Chúng ta

Chủ tịch FPT: Việt Nam cần có những cách làm đột phá để kịp cơ hội bán dẫn

Thứ năm, 25/4/2024 | 10:06 GMT+7

"Đột phá mới là quan trọng. Chúng ta phải đột phá về thể chế. Trong 18 tháng phải thể hiện Việt Nam không chỉ có cơ hội mà còn cam kết với cơ hội đó", Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực bán dẫn.

Tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chiều 24/4 ở Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá bối cảnh thế giới và lợi thế trong nước đang mang đến cho Việt Nam cơ hội nâng cao vai trò trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Bốn lợi thế được Bộ trưởng nhắc đến gồm quyết tâm chính trị; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút hơn 50 doanh nghiệp hoạt động; lực lượng lao động chất lượng; và đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước có ngành bán dẫn phát triển.

"Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội nghìn năm có một để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu", ông Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong đó, nhân lực được Thủ tướng đánh giá là "một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam". Theo ông, nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ nhận được sự tin tưởng của đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.

-2077-1714014302.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ cuối 2023, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến 2030, định hướng đến 2045", với mục tiêu đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn.

Để đạt mục tiêu, một trong những yếu tố quan trọng là cơ sở vật chất. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần tối thiểu bốn trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia, với các trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế đặt tại các đại học quốc gia, đại học vùng ở ba miền và tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Ngoài ra, cần khoảng 18 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn cơ bản tại 18 trường đại học kỹ thuật.

Nói về yêu cầu triển khai nhanh để tận dụng cơ hội, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng thế giới sẽ không chờ quốc gia nào vì thế giới không thể thiếu chip. Anh  cũng cho biết từng có chuyên gia nhận định Việt Nam thậm chí chỉ còn 18 tháng để tận dụng cơ hội. Vì vậy, Chủ tịch FPT cho rằng cần có những cách làm đột phá.

“Cách đây một tuần trong buổi gặp với đại sứ Mỹ, đại sứ Nhật Bản, đại sứ Singapore. Có vị đại sứ nói với tôi rằng: Ông không biết cơ hội của đất nước ông lớn thế nào đâu. Nhưng các ông chỉ có 18 tháng thôi. Họ cũng không giải thích cho tôi vì sao”, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình kể.

-6820-1714014302.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo anh Bình, có hai vấn đề: Một là cơ hội gì; hai là thời hạn nào? Cơ hội ở đây là bán dẫn. Ngành bán dẫn chọn quốc gia, dân tộc. Nhưng Việt Nam chỉ có 18 tháng thôi vì thế giới sẽ không chờ chúng ta. Rồi thế giới sẽ phải chọn đường khác nếu chúng ta không đáp ứng kịp. Bằng mọi giá thế giới không thiếu chip được.

Thời kỳ COVID-19, thế giới đã đau khổ đến thế nào? Hãng ô tô hàng đầu của Mỹ sản xuất ra không bán được. Hiệp hội Bán dẫn Mỹ đến các nước thúc đẩy, lập danh sách, xây dựng và bây giờ là bỏ tiền tấn để có thể sản xuất, để không sợ đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ Nhật Bản và các nước khác cũng như vậy.

“Tôi rất ủng hộ cách tiếp cận của Thủ tướng. Chúng ta phải tính thời gian 18 tháng bằng cách tiệm cận và đột phá. Tôi đồng ý cách tiếp cận của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là chúng ta nhìn vấn đề rất lớn, không làm việc nhỏ”, người đứng đầu FPT nhấn mạnh.

Chủ tịch FPT dẫn câu chuyện của ông Jensen Huang - CEO NVIDIA - khi đến Việt Nam từng nói: Việt Nam là quốc gia duy nhất có thể tham gia đầy đủ các công đoạn của chuỗi bán dẫn. “Đột phá mới là quan trọng. Chúng ta phải đột phá về thể chế. Trong 18 tháng phải thể hiện: Việt Nam không phải có cơ hội mà còn cam kết với cơ hội đó”.

Sau khi nghe chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước, Thủ tướng đánh giá Việt Nam đã có những điều kiện, nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao.

Theo Thủ tướng, năm trụ cột để phát triển ngành gồm xây dựng hạ tầng; hoàn thiện thể chế; đào tạo nhân lực; huy động nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái phát triển. Ông cũng gọi việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đại học, các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động, tích cực, linh hoạt xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện để triển khai các giải pháp cụ thể phát triển nhân lực bán dẫn.

H.Đ

Ý kiến

()