Chúng ta
Thứ tư, 5/6/2024 | 12:07 GMT+7

'Lão tướng' Bùi Quang Ngọc: 'Lãnh đạo cần có KPI về bóng đá'

Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Quang Ngọc chia sẻ thẳng thắn như vậy khi trao đổi với Chúngta về thực trạng và giải pháp phát triển cho phong trào bóng đá tại FPT.

'Lão tướng' Bùi Quang Ngọc: 'Lãnh đạo cần có KPI về bóng đá'

Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Quang Ngọc chia sẻ thẳng thắn như vậy khi trao đổi với Chúngta về thực trạng và giải pháp phát triển cho phong trào bóng đá tại FPT.

Cuộc đối thoại giữa tôi - một newbie về bóng đá FPT với anh Ngọc - người được mệnh danh là huyền thoại sân cỏ FPT diễn ra hết sức cởi mở. Ở tuổi 68, lão tướng Bùi Quang Ngọc vẫn toát lên sự nhiệt thành và biết bao trăn trở với phong trào bóng đá của tập đoàn.

Được biết, anh là thủ lĩnh tinh thần của bóng đá FPT những buổi đầu

Anh là Chủ tịch đầu tiên Liên đoàn Bóng đá của FPT (FFF)! (anh Ngọc ngắt lời, giọng điệu tràn ngập tự hào)

Em nghe nói đó là thời kỳ cực thịnh của bóng đá FPT?

Bóng đá với bọn anh là đam mê, là trách nhiệm!

Những năm 2000, bóng đá rất nổi bật. Ở giải đấu sân 7 người có lúc lên đến 24 đội tham gia, chia làm 2 series A - B, có lên hạng - xuống hạng. Mỗi đội có 2 bộ trang phục màu khác nhau, nếu ra sân bị trùng thì dùng bộ thứ 2. Bọn anh đều ra sân và có những đội lão tướng. Hồi đấy chắc chắn Ban Tài chính nhỏ hơn bây giờ nhưng đã có riêng một CLB bóng đá. Ở FHO luôn có 1 đội bóng đá trong đó lãnh đạo chiếm từ 1/3 đến phân nửa.

Đặc biệt, khối bóng đá duy trì hoạt động mà không lấy một đồng của công ty. Tất cả anh em đều đóng tiền cho giải. BTC đi gõ cửa một số lãnh đạo xin tài trợ thêm. Còn bây giờ không có tiền thì dường như không có gì hoạt động được!

Điểm đặc biệt nữa là sau mỗi trận đấu lại có hoạt động đi kèm. Đầu tiên là khi đá xong thì cả cầu thủ và cổ động viên lại kéo nhau ra quán bia. Hàng trăm người FPT ngồi ở quán bia và hát hò, nhảy lên bàn hát, cầm loa hát... Tiếp nữa là sáng hôm sau “ẫm ĩ” trên mail đàn. Diễn đàn bóng đá khi đó nổi lắm. Nó nằm trong một không gian của diễn đàn chung. Sáng thứ 2 tuần nào cũng gần như tràn ngập những trận “khẩu chiến”, rồi thách đố, chửi nhau có, dọa nhau có, kiện nhau có và tâng bốc nhau ở trên đấy rất là vui.

Còn bây giờ, anh e là giờ mọi chuyện không được như vậy. Bóng đá FPT bây giờ thụt lùi và chìm đi rất nhiều so với trước. Giải đấu sân 11 người rất khó khăn để tiến hành do không tập hợp được đủ đội. Thậm chí có những năm giải sân 11 người chỉ có 6 đội.

Bóng đá có vị trí độc tôn trong thể thao. Trong FPT tỉ lệ nam rất cao thì không có lý gì nó không có một vị trí cao trong hoạt động tinh thần, trong hoạt động của FPT. Câu hỏi là tại sao bây giờ nó không được như vậy, thưa anh?

Thời gian trôi đi và rất nhiều câu chuyện thay đổi. Anh công nhận FPT bây giờ rất lớn và có mặt ở rất nhiều khu vực. Hoạt động phong trào như vậy sẽ khó hơn vì đông quá mọi người ít biết nhau. Thêm vào đó, bây giờ công việc của mọi người áp lực nhiều hơn trước. Môi trường vui chơi giải trí của các bạn trẻ bây giờ cũng khác với thời trước.

Tuy nhiên, đúng như em nói, bóng đá có một vị trí độc tôn trong thể thao, và hoạt động thể thao có vị trí vô cùng quan trọng trong bất cứ tổ chức, quốc gia nào, thậm chí của toàn bộ loài người. Trên thế giới bóng đá vẫn đang đi lên: giải đấu nhiều hơn, số trận nhiều hơn, tiền bản quyền cao hơn, giá cầu thủ cao hơn… Còn ở trong FPT làm chưa tốt, anh chỉ ra có 2 nguyên nhân rất dễ nhìn:

Đầu tiên và mấu chốt là sự quan tâm của lãnh đạo. Ngày xưa làm tốt bởi vì lãnh đạo bọn anh tham gia rất đông. Sự quan tâm của lãnh đạo đối với hoạt động tinh thần nói chung và đối với phong trào bóng đá của FPT nói riêng là rất quan trọng. Ở đâu có lãnh đạo, ở đó có thành tích. Điều đó rất dễ hiểu. Vấn đề là trong kế hoạch làm việc, trong phạm vi làm việc của lãnh đạo có hay không có bóng đá. Không có một số đo nào trong công tác lãnh đạo, không có KPI nào liên quan đến văn hóa đoàn thể nói chung, bóng đá nói riêng. Vì không có KPI nên chẳng ai quan tâm cả. Anh biết nhiều lãnh đạo FPT rất quan tâm đến bóng đá, các ông ấy vẫn xem thông tin và biết hết. Ví dụ như đội nào đang dẫn đầu, ai là vua phá lưới của từng giải... Sự đam mê bóng đá thì có, nhưng có dành để cống hiến cho FPT không thì lại là 1 câu chuyện. Nếu không đưa vào KPI thì việc gì người ta phải quan tâm, phải dành thời gian?

Điểm thứ hai là cử người không có sự đam mê phụ trách tổ chức các giải bóng đá nên không có sự sáng tạo. Thậm chí người được giao phụ trách bóng đá thì không biết đá bóng cũng không hiểu biết gì về bóng đá, cũng không biết là giải này đội mạnh, giải kia ai dẫn đầu vua phá lưới?

Vậy theo anh ai là người chịu trách nhiệm cho việc này?

Ai chịu trách nhiệm? Hiện nay chính thống là Ban Văn hóa và Đoàn thể FPT. Nhưng ai trong Ban Văn hóa và Đoàn thể FPT chịu trách nhiệm? Cái này anh nói rất nhiều lần nhưng chẳng ai quan tâm. Tức là câu chuyện nó cứ như vậy thôi. Cái người chả ham mê, không hiểu biết, không ra sân vẫn phụ trách bóng đá thì bảo sao bóng đá nó chẳng lẹt đẹt. Những biện pháp để làm, để thúc đẩy 1 phong trào cũng đòi hỏi nhiều thời gian, đòi hỏi sự sáng tạo và đòi hỏi công tác tổ chức chuyên nghiệp. Và anh vẫn thiên về có một tổ chức.

Có người bảo là hồi xưa anh làm lãnh đạo cấp cao thì muốn làm gì cho bóng đá chả được?

Anh đồng ý hồi xưa thời của anh dễ làm hơn. Vấn đề bây giờ là làm sao phải có tổ chức, khơi dậy được lòng yêu bóng đá và gắn với FPT. Và chúng ta cần một lãnh đạo tổ chức. Dưới FIFA là các châu lục, dưới châu lục là các liên đoàn quốc gia, dưới liên đoàn quốc gia là các câu lạc bộ. Nó phải có 1 tổ chức chặt chẽ. Ngân sách mình không thiếu. Nhưng mà nếu không có tổ chức và con người phù hợp thì bất cứ công việc nào cũng không có kết quả tốt đừng nói đến bóng đá. Các công tác khác cũng vậy.

Có một quan điểm đang được khá nhiều người đồng tình, rằng ngày xưa “ít việc” nên anh em đam mê bóng đá. Bây giờ áp lực hơn, nặng đầu vì KPI nên không có thời gian như trước…

Nhận xét thế không đúng. Mọi người mệt mỏi, càng cần cân đối, cần hoạt động tinh thần bổ trợ. Đừng nghĩ mình FPT áp lực, ở đâu chả áp lực, thế giới cũng bị áp lực. Anh công nhận bây giờ áp lực hơn so với thời đầu. Nhưng cuộc sống bên ngoài cũng áp lực mà bóng đá nó đâu đi xuống? Nói bóng đá ở FPT đi xuống do nhiều việc hơn nó không thuyết phục!

Thời bọn anh trẻ cũng rất căng chứ, ai chả cần doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên bản lĩnh lãnh đạo là ở chỗ đó. Mình vẫn cân đối được những hoạt động khác. Phải duy trì, nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp và thể thao - bóng đá là một cấu thành rất quan trọng. Nó tạo sự giao lưu, sự gắn kết, thậm chí qua đó tạo nên sự tự hào. Hồi đó bọn anh rất tự hào về phong trào bóng đá của công ty.

Nói thì vậy nhưng tất nhiên anh cũng thừa nhận là rất khó. Vì áp lực của doanh thu lợi nhuận quá lớn cho nên phải phân công người chuyên trách. Những người đó phải đủ vị trí trong bộ máy lãnh đạo, đủ uy tín để thể hiện được cái năng lực tổ chức, thể hiện được quyền lực của mình.

Nói như vậy thì có nghĩa bóng đá nói riêng, thể thao có một vai trò vô cùng lớn đối với sự phát triển của FPT?

Lợi ích của hoạt động tinh thần, của thể thao và bóng đá không đo cụ thể bằng tiền hay doanh thu. Ngay cả hoạt động về đào tạo, về đội ngũ kế cận đều không đo đếm cụ thể được, nhưng biết chắc là nó sẽ đóng góp cho sự phát triển của tổ chức. Sự giao lưu, liên kết, đoàn kết và lan tỏa trong FPT sẽ tốt hơn rất nhiều nếu có bóng đá.

Thiếu các hoạt động văn hoá tinh thần sẽ làm FPT rời rạc, thiếu sự gắn bó, thiếu sự ganh đua. Cái ganh đua cũng là sự cần thiết cho sự phát triển lành mạnh. Thể thao cũng là sự ganh đua. Thông qua hoạt động tinh thần, thông qua hoạt động thể thao để thể hiện sự gắn bó đó, sự đoàn kết, đó mới là FPT.

Lãnh đạo phải hiểu mình cần văn hóa doanh nghiệp. Phải tư duy đây là phục vụ cho hoạt động phát triển của FPT thì mới làm tốt được. Còn nếu chỉ dừng sự quan tâm ở doanh thu lợi nhuận thì mãi mãi phong trào thể thao của FPT nó vẫn đì đẹt vậy thôi. Nếu quốc gia nào chỉ nghĩ đến kinh tế, sau thời gian sẽ có sự què quặt, thiếu thốn. Đối với quốc gia là thế thì đối với doanh nghiệp nó cũng vậy. Thể thao là hoạt động tinh thần rất cần cho sự phát triển của 1 tổ chức lành mạnh.

chúng ta cần phải vực dậy bóng đá FPT?

Phải vực dậy. Còn vực dậy như thế nào thì Ban Điều hành cần đưa ra giải pháp, có kế hoạch, có ý định, đề cương cho hoạt động tinh thần.

Và phải tìm được người đam mê thể thao để phụ trách vấn đề thể thao trong ban lãnh đạo. Những người đó phải có vị trí đủ lớn, đủ uy tín để thể hiện được năng lực tổ chức và quyền lực của mình. Phải đưa vào chương trình làm việc và cần có KPI.

Điểm thứ hai là phải cử cá nhân phù hợp, có đủ sự đam mê và sáng tạo phụ trách tổ chức các giải bóng đá. Làm phong trào thì cần cả đam mê lẫn sự sáng tạo.

Anh hiểu câu chuyện và nút thắt ở đâu nhưng có giải được không thì chưa biết. Không phải bệnh nào ngành y cũng chữa được. Vấn đề bóng đá của FPT có chữa được không, chưa biết.

Anh nói rất nhiều đến vai trò của lãnh đạo. Vậy anh có lời nhắn nhủ nào đến với các lãnh đạo FPT?

Thứ nhất là cuộc sống cần sự phong phú, sự cân đối. Đừng nói chữ hạnh phúc một cách chung chung, mà hãy làm những hạnh phúc cụ thể cho FPT.

Thứ hai là phải đủ bản lĩnh để hoạt động toàn diện chứ không chỉ có doanh thu và lợi nhuận. Một doanh nghiệp muốn phát triển trường tồn thì cần phải có văn hóa doanh nghiệp. Trong văn hoá doanh nghiệp thì hoạt động tinh thần, hoạt động thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là một cấu thành rất quan trọng.

Thứ ba là đừng nói chung chung, hô khẩu hiệu rất nhiều lúc nào cũng gắn với hạnh phúc trong khi những cái rất rõ cần làm để phục vụ 2 chữ hạnh phúc thì lại bỏ qua.

Xin cảm ơn anh!

CaDe 

Ảnh: Huấn Trần

Clip: Hưng Vũ

Thiết kế: Khôi Phm

Ý kiến

()
 
Tags: