Chúng ta
Thứ hai, 22/1/2024 | 10:16 GMT+7

Cuộc đời sang trang của những em nhỏ Trường Hy vọng

Dưới mái nhà Hope School, các em đã đóng lại chương mất mát của cuộc đời và bước tiếp tới một hành trình đầy hy vọng.

Cuộc đời sang trang của những em nhỏ Trường Hy vọng

Dưới mái nhà Hope School, các em đã đóng lại chương mất mát của cuộc đời và bước tiếp tới một hành trình đầy hy vọng.

5h30 sáng chủ nhật, Bá Thông (13 tuổi) xin thầy quản nhiệm được miễn lịch sinh hoạt để cùng đội hoàn thiện con robot đang dang dở. Đêm hôm trước, nếu thầy không thấy vắng lũ trẻ sau giờ điểm danh và đi tìm, có lẽ chúng sẽ thức luôn đến sáng. Được thầy đồng ý, cậu bé 13 tuổi đến từng phòng gọi đồng đội. 6 đứa trẻ gương mặt ngái ngủ, lật đật đi xuống phòng robot.

- Mình tháo hết ra làm lại đi – Thông nói, nhìn vào con robot gần hoàn thiện, còn chưa kịp chạy thử. Cả đội đều thống nhất ngay. Chuyến đi trải nghiệm cuộc thi robotics chiều hôm trước khiến lũ trẻ tự nhận ra thiếu sót trong sản phẩm của mình.

Không chần chừ, mỗi đứa một tay tháo dời công sức của 4 tháng mày mò và tranh luận. Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là tới cuộc thi vô địch robotics quốc gia mà chúng chờ đợi cả năm, đứa nào cũng muốn hoàn thành một sản phẩm hoàn hảo nhất có thể.

Giải đấu sắp tới với tụi nhỏ không chỉ là một thành tích, mà còn là niềm tự hào của trường nội trú Hy Vọng (Hope School, ngôi trường nuôi dạy những em nhỏ không may mất cha, mẹ sau dịch Covid-19 do FPT sáng lập) – nơi 230 đứa trẻ mồ côi vì Covid từ 41 tỉnh, thành trên cả nước học tập và chung sống. Hơn hai năm sau đại dịch, lũ trẻ dưới sự dẫn lối của thầy cô đã cùng nhau đi qua mất mát, để rồi trưởng thành theo cách của riêng mình.

Ba thành viên của CLB Robot tại trường Hy Vọng: Bá Thông (phải), Kỳ Hào (giữa), và Quốc Bảo (trái).

Những đứa trẻ bận rộn

“Căn cứ” của câu lạc bộ (CLB) robot là một căn phòng 25 m2, dưới đất bày la liệt thanh nhựa lắp ráp, bánh răng, ròng rọc, trục kim loại… Bá Thông là đội trưởng, chịu trách nhiệm lập trình cho “bộ não” của sản phẩm và điều phối tổng thể. Quốc Bảo, Kỳ Hào, và Lê Phát (cùng 14 tuổi) chia nhau lắp đặt các bộ phận; Gia Bảo (12 tuổi) viết nhật ký lắp ráp; còn Thanh Sơn (14 tuổi) theo dõi cả quá trình để phát hiện và sửa lỗi.

Lũ trẻ tỉ mỉ “cân đo đong đếm” từng thanh nhựa, bánh răng, con ốc… Mọi bộ phận của con robot đều được soi xét kỹ, đảm bảo không một chi tiết thừa.

“Lần này, mình đặt mục tiêu top 50 là được”, Thông đặt đích đến cho cả nhóm.

Giải Vô địch Quốc gia VEX Robotics năm ngoái, nhóm của Thông đạt thứ hạng 56 trên 150 đội chơi từ 30 tỉnh, thành. Cậu không hài lòng với kết quả ấy. Con robot bị hỏng trong quá trình di chuyển khiến cả nhóm phải lắp lại vào phút chót. Lần thi đấu này, cả đội muốn chu toàn mọi thứ.

Lần đầu bước chân đến trường Hy Vọng năm 2022, Thông chưa bao giờ nghĩ tới việc có thể lắp ráp một con robot tự hành. Đam mê lớn nhất khi ấy của cậu là trò chơi điện tử (game) - thứ giúp xoa dịu nỗi buồn mất cha, rồi lại phải xa mẹ và em trai đến một nơi xa lạ. Có hôm, thầy quản nhiệm bắt gặp cậu ngồi trầm tư ngoài hành lang, khóc không thành tiếng. Nhiều lần Thông thỏ thẻ xin rời trường về nhà để “phụ mẹ kiếm tiền”.

Ba Thông, tài xế xe đường dài, ra đi trong đại dịch tháng 8/2021 để lại ba mẹ con cùng khoản nợ mua nhà và xe khách trả góp. Thông – khi đó 11 tuổi – tự quàng cho mình vai trò của người đàn ông trong gia đình. Xa nhà, cậu lo cho mẹ và em trai.

“Nhiều lúc hắn nhớ mẹ, muốn về nhà mà không dám nói. Hắn cố thể hiện mình mạnh mẽ, cứng rắn, sợ mẹ buồn”, chị Nguyễn Thị Ái Nhân (42 tuổi), mẹ Bá Thông, kể về những ngày đầu con mới vô trường.

Dần dần, Bá Thông quen trường mới. CLB robot trở thành nơi xoa dịu nỗi nhớ nhà lẫn “chữa” thói nghiện game. Chị Nhân bán tín bán nghi khi biết con mình có thể tự lắp ráp một con robot, thậm chí được đi thi cấp quốc gia. Hồi ở nhà, hai đứa trẻ chỉ quanh quẩn ở quầy bánh mì, trà tắc của mẹ, bấm điện thoại, coi tivi. Lắp ráp robot là thú chơi xa xỉ bởi giá một bộ linh kiện lên đến vài chục triệu.

Hai năm kể từ khi Thông nhập học, chị thấy rõ sự trưởng thành của con trai qua từng cuộc điện thoại. Đặc biệt là cách Thông trở thành điểm tựa cho em trai Bá Toàn (7 tuổi). Toàn nhập học sau anh một năm, cũng trải qua những tuần vật vã nhớ mẹ. Đêm nào ngủ cậu cũng ôm anh trai, khóc không ngừng. Mỗi lần như thế, Bá Thông xoa đầu em vỗ về: “Ba đây, ba đây”.

Cậu áp dụng đúng cách thức trước đây của mình cho em: “dùng việc học để đè thời gian nhớ”. Ngoài các hoạt động bắt buộc ở trường, Thông đăng ký cho cậu em 7 tuổi đủ loại CLB. Theo kinh nghiệm của cậu, đam mê là “liều thuốc” tốt nhất cho nỗi nhớ.

Cuối tuần, học sinh tại Hope bận rộn với hoạt động của CLB (trong ảnh là CLB phát thanh) và hướng nghiệp do trường tổ chức.

Những đứa trẻ ở Hy Vọng có một cuộc sống bận rộn. Chúng được chia sinh hoạt theo 5 trung đội, gồm: Hương Giang, Hàn Giang (nữ); Trường Giang, Tiền Giang và Hậu Giang (nam) – mỗi nhóm khoảng 40 học sinh, do một thầy và một cô phụ trách. Thầy cô bảo chia các con thành những dòng sông bởi chúng trong lành như nước, để tụi nhỏ biết linh hoạt tựa sông, và đoàn kết tạo nên sức mạnh “nước chảy đá mòn”, cùng nhau chở phù sa chờ ngày đổ ra biển lớn.

Những buổi hoạt động ngoại khóa tại Hope School luôn được bọn trẻ quan tâm.

Tại Hope, học sinh hầu như tự làm mọi thứ, vừa theo sức của mình. Buổi sáng của lũ trẻ luôn bắt đầu lúc 5h30, khua nhau dậy sinh hoạt theo lịch đã xếp từ đầu tuần: chạy bộ, tưới cây, quét sân, hoặc làm vườn – cứ thế xoay vòng. Mọi hoạt động kết thúc vào 6h để chuẩn bị cho giờ học chính khoá một tiếng sau đó. 16h, chúng lại dắt tay nhau về, lặp lại lịch sinh hoạt buổi sáng. Trước giờ cơm tối, các em có khoảng một tiếng cho những thú vui riêng, sau đó là giờ tự học hoặc tham gia lớp gia sư theo từng cấp.

(Nhật Quang (13 tuổi) bắt đầu học chơi piano từ khi vào học trường Hy Vọng tháng 8/2023. Hiện em đã chơi được 5 bản giao hưởng khó)

Lũ trẻ không chỉ bận rộn với lịch trình dày đặc từ 5h sáng đến 21h, mà cả với sự chọn lựa giữa hàng loạt CLB: robot, âm nhạc, mộc, trồng sen đá, làm bánh, may, làm xà phòng, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, vovinam, taewondo, bóng rổ, đá cầu. Cuối tuần, chúng lại kín lịch với hoạt động hướng nghiệp hoặc trải nghiệm lên rừng xuống biển.

“Nếu bận rộn về mặt thể lực, các em sẽ đỡ suy nghĩ hơn”, thầy quản nhiệm Phan Thanh Phú (30 tuổi), giải thích về thời gian biểu dày đặc được “đo ni đóng giày” cho lũ trẻ để chúng khỏi luẩn quẩn mãi trong những ký ức buồn.

Sau 2 năm, Hope đã đón 4 lứa học sinh nhập học, đứa nào cũng trải qua những ngày đầu nhớ nhà, “ăn cơm mà nước mắt rơi lộp độp”. Trung đội chia nhau mỗi người một vai - thầy cứng rắn như cha, cô vỗ về như mẹ, đồng đội chia sẻ như anh em. Mỗi phòng 4 đứa đều được xếp sao cho có lớn có nhỏ để dìu dắt nhau. Nhanh thì một tuần, lâu phải một tháng, những đứa trẻ mới hoà nhập.

“Thầy cô chỉ là người dẫn lối, không thể nắm tay từng em dắt đi được. Trưởng thành là quá trình tự thân của mỗi đứa trẻ”, thầy Phú nói.

Hành trình nảy mầm

Sáng cuối tuần, trời còn sụt sùi mưa không có dấu hiệu dứt, gần 40 cậu bé của trung đội Trường Giang vẫn kéo nhau xuống Vườn Vui Vẻ. Nhiệm vụ được thầy cô giao tuần này là khai hoang bãi đất ở góc vườn để chuẩn bị cho một lứa cây mới. Khu vườn rộng hơn 2.000 m2 được chia cho từng trung đội tự gieo trồng, chăm sóc.

Cả trung đội mỗi người một việc - đứa nhỏ cào đất dọn cỏ, anh lớn khuôn những cây gỗ to nằm ngổn ngang, gom vào một góc. Tất cả nhễ nhại mồ hôi, chân tay bện mùi đất cát. Bên kia khu vườn, mấy cô bé của trung đội Hàn Giang ngồi giữa la liệt bảng màu, tỉ mỉ vẽ từng nét lên tấm bảng gỗ tên của mỗi luống cây.

Trung đội Trường Giang đang khai hoang khu đất bỏ hoang để chuẩn bị trồng lứa cây mới.

“Cây này ra trái nè tụi bây ơi”, mấy cô bé của trung đội Hương Giang ríu rít gọi nhau đến xem thành quả của cuộc thử nghiệm trồng dưa leo trên cát.

Trong 5 khu vườn, luống rau của Hương Giang nhìn nổi bật hẳn so với phần còn lại – cát được đắp cao, gọn gàng và ngay ngắn. Các loại rau được trồng ngang hàng thẳng lối như một tiểu đội xếp hàng trên cát. Cô bé 13 tuổi Đoàn Trúc Quyên là người phụ trách “nông hộ” này.

Lúc đầu, làm vườn với Quyên chỉ là “án phạt" vì vi phạm Bộ luật Hy Vọng - nội quy của trường, mệt mỏi vì ngày nào cũng lấm lem bùn đất do nhổ cỏ, cuốc đất, bổ luống, tưới cây… Một tuần rồi một tháng, những câu chuyện về cây mà thầy quản nhiệm kể dần “ngấm” vào cô học trò nhỏ. Quyên bắt đầu mê mẩn khu vườn.

“Thầy bảo cây biết nói. Mình có thể nói chuyện với cây, khen cây nhiều thì nó sẽ mau lớn. Thế là lần nào chăm cây con cũng nói với cây ‘mau lớn nha’, vậy mà con thấy cây lớn nhanh thiệt, qua có chút xíu mà nay đã nở to ra”, Quyên kể.

Sau một tháng chịu phạt, Quyên trở thành thợ làm vườn lành nghề của đội, thành thục từng bước của quy trình nuôi lớn cây: từ làm luống, gieo hạt, tưới nước, bón phân đến thu hoạch. Quyên bảo, cây sống được hay không đều nhờ bản thân mình lười hay siêng, cây đều thể hiện hết.

Cô bé giám sát các thành viên trong đội tuân thủ công thức đúng cho từng loại: rau muống phải gieo hạt kiểu đục lỗ; mồng tơi gieo hạt theo hàng; cây nào phải tưới bao nhiêu nước… Dần dà, cô bé thu phục thêm nhiều “tín đồ” yêu cây mới trong đội. Nhiều đứa thậm chí cố tình vi phạm quy định để “được” phạt làm vườn mỗi ngày.

“Mỗi lần bước vào vườn là con thấy nhẹ nhõm, bao nhiêu nỗi buồn đều quên hết”, cô gái 13 tuổi lý giải niềm đam mê mới, bàn tay trần bới bới cát trên luống rau mới trồng.

Học sinh Hope duy trì lịch làm vườn mỗi buổi sáng và chiều. 

Các em tự tay chăm sóc cây trong khu vường của mình.

Hai năm kể từ khi ý tưởng Vườn Vui Vẻ thành hình, làm vườn đã không chỉ còn là nhiệm vụ với nhiều đứa trẻ.

Trong hàng chục hoạt động mà thầy cô trường Hy Vọng thiết kế cho học trò, đây là mô hình đặc biệt nhất. Thầy Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Hope School - người theo dấu hành trình trưởng thành của các em từ ngày tuyển sinh, cho biết ý tưởng về khu vườn bắt nguồn từ việc thầy cô muốn trò học cách sống hướng về tự nhiên.

Những đứa trẻ mồ côi do Covid đa phần là thế hệ con cái của tầng lớp lao động di cư xuất thân từ nhà nông, nhưng bỏ ruộng vườn lên thành phố làm công nhân hoặc lao động phi chính thức, sống chen chúc trong phòng trọ vài m2 để bố mẹ nuôi giấc mơ đổi đời. Lớn lên trong 4 bức tường bê tông của phòng trọ, cây cối - thứ vốn là cội nguồn, lại trở nên xa lạ với lũ trẻ. Thầy cô trường Hope muốn thu hẹp khoảng cách ấy.

Hành trình đó không dễ dàng. Khởi đầu, hầu hết các em đều uể oải với những công việc chân lấm tay bùn. Phải đến khi thu hoạch lứa rau đầu tiên, thưởng thức thành quả do chính mình làm ra, tụi nhỏ mới bắt đầu cảm được niềm vui của việc gieo trồng.

Thầy Quyền bảo 30-45 ngày kể từ khi cuốc đất bổ luống, gieo hạt mầm đầu tiên, cho đến lúc thu hoạch là hành trình trải nghiệm với lũ trẻ. Chúng học tính kỷ luật, bởi chỉ một ngày lơ là, cây sẽ trở nên héo úa; học đoàn kết, bởi một bàn tay không thể chăm hết cả khu vườn; học thấu hiểu, bởi nếu chăm sai cách cây sẽ chẳng thể lớn; học kiên nhẫn, bởi thành quả không tới ngay mà phải biết chờ đợi. Một cách tự nhiên, bài học làm vườn trở thành hành trang để các em tự trưởng thành sau mất mát.

“Đây không chỉ là khu vườn, mà còn là trường học, là nơi trị liệu, chữa lành cho lũ trẻ. Giáo dục cũng giống với làm vườn. Chỉ yêu thương và kiên nhẫn mới khiến cái cây phát triển tươi tốt, cũng giống như con người vậy”, thầy Quyền nói.

Định nghĩa của yêu thương

- Dạo này con còn lấy đồ của bạn trên lớp không? – thầy Quyền nhìn thẳng vào cậu bé 7 tuổi đang vần vò cái áo quá khổ so với cơ thể bé nhỏ. Phải đợi thầy nhắc lại, cậu bé mới ngước mắt lên, môi mím chặt, khẽ lắc đầu.

Thầy nhìn đứa nhỏ một lúc như để kiểm tra, rồi cười, mở lòng bàn tay đưa ra một chiếc kẹo. Cậu bé rụt rè cầm lấy phần thưởng. Thầy tiếp tục quay sang hỏi đứa nhỏ quê Phú Yên dạo này còn nói tục không, nhắc thằng nhóc người Raglai phải giữ gìn đồ đạc sau khi mất khay cơm thứ ba. Bọn nhỏ đứng túm tụm xung quanh, nhao nhao đòi kẹo, thỏ thẻ hứa hẹn, rồi lại tranh nhau rỉ rả tâm sự, mách tội, cười rộn ràng cả góc sân.

Thầy Hoàng Quốc Quyền (áo xanh, giữa) luôn dành thời gian chơi đùa cùng các học sinh mỗi ngày

Trường Hy Vọng khởi đầu với mục tiêu nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi do Covid, đến nay đã đi được 1/4 chặng đường. Sau 4 mùa tuyển sinh, từ 34 đứa trẻ nhập học đầu tiên, giờ trường Hy Vọng đã có 230 học sinh với 230 cá tính khác biệt. Có đứa làm đủ trò chống đối, xúi giục bạn bè vi phạm quy định của trường. Có đứa nghiện game, lén lút giấu thầy cô dùng điện thoại. Có đứa hút thuốc, rủ rê rồi bán cho bạn bè. Mỗi lứa tuổi có kiểu rắc rối riêng mà thầy cô không thể áp dụng công thức chung nào.

Nhưng thầy Quyền nhận ra quy luật trong sự thay đổi của lũ trẻ: khi cảm nhận được tình thương. Với các em, yêu thương được định lượng bằng thời gian. Thời gian người lớn lắng nghe chúng thủ thỉ kể về đủ chuyện trời ơi đất hỡi. Thời gian để thuộc làu tên, tuổi, nơi chốn, gia cảnh, tài lẻ và cả thói hư tật xấu cùng những “món nợ” vi phạm của từng đứa trẻ…

Trường Hy Vọng chỉ có 12 giáo viên nội trú, nhưng các em có thể tìm kiếm thầy cô ở bất cứ đâu, vào bất kỳ khung giờ nào. Dãy nhà của mỗi trung đội đều có một căn phòng lúc nào cũng mở cửa, sáng đèn cả đêm, đó là phòng trực của các thầy cô. Mỗi tối, tụi nhỏ ra vào không đếm nổi số lượt.

“Điều những đứa trẻ mồ côi cần là thời gian của người lớn, đồng hành và theo sát, đừng để lũ trẻ cảm giác bị bỏ rơi. Nếu từng trải nghiệm của chúng đều có sự hiện diện của mình, chúng sẽ cảm nhận được tình yêu thương”, thầy Quyền nói.

Các em nhỏ tại Hope School tự làm sạch không gian sống để chuẩn bị trang trí Tết.

Chúng thường viết thư và những lời nhắn biết ơn lên các bức tường trong phòng và không gian sinh hoạt chung.

“Mấy đứa trẻ không nhận ra chúng đã lớn nhanh thế nào”, cô quản nhiệm Cáp Nguyễn Thanh Nguyên nói về sự thay đổi của học trò.

Cô giáo 28 tuổi còn nhớ ngày đầu tiên đến trường nhận việc, điều khiến cô ngạc nhiên nhất là cách lũ trẻ đón nhận một người dưng. Đứa nào thấy cô từ xa cũng hô to “con chào cô”, đôi khi còn kèm theo cả cái vẫy tay nhiệt thành. Dù chẳng biết cô là ai, đến từ đâu, chúng vẫn chào đón tự nhiên như thể người thân trong nhà.

Suốt nửa năm làm việc ở trường, lũ trẻ cũng là những “người thầy” dạy cô nhiều điều nhất. Chúng chỉ cô cách quen với nề nếp của trường, dạy cô làm vườn, dọn dẹp… Cũng chính tụi nhỏ giúp cô vơi nỗi nhớ nhà khi lần đầu xa quê hương Vũng Tàu để chuyển đến Đà Nẵng làm việc.

“Lũ nhỏ thấy cô ốm, nặng có 37 kg, mỗi lần gặp đều hỏi ‘cô Nguyên ăn cơm chưa’, hay thấy cô buồn thì truy hỏi: ‘Đứa nào làm cô khóc vậy’. Nhiều lúc cảm thấy chính chúng đang bao bọc và bảo vệ mình”, cô giáo trẻ kể.

Dù đứa nào cũng có vẻ chín chắn hơn tuổi, với cô, chúng vẫn là những đứa nhỏ thơ ngây. Lễ Vu Lan năm ngoái, cô Nguyên giao mỗi đứa viết một lá thư để tri ân cha mẹ. Vừa nghe đề bài, có đứa hồn nhiên hỏi: “Viết cho người sống hay người chết hả cô”. Cả bọn cười ran, còn cô giáo đứng hình – nửa buồn cười, nửa muốn khóc vì thương tụi nhỏ. Cô nể phục học trò – những đứa trẻ không những đủ tự lập để bình thường hoá nỗi buồn của mình, mà còn đủ yêu thương để sẻ chia cho những người xung quanh.

Cô không biết thời gian đã chữa lành được vết thương của chúng hay chưa, vì chẳng có thời hạn nào cho đau buồn hay mất mát, nhưng cô biết những học trò của mình đã đứng dậy và bước tiếp.

Chỉ còn ba tuần nữa là Tết, tức sắp được về nhà. Đứa nào cũng khấp khởi đếm ngược từng ngày, ôm một bụng chuyện để kể cho ba, mẹ, người thân về những hành trình “nhận chữ” suốt kỳ học vừa qua.

Đứa tỉ mẩn may món đồ nhỏ xinh cho mẹ, đứa hì hụi lắp ráp một mô hình nhỏ cho em, đứa mong vườn rau mau lớn để kịp thu hoạch tặng thầy cô ăn Tết. Đó là cách lũ trẻ lấy “yêu thương đền đáp yêu thương”, như dòng chữ được chúng viết trên bức tường trước cổng trường những ngày đầu nhập học.

Nội dung: Thu Hằng

Ảnh: Nguyễn Đông

Chương trình Tết Hy vọng 2024 được Quỹ Hy vọng thực hiện với mục tiêu mang đến mùa Tết ấm áp cho các em nhỏ mồ côi. Người FPT có thể đồng hành cùng chương trình tại đây.

Ý kiến

()
 
Tags: