Chúng ta

Giám đốc Swinburne Việt Nam: 'Thế hệ Z phải có khả năng thích ứng'

Thứ ba, 25/5/2021 | 18:07 GMT+7

Tại buổi tọa đàm giáo dục trực tuyến với chủ đề “Hành trang hội nhập toàn cầu” diễn ra ngày 23/5, TS Hoàng Việt Hà đã có những chia sẻ tâm huyết gửi tới các sinh viên. Chương trình do Swinburne Việt Nam phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP HCM tổ chức.

Với chủ đề về “Hành trang hội nhập toàn cầu - Global Citizen’s Pathway”, buổi tọa đàm online xoay quanh những câu chuyện về cơ hội học tập và việc làm cho người trẻ Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Thế hệ trẻ đã có dịp gặp gỡ hai chuyên gia hàng đầu là TS Hoàng Việt Hà - Giám đốc Swinburne Việt Nam và TS Nguyễn Thanh Tùng - Chuyên gia tư vấn kỹ năng về hành trang cho con đường sắp tới

Buổi tọa đàm đặt ra vấn đề cũng như những cơ hội và thách thức mà thế hệ Z phải đối mặt trong thời đại công nghệ số 4.0. Theo TS Nguyễn Thanh Tùng, ngày nay những người trẻ thuộc thế hệ Z đang có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận tri thức. Thế giới gần như bé lại với nguồn thông tin khổng lồ, tuy nhiên khi lượng thông tin là quá lớn, rất nhiều người trẻ sẽ dễ bị choáng ngợp và lệch hướng.  

186543012-1140567629762078-131-9074-3899

Toạ đàm online “Hành trang hội nhập toàn cầu” do Swinburne Việt Nam phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP HCM tổ chức.

Trở thành công dân toàn cầu là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập. Khẳng định vấn đề này, TS Thanh Tùng chia sẻ: “Hiểu rộng hơn công dân toàn cầu nghĩa là bạn có những cơ hội và năng lực để học tập, sống, làm việc tại bất kì tổ chức mang tính đa quốc gia trên thế giới”.

TS Hoàng Việt Hà phân tích rõ thế hệ Z ngày nay được sinh ra trong thế giới "VUCA" - tổng hòa của Volatility - sự biến động, Uncertainty - bất định, Complexity - phức tạp và Ambiguity - mơ hồ. Điều này đòi hỏi người trẻ phải có khả năng thích ứng, linh hoạt để giải quyết khó khăn và nắm bắt cơ hội trong thế giới mới.

Bàn về thực trạng năng lực của sinh viên hiện nay, hai chuyên gia đã đưa ra những số liệu dẫn chứng trong báo cáo Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019. Theo đó, bức tranh đối lập là khả năng học tập của học sinh Việt Nam xếp hàng đầu trên thế giới nhưng sau khi học đại học, kỹ năng làm việc đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp của sinh viên Việt Nam lại thuộc hàng thấp nhất thế giới. Kỹ năng này chỉ xếp thứ 123, thấp hơn Lào và Campuchia. 

Để đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, TS Thanh Tùng định hướng sinh viên cần trang bị cho mình bộ kỹ năng mềm 5C. Đó là Collaboration - khả năng hợp tác, Communication - kỹ năng giao tiếp, tương tác, Critical Thinking - năng lực tư duy phản biện, Creativity - tư duy sáng tạo và Continous Learning - khả năng tự học suốt đời.

186409232-196514748879789-2282-1670-2539

Sinh viên cần trang bị cho mình những kỹ năng mới để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Ảnh tư liệu

Buổi tọa đàm cũng là cơ hội để nhiều người trẻ tìm hiểu thêm thông tin cập nhật về các ngành học xu hướng hiện nay như: Công nghệ thông tin, Kinh doanh và Truyền thông đa phương tiện.

Đối với ngành Công nghệ thông tin, cả thế giới đang bước vào công cuộc chuyển đổi số đã mang đến những cơ hội việc làm về ngành này trên phạm vi toàn cầu. TS Việt Hà phân tích tại Việt Nam, tổng giá trị ngành công nghệ thông tin chỉ từ 500 - 700 triệu USD, nhưng ở các nước phát triển, con số này lên tới hàng nghìn tỷ USD.

“Tại Swinburne Việt Nam, điều đầu tiên chúng tôi muốn đào tạo chính là những kỹ năng mềm để các bạn có thể làm những công việc toàn cầu. Có nhiều học sinh rất giỏi ở bậc THPT nhưng khi học đại học thì cách học sẽ khác đi, vì việc học để biết và học để ứng dụng là hoàn toàn khác nhau” - TS Việt Hà nhấn mạnh.

Cùng với đó, ngành Truyền thông đa phương tiện cũng đang đòi hỏi những yêu cầu, kỹ năng mới. Không chỉ phát triển qua kênh báo chí, sự kiện, quảng cáo mà còn cả các kênh truyền thông xã hội, truyền thông đã được đặt vào vị trí trung tâm trong mọi lĩnh vực. Điều này cũng diễn ra tương tự với ngành Kinh doanh, bởi cuộc cách mạng công nghệ thứ 4 đã mang đến những thay đổi về mô hình và cách thức làm việc. Những kiến thức mới này có thể hoàn toàn khác xa với những giáo trình đào tạo cách đây từ 5 tới 10 năm. Đó là lý do Swinburne Việt Nam luôn cập nhật những giao trình tiên tiến nhất để đưa vào giảng dạy, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa việc du học tại các nước phát triển và Việt Nam.

“Du học ngày càng tập trung vào việc đem đến những trải nghiệm cho người học. Nếu chưa có điều kiện để đi du học nước ngoài, các bạn có thể chọn các chương trình du học tại chỗ và tham gia các học kỳ trao đổi tại nước ngoài để có thêm những trải nghiệm tại môi trường quốc tế” - TS. Việt Hà chia sẻ.

Hà My

Ảnh: ĐVCC

Ý kiến

()