Chúng ta
Thứ hai, 21/6/2021 | 09:06 GMT+7

Những ‘nhà báo không thẻ’ và hành trình tìm ‘chất’

Mang tố chất của nhà báo chuyên nghiệp như trung thực, nhanh nhạy, làm đủ việc từ viết, chụp ảnh đến dàn dựng video... đội ngũ phóng viên nội bộ FPT là những “nhà báo không thẻ” sẵn sàng lao vào “điểm nóng”. Chỉ khác là “điểm nóng” của họ không chứa hiểm nguy mà là hành trình đầy xúc cảm đi tìm và tôn vinh “chất riêng” của nhà F.

Những ‘nhà báo không thẻ’ và hành trình tìm ‘chất’

Mang tố chất của nhà báo chuyên nghiệp như trung thực, nhanh nhạy, làm đủ việc từ viết, chụp ảnh đến dàn dựng video... đội ngũ phóng viên nội bộ FPT là những “nhà báo không thẻ” sẵn sàng lao vào “điểm nóng”. Chỉ khác là “điểm nóng” của họ không chứa hiểm nguy mà là hành trình đầy xúc cảm đi tìm và tôn vinh “chất riêng” của nhà F.

Nếu những nhà báo thông thường được ví như cái ăng-ten thu phát thông tin hoạt động liên tục thì phóng viên nội bộ FPT cũng vậy, nhưng họ có thêm “add-on” (phần tăng cường) đó là “chất” người F trong bản thân mình và lan tỏa, tôn vinh chất riêng đó của tất cả những người F khác.

“Không-bao-giờ thiếu việc” là khẳng định của Đỗ Thị Quế - FPT Software. Hàng ngày, nếu công ty có sự kiện, Quế đến rất sớm để bắt chuyến shuttle bus về F-Ville. Thời gian đầu “ném đá dò đường” cô phải lăn xả vào mọi ngõ ngách để lấy tin bài, nay đội ngũ cộng tác viên “nằm vùng” ở các đơn vị phòng ban đã dày dặn, Quế có nhiều thời gian hơn dành cho sáng tạo.

Những hôm không sự kiện, Quế đến văn phòng, kiểm tra email một lượt xem tin tức gửi từ các đơn vị thế nào, giờ giấc các cuộc họp ra sao. Buổi sáng, Quế ưu tiên biên tập rồi đăng tin trên trang nội bộ Cucumber và Workplace công ty. Buổi chiều, cô dành thời gian suy nghĩ ý tưởng làm những cái mới, như là kịch bản video hay một bài viết mang tính phát hiện.

Cô gái sinh năm 1994 là một trong hàng chục phóng viên nội bộ mẫn cán trên toàn Tập đoàn FPT, những người ngày ngày truyền tới cán bộ nhân viên khắp nhà F tin tức, hình ảnh, và truyền cho họ cả “chất riêng”.

Xuất phát điểm của những người làm báo nội bộ nhà F không giống nhau. Có người tốt nghiệp trường báo, người học ngoại ngữ, người làm thiết kế, người lại từng mơ ước trở thành biên kịch, giáo viên. Cơ duyên đưa đẩy họ đến với nghề cũng khác biệt, nhưng các phóng viên nội bộ có một điểm chung lớn nhất: họ đã “phải lòng” nghiệp truyền thông, báo chí tại FPT.

“FPT là một môi trường năng động, trẻ trung, nên truyền thông nội bộ bọn mình cũng nương theo luồng gió ấy”, Bùi Thị Hương Trang từ FPT Software bộc bạch. Công việc cho cô trải nghiệm từ viết bài, viết kịch bản đến quay, dựng, thiết kế… Trang và các đồng nghiệp đều tự mày mò học - làm và luôn được khuyến khích chủ động hơn, sáng tạo hơn.

“Làm báo nội bộ ở FPT mình thấy rất tự tin”, Đỗ Thị Quế tiếp lời đồng nghiệp. Quế cho rằng mỗi sự chuyển đổi đều tích cực, giúp cô biết thêm nhiều điều về kỹ năng quản lý, tư duy, học cách thổi vào sản phẩm sự khác biệt mang dấu ấn và màu sắc cá nhân, dù không được đào tạo bài bản về báo chí.

Quế từng muốn làm giáo viên dạy Văn hay một biên kịch. Với công việc phóng viên nội bộ, đam mê của Quế chẳng hề bị mất đi theo năm tháng làm nghề, mà chuyển hóa vào những công việc hàng ngày, khi được trao những cơ hội sáng tạo kịch bản video hay đóng vai trò trainer về văn hoá công ty cho nhân viên mới.

“Công việc đem lại cho mình quá nhiều mối quan hệ tốt đẹp ở cả Việt Nam và nước ngoài. Mình được mở mang tầm mắt hơn rất nhiều”, Quế nói. Chính những điều đó khiến cô luôn nung nấu khát khao cải tiến công việc và không bao giờ cảm thấy bị nhàm chán. “Giờ là lúc cả báo chí nội bộ cũng phải thực hành công nghệ và còn nơi nào lý tưởng hơn cho việc đó ngoài FPT?”

Cảm thấy bị “ngợp” vì không nghĩ đầu việc của một báo nội bộ lại nhiều và đa dạng như vậy là chia sẻ của Tống Hoàng Hà My - cô gái trẻ từng làm ở báo ngoài trước khi đầu quân cho Truyền thông nội bộ Tập đoàn (FPT HO). “Chưa kể rất nhiều thuật ngữ và kiến thức chuyên môn đặc trưng của một công ty về công nghệ khiến mình nhiều phen hết hồn”, My kể. Nhưng đó cũng chính là thách thức và cơ hội giúp Hà My mở rộng hiểu biết và không ngừng trau dồi bản thân để “nói cùng ngôn ngữ” với những chuyên gia công nghệ hàng đầu.

Nguyễn Thị Mai - phóng viên nội bộ nhà Hệ thống - lại hào hứng chia sẻ rằng điều cô thích nhất khi làm truyền thông nội bộ ở FPT và FPT IS là được thử sức ở nhiều chiến dịch “điên rồ”. Mai kể, ngoài tin tức phải đảm bảo hằng ngày, cô còn có cơ hội sáng tạo và tham gia nhiều chương trình với đủ các vai trò khác nhau như: sản xuất tác phẩm, làm diễn viên, xây dựng kênh truyền thông…

Mai luôn cảm thấy mỗi ngày đi làm là một ngày vui. Không như nhiều bạn trẻ - cứ thứ Hai là bắt đầu guồng quay “cực hình” của việc “phải đi làm” - Mai tỉnh giấc mỗi sáng với tâm trạng háo hức đến công ty gặp đồng nghiệp, “được đi làm”.

Cô khẳng định, nếu muốn làm truyền thông nội bộ, xây dựng văn hoá doanh nghiệp, thì chỉ ở nhà F mới thực sự “ra cái chất” của nghề.

Cứ thế, các phóng viên nội bộ FPT lăn xả vào công việc mà ban đầu có thể nằm ngoài vùng lựa chọn. Bởi nghề đã chọn họ, “vịn” vào họ, đưa họ đi xa hơn cả những điểm đến họ từng mơ về.

Huỳnh Lệ Thục Anh nhớ mãi lần được giao thực hiện các bài viết về Top 100 FPT Education. Ban đầu khi đọc hồ sơ của các nhân vật, cô hơi “choáng” với bề dày thành tích và ngay lập tức hình dung ra những “ông to bà lớn” khó gần.

Thế nhưng tới khi bắt đầu nói chuyện và tiếp xúc với các anh chị, Thục Anh đã rất ngạc nhiên vì ai cũng giản dị, nhẹ nhàng, lại rất khiêm nhường. “Đúng là ‘sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu’, các anh chị đều thân thiện, dễ mến và hết sức tạo điều kiện cho mình hoàn thành công việc. Sự choáng ngợp và khoảng cách mà mình tự tạo nên lúc đầu cũng hoàn toàn tan biến”, Thục Anh bồi hồi kể.

“Tưởng khô khan, ai ngờ đâu lại có sự mềm mại rất riêng” cũng là khẳng định của Tống Hoàng Hà My (FCC - HO) về “chất” của người F. Đặc biệt là các anh chị lãnh đạo FPT rất vui tính, gần gũi chứ không xa cách hay kiệm lời như ở nơi khác. 

“Gần gũi từ cách nói, cách chia sẻ đến cách nhiệt tình hỗ trợ cho công việc của những phóng viên nhỏ bé như mình. Chính điều này đã khiến mình về sau không còn áp lực và có thể thoải mái tác nghiệp trong sự thích thú”, My chia sẻ.

Với Vũ Duy Sơn, chuyến công tác về Hoà Bình lấy tin ảnh sự kiện "Nâng tầm trưởng phòng kinh doanh 2019" cho Fox News - trang báo nội bộ nhà “Cáo” - luôn sống động trong tâm trí. Tham gia sự kiện, các trưởng phòng FPT Telecom sinh hoạt như những người lính trong 48 giờ.

“Mình theo chân từng cán bộ để mang về những tấm ảnh chân thực nhất, từ lúc tập luyện, hành quân cho đến khi thi đấu, băng rừng…”, Sơn chia sẻ. Mỗi bước đi của các cán bộ, Sơn đều theo sát, có khi anh phải trèo lên cả vách đá để có thể “căn” được bức hình ưng ý nhất. Vốn là designer chỉ quen ngồi văn phòng, chuyến đi này đã mang lại cho Duy Sơn nhiều trải nghiệm. Anh thường xuyên đi lấy tin ảnh, “ra quân” nhiều hơn với anh em trên khắp mọi miền đất nước.

Đồng nghiệp của Sơn ở Fox News - Đặng Lê Ngọc Trân - lại nhớ như in chuyến làm phóng sự đêm tại Bình Chánh về chiến dịch “Nước mát song hành”, trao nước và xôi cho các kỹ thuật viên làm việc đêm. “Lần đầu tiên quan sát nhân viên kỹ thuật làm việc, biết được sự hi sinh của các anh, làm việc toàn chọn khung giờ đêm, xa nhà, nguy hiểm… để lại cho mình quá nhiều ấn tượng”, Trân nói. 3h30 sáng hôm sau, cô mới về tới nhà.

Video phóng sự của Trân cùng team ra lò đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, động viên từ người nhà “Cáo”. “Đây là clip đầu tiên mình thực hiện mà lượt xem nội bộ rất tốt, cũng là một trong những đề tài mình ưng ý nhất đến tận bây giờ”.

Từ một anh chàng chân ướt chân ráo vào Chungta.vn, với nỗi lo “không có gì để viết, chắc ngồi bàn giấy suốt ngày”, Nguyễn Ngọc Huy nhanh chóng được tôi luyện qua những bản tin Covid-19 trong vai trò thường trực tại Đà Nẵng. “Ngồi bệt một góc trong Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, nơi FPT Telecom triển khai lắp đặt Internet, khẩn trương gửi những tấm ảnh “nóng” về toà soạn, tôi thấy mình thực sự tham gia vào mặt trận thông tin, sống hết mình với nghề, như những phóng viên báo khác ở đây”, Huy chia sẻ về những ngày đầu trở thành phóng viên nội bộ như thế.

Như rất nhiều người FPT IS, Nguyễn Thị Mai không thể quên “Hành trình ngày mới” - chương trình kỷ niệm 25 năm thành lập công ty. Là một trong những người tổ chức, ngay từ khi lên kế hoạch Mai đã thấy “râm ran trong người” bởi quá tâm đắc với ý tưởng kết nối 2 miền Nam - Bắc. Ngoài chuẩn bị về hậu cần, kịch bản, chất liệu truyền thông, nhiệm vụ của cô lúc bấy giờ là khơi gợi niềm tự hào, hứng khởi tới từng người FIS.

“Không ít cán bộ nhân viên tỏ ra ngại ngần trước hành trình bắt buộc kéo dài tới 3 ngày. Mình được phân công trực tiếp nhận và trả lời mọi thắc mắc của từng người, đồng thời có kế hoạch truyền thông để anh chị em hiểu về chương trình cùng những hoạt động ý nghĩa xuyên suốt”, Mai kể. Cuối cùng, “Hành trình ngày mới” diễn ra thành công, trên 3 chuyến tàu Bắc - Nam, 100% người nhà Hệ thống có mặt. “Mình thực sự rất xúc động”.

Không chỉ tìm ra và tôn vinh những đặc tính riêng của người nhà F qua các sản phẩm công phu của mình, với những hành trình đầy xúc cảm, tự mỗi người làm công tác truyền thông nội bộ đã khám phá được cái “chất” của chính mình qua công việc đặc biệt này. Đó là nền tảng khiến họ luôn vững vàng trước mọi thử thách.

Nguyễn Thị Mai cho rằng, nếu báo chí bên ngoài khai thác và làm rõ các vấn đề đời sống xã hội, thì ở trong một tổ chức cũng có nhiều khía cạnh như chính sách, đời sống, kinh doanh, sản xuất… mà người phóng viên nội bộ cần đào sâu, làm rõ và truyền tải thông tin chính xác, minh bạch, tránh tình trạng “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”.

“Truyền thông nội bộ như một cây cầu kết nối Ban Lãnh đạo công ty với anh chị em và ngược lại, chuyển tải tâm tư nguyện vọng của anh em đến những người đứng đầu”, Mai nhận xét. Theo cô, để làm tốt công việc phóng viên nội bộ, yếu tố quan trọng nhất là hiểu tổ chức, hiểu cán bộ nhân viên, hiểu việc mình làm và vai trò của mình trong tổ chức. “Niềm tự hào về tổ chức, về công ty và công việc chính là ‘điện’ để mình sạc pin mỗi ngày”.

Nếu ngồi yên, tin tức không bao giờ đến, bản thân phóng viên cũng không bao giờ hiểu được tổ chức, anh em. “Chịu khó, chịu đi, lì lợm” là những từ khoá mà Ngọc Trân nằm lòng để lấy được thông tin từ các trung tâm, đơn vị. Cô còn “nằm vùng” ở các nhóm, quan sát các mối quan hệ của đồng nghiệp. Trân lắng nghe tâm tư anh em và thường đặt câu hỏi “Nếu là họ, mình sẽ muốn gì? Làm gì?”

Với Thục Anh, thách thức của một phóng viên nội bộ là giữ cân bằng giữa khéo léo và chân thành. “Khéo léo để khai thác được đúng trọng tâm, đúng thông tin mà mình cần, đúng hướng mà mình muốn; còn chân thành để mọi người cảm thấy tin tưởng và muốn chia sẻ với mình, không chỉ lần này mà còn nhiều lần về sau”, Thục Anh giải thích.

Cán bộ nhà Giáo dục chỉ ra điểm khác biệt mà cô rất tâm đắc, đó là trong truyền thông nội bộ, nội dung và chiều sâu của các ấn phẩm truyền thông được coi trọng hơn cả, trong khi làm báo ngoài thì việc “giật tít câu view” lại là yếu tố sống còn.

“Làm truyền thông trong doanh nghiệp như FPT, bạn sáng tạo thế nào cũng được, miễn là đúng mục đích”, Đỗ Thị Quế đánh giá. “Không cần bạn quá giỏi mà bạn phải làm ra sản phẩm thích hợp với đối tượng của mình”.

Từng làm truyền hình tại những cơ quan Nhà nước lớn, Quế đúc kết làm báo ngoài có thể thoải mái lật tung, điều tra, đôi khi không kiêng nể ai, còn ở nội bộ phải “nhìn mặt người mà sống”, điều chỉnh thái độ, ngòi bút của mình theo hai hướng của lãnh đạo và của anh em. “Không có báo “lề phải”, “lề trái”, chỉ có “lề giữa” để mình theo. Với một đứa bản tính “phổi bò” như mình mà trở nên kiên nhẫn như bây giờ, có thể khẳng định nghề này ít nhiều đã giúp mình trưởng thành hơn”.

Không thiếu các “tai nạn nghề nghiệp”, cũng đôi khi tự hỏi liệu mình có phù hợp với nghề, nhưng Quế, cũng như các phóng viên nội bộ FPT, vẫn vững vàng trên con đường “gọt chữ, bắt ảnh”. Ngọn lửa sẵn trong mình, họ đi sâu vào mọi khía cạnh đời sống, con người FPT, kể những câu chuyện độc đáo, để ai cũng thấy được rằng người F không chỉ có làm bạn với máy móc và công nghệ mà còn có những “chất riêng” quý giá, khó tìm thấy ở nơi nào khác. 

Chúng ta

Ý kiến

()
 
Tags: