Chúng ta

Lãnh đạo FPT làm việc với tỉnh Điện Biên đề xuất thúc đẩy đầu tư giáo dục và chuyển đổi số

Thứ sáu, 26/4/2024 | 19:02 GMT+7

Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa và đại diện một số đơn vị thành viên FPT vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên về đề xuất trao đổi hợp tác giáo dục và chuyển đổi số.

Tham dự sự kiện chiều 26/4, về phía tỉnh Điện Biên có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh liên quan. Về phía FPT có 2 thành viên Hội đồng sáng lập FPT là chị Trương Thanh Thanh và anh Hoàng Nam Tiến; Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa và đại diện các đơn vị thành viên.

-7027-1714137794.jpg

Toàn cảnh buổi làm việc giữa FPT và UBND tỉnh Điện Biên.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên, Chủ tịch Lê Thành Đô cho hay, với đặc điểm là tỉnh miền núi Tây Bắc nên Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo khoảng 26%. Từ nay đến 2030, cố gắng đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

“Bên cạnh lấy nông lâm nghiệp làm nền tảng, chúng tôi lấy công nghiệp - xây dựng làm động lực phát triển. Tỉnh đang tập trung tháo gỡ 3 vấn đề chính: hoàn thiện thể chế và cơ chế chính sách để cải thiện môi trường đầu tư; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo ra nguồn lực phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực”, đồng chí Lê Thành Đô nhấn mạnh.

Chia sẻ tại buổi làm việc, TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa cho hay, sau 36 năm, FPT vẫn đang mang trên mình sứ mệnh trở thành đoàn quân mang trí tuệ Việt Nam vươn ra thế giới. FPT đang tập trung vào lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số, phát triển giáo dục, viễn thông - truyền hình… FPT có mặt ở 31 quốc gia/vùng lãnh thổ và hy vọng đến năm 2035 sẽ đạt mốc 1 triệu nhân viên.

-7022-1714137652.jpg

TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ cùng các đại biểu.

Hiện tại, lực lượng nhân sự trong lĩnh vực bán dẫn trên toàn thế giới đang thiếu trầm trọng. Vì vậy, FPT đặc biệt chú ý đến lĩnh vực giáo dục. Đó là lý do FPT mạnh dạn đề xuất xây dựng tổ hợp giáo dục ở Điện Biên, bao gồm: trường phổ thông chất lượng cao, cao đẳng FPT Polytechnic và trường ĐH FPT. “Đây có thể sẽ là cơ sở thứ 6 của ĐH FPT trên cả nước. Hằng năm, trường đang tuyển sinh nhiều hơn cả ĐHQG HN và ĐHQG TP HCM. Các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp phần lớn làm việc cho FPT và các tập đoàn lớn trên thế giới”, TGĐ FPT nhấn mạnh.

Theo anh Khoa, trước đây không ai tin Việt Nam có thể xuất khẩu phần mềm, nhưng Chủ tịch Trương Gia Bình và FPT đã chứng minh chúng ta có thể làm được điều đó, thậm chí đang trở thành nước thứ 2 thế giới về dịch vụ phần mềm với doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2023. 

“FPT đang có nhiều chương trình xã hội ở Điện Biên nhưng để phục vụ phát triển lâu dài thì giáo dục là lĩnh vực chúng tôi lựa chọn. FPT mong muốn sau tổ hợp giáo dục, chúng tôi sẽ đào tạo những lĩnh vực mới với nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ toàn cầu. Đây chính là giải pháp thoát nghèo bền vững nhất. Hiện nay, lương trung bình của kỹ sư FPT làm cho nước ngoài khoảng 2.000 USD/tháng. Và đa số những bạn giỏi nhất FPT lại không xuất phát từ HN hay TP HCM mà chính từ những vùng quê”.

Về chuyển đổi số, TGĐ FPT khẳng định Tập đoàn đã có kinh nghiệm chuyển đổi số cho nhiều cơ quan nhà nước/địa phương. “FPT có những mô hình phù hợp để áp dụng vận hành cho cơ quan công an tỉnh trong việc quản lý công dân. Ngoài ra, FPT cũng hy vọng có thể ứng dụng AI cho Điện Biên để lãnh đạo tỉnh nhìn thấy lợi ích trực tiếp, gần gũi của AI”.

Người điều hành FPT cũng cam kết triển khai nhanh nhất, đúng pháp luật nếu được tỉnh nhà hỗ trợ. “Cam kết tiếp theo là chất lượng đào tạo tốt nhất và cuối cùng là tối ưu nhất, làm sao để tất cả người dân Điện Biên có thể tiếp cận dịch vụ giáo dục tốt nhất của FPT”, anh Khoa nhấn mạnh. “Tôi hy vọng FPT có thể góp phần đưa cánh đồng Mường Thanh trở thành cánh đồng trí tuệ, để giúp Điện Biên tạo nên sức hút để nhiều nhân tài đến với mảnh đất này.

-2381-1714137905.jpg

Chị Trương Thanh Thanh, thành viên Hội đồng sáng lập, Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT

Chia sẻ chuyến về nguồn với Điện Biên, Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT Trương Thanh Thanh cho rằng, trên con đường xây dựng Việt Nam ngày càng hùng cường, FPT đã đặt chân đến Điện Biên và góp một phần nhỏ bé vào công cuộc phát triển của nơi đây. Không chỉ về khía cạnh kinh tế, người FPT còn mong muốn mang đến đây những tấm lòng và món quà từ Quỹ Hy vọng.

Theo chị Thanh, bên cạnh những gì đã làm được ở Mường Nhé trong nhiều năm qua, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, FPT sẽ dành tặng 5 điểm phát sóng Wi-Fi miễn phí cho thành phố Điện Biên Phủ; cung cấp 3 thư viện điện tử ở 3 ngôi trường. Đồng thời, triển khai chương trình “Con đường ánh sáng” hợp tác cùng đại sứ quán Pháp để tạo nên những biển báo chỉ dẫn cho thành phố.

“Chúng tôi nghĩ rằng mỗi người cùng nhau góp một tay, với tấm lòng tri ân và sứ mệnh xây dựng Việt Nam hùng cường, chúng tôi sẽ cùng các anh các chị xây dựng từ những điều nhỏ bé nhất để xây dựng Điện Biên thành một thành phố du lịch”, chị Thanh trải lòng.

-2636-1714138043.jpg

Anh Hoàng Nam Tiến, thành viên Hội đồng sáng lập FPT, Phó Chủ tịch hội đồng trường ĐH FPT.

Phó Chủ tịch hội đồng trường ĐH FPT Hoàng Nam Tiến kể, lần đầu đến Điện Biên cách nay 30 năm, và sau đó cũng đã rất nhiều lần anh trở lại mảnh đất này. Trong vai trò mới, anh Tiến có 2 đề xuất, gồm xây dựng hệ thống UniSchool và trường phổ thông cao đẳng, nghĩa là những em vừa tốt nghiệp THCS có thể có thêm lựa chọn khác thay vì thi vào THPT. “Hiện tại, FPT đã có 26 trường như vậy và hy vọng Điện Biên sẽ có trường thứ 27 và có thể triển khai ngay trong năm nay”, anh Tiến chia sẻ. “Chúng tôi thực sự rất quyết tâm xây dựng trường đại học cho Điện Biên. Nếu chỉ vì lý do tỉnh không có trường đại học mà các em phải về những địa phương xa thì điều đó thật đáng tiếc”.

Đại diện các sở, ban, ngành Điện Biên đánh giá cao những kinh nghiệm thực tiễn, cách tiếp cận hiệu quả của FPT trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển giáo dục, kỳ vọng sẽ cùng FPT nhanh chóng triển khai các đề xuất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương, đặt mục tiêu sớm đưa Điện Biên trở thành tỉnh khá trong khu vực.

-2712-1714137652.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô phát biểu tại buổi làm việc.

Đánh giá cao nguyện vọng của FPT về đầu tư cơ sở giáo dục tại địa phương, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định những đề xuất của FPT đều rất phù hợp với nhu cầu của Điện Biên. “Đây chính là hướng Điện Biên đang tập trung tháo gỡ. Việc xây dựng tổ hợp giáo dục ở tỉnh là điều chúng tôi hằng mong muốn, bởi giáo dục là lĩnh vực còn hạn chế của tỉnh. Việc FPT mở cơ sở giáo dục sẽ giúp ích rất nhiều cho địa phương, nâng cao trình độ và tạo cơ hội việc làm cho người lao động địa phương. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ điều này”, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.

Theo đồng chí Lê Thành Đô, về chuyển đổi số, Điện Biên còn gặp rất nhiều khó khăn về kết nối dữ liệu, khả năng triển khai… Vì vậy, tỉnh rất mong muốn FPT có thể đồng hành cùng tỉnh trong CĐS. Giá như FPT có thể đến đây sớm 2 năm thì tình hình có lẽ đã khác rất nhiều. Hiện nay, tỉnh vẫn còn đang đi sau nhiều địa phương nên tôi hy vọng sớm có chương trình cụ thể, chia thành 2 giai đoạn cụ thể để triển khai ngay, đặc biệt về sổ sức khỏe điện tử để phục vụ lợi ích người dân.

“Đặc biệt, chúng tôi xin cảm ơn quỹ Hy vọng đã hỗ trợ rất nhiều cho tỉnh và mong rằng sẽ có nhiều nội dung an sinh xã hội để triển khai ở tỉnh trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tri ân.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ban ngành phối hợp FPT trao đổi, để xuất phương án cụ thể trong thời gian sớm nhất. “Tinh thần là nói thật, làm thật, kết quả thật”, người đứng đầu UBND tỉnh Điện Biên khẳng định.

-9596-1714137652.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhận quà lưu niệm từ CEO FPT.

Sơn Thạnh

Ảnh: Giang Huy

Ý kiến

()