gặp phải trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng. Quyết tâm phải làm cho được dự án này, dù cho vấp phải không ít sự ngăn cản hay ngờ vực từ mọi người, anh Việt dành nhiều đêm suy nghĩ, tìm ra cách để ai cũng nhiệt tình cho đi kiến thức, đóng góp vào kho kinh nghiệm dự án này.

Phương án tối ưu mà anh Việt cũng đồng đội của mình đưa ra và thực hiện ngay đó là những sáng tạo, kiến thức chia sẻ (IPs) của mỗi người đóng góp cho S.K.U sẽ nhận được tiền thưởng khi IPs đó có nhiều người xem và tải về. Người FPT Software có thể chia sẻ tài nguyên cá nhân hoặc dự án trên hệ thống S.K.U. Căn cứ level chất lượng do đội ngũ admin đánh giá và số lượt tải IPs, CBNV đóng góp IPs sẽ được thưởng tiền mặt lên tới 50 triệu đồng. 

a-7711-1538566956-5755-1548930520.jpg

Hiện FPT Software làm việc và thử triển khai hệ thống S.K.U với một số khách hàng ngân hàng, Aloka...

Điều này đã làm cho S.K.U thu được hơn 1.000 IPs trong năm 2018. Trong đó có 12 IPs được phê duyệt sử dụng cho gần 100 dự án. S.K.U giúp 105 dự án sử dụng lại tài nguyên sẵn có, từ đó tiết kiệm 105 MM (tháng công), tăng độ hài lòng của khách hàng.

Kho dữ liệu và kiến thức khổng lồ này sẽ giúp cho người FPT Software học hỏi lẫn nhau, rút kinh nghiệm, chủ động tạo ra giá trị sản phẩm chứ không bị động làm theo yêu cầu khách hàng như trước đây. Đó cũng chính là mục tiêu mà các lãnh đạo FPT Software đang muốn hướng tới trong năm 2019 này. Cũng bởi những giá trị mà S.K.U mang lại mà sáng tạo này của anh Cao Văn Việt và đồng đội đã nhận được giải Vàng iKhiến số 6 năm 2018.

Bên cạnh sáng tạo S.K.U, chàng trai đam mê lập trình Cao Văn Việt còn rất tâm huyết với cuộc thi Code War do chính anh đưa ra ý tưởng và đã được thực hiện trong năm 2018 vừa qua. Cuộc thi là sân chơi đầu tiên dành cho toàn thể lập trình viên nhà Phần mềm FPT. Đó cũng là nơi để coder FPT Software cọ sát, học hỏi lẫn nhau.

Nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các lãnh đạo, anh Việt cùng các đồng đội tại đơn vị FSS.SIS đã bắt tay vào tổ chức cuộc thi lập trình Code War trong phạm vi toàn FPT Software trong thời gian chưa đầy một tháng. Cuộc thi thu hút được rất đông CBNV đăng ký tham gia với 102 đội, tương ứng hơn 300 thí sinh dự thi. Không dừng lại ở đó, cuộc thi được anh Việt và các anh em phát triển, mở rộng quy mô sang Nhật Bản với sự tham gia của 80 đội thi gồm những thí sinh đến từ FPT Japan và các trường ĐH, công ty công nghệ hàng đầu của đất nước mặt trời mọc. Cuộc thi lập trình tại Nhật Bản có tên Pikalong War.

Vừa đưa ra ý tưởng, vừa chịu trách nhiệm tổ chức, ra đề thi, anh Việt đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức bởi đây là lần đầu tiên FPT Software tổ chức một cuộc thi lập trình với quy mô lớn và mang tầm cỡ quốc tế như vậy. “Nhiều lúc chúng tôi đã phải thức thâu đêm để chuẩn bị đề thi, dụng cụ, thiết bị cho vòng thi đấu sáng hôm sau. Đau đầu và “khô não” nhất chính là khâu ra đề mà anh Việt đảm nhiệm. Đặc biệt, ra đề cho thí sinh có trình độ cao như các thí sinh Nhật Bản là một thách thức vô cùng lớn”, anh Nguyễn Công Nhật Quang (FSS.SIS), thành viên ban tổ chức Code War cho hay.

Nhờ kinh nghiệm làm coder hơn một thập kỷ cùng với sự quyết tâm, cố gắng rất lớn, anh Việt đã làm khó được các thí sinh trong nước và cả các thí sinh Nhật Bản khi đội giành giải Nhất của Pikalong War cũng chưa thể hoàn thành cả bộ đề thi khi hết thời gian làm bài. 

codewar-3904-1548930520.jpg

Anh Việt (ngoài cùng bên phải) cùng đội ngũ tổ chức và hỗ trỡ cuộc thi Codewar.

Cuộc thi lập trình mà Cao Văn Việt “thai nghén” rồi cùng các đồng đội tại FSS.SIS “sinh” ra đã giúp FPT Software quảng bá được hình ảnh đến với đông đảo lập trình viên trong và ngoài nước. Cuộc thi đã lên sóng truyền hình Việt Nam và Nhật Bản, xuất hiện trên 18 trang báo mạng điện tử. Hơn thế nữa, Code War và Pikalong War còn truyền cảm hứng cho không ít lập trình viên đam mê với code.

“Tham gia cuộc thi, tôi như được sống lại thời kì chỉ có ăn và code. Qua cuộc thi mình thấy mình cần cố gắng hơn nữa. Tôi mong muốn FPT Software và FPT Japan sẽ tổ chức nhiều cuộc thi như vậy nữa để các anh em tiếp tục tham gia và học tập”, Nguyễn Sỹ Quân, thí sinh tham gia thi Pikalong War bày tỏ.

Là người đồng hành cùng anh Việt trong cả 2 sáng tạo S.K.U và Code War, chị Phạm Thùy Dương (FSS.SIS) cho biết: “Việt là một người có tính kiên trì rất lớn, luôn cầu tiến trong công việc và truyền cảm hứng cho mọi người. Những sáng kiến và cách làm mới hiệu quả hơn phần lớn đều đến từ những ý tưởng táo bạo và không tưởng của Việt. Chính điều đó đã làm nên thành công của cậu ấy ngày hôm nay”.

Luôn luôn sáng tạo và không ngừng đổi mới là điều mà Cao Văn Việt luôn tự nhủ với chính mình. Những ngày đầu tiên của năm mới 2019, anh Việt đã chuyển sang bộ phận FHO.PID với vị trí đảm bảo chất lượng sản phẩm Codelearn được phát triển dựa trên hệ thống base trên hệ thống của Pikalongwar/codewar đã có. Sản phẩm này sẽ giúp cho các CBNV có thể học tập, thu thập kiến thức, thi về lập trình trên trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

“Đã đặt ra mục tiêu thì phải luôn kiên định theo sát mục tiêu ấy, đừng vì ai đó ngăn cản mà dừng lại giữa chừng”, anh Việt bộc bạch.

>> Chủ tịch FPT Software: 'Chúng tôi làm những việc cả thế giới còn đang lúng túng'

Diệu Anh

Ý kiến

()