Chúng ta

Xem TV nhiều khiến trẻ béo phì

Thứ tư, 10/4/2013 | 15:17 GMT+7

Không phải tất cả các loại màn hình đều có tác động lên nguy cơ béo phì giống nhau nhưng màn hình TV là nguồn ảnh hưởng lớn nhất.
> Trị bệnh bằng… nước

Theo một nghiên cứu mới đây, các bác sĩ khoa nhi đã tìm thấy một số khác biệt đáng ngạc nhiên giữa các thiết bị như TV, máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng trong mối liên hệ đến bệnh béo phì ở trẻ em.

d

Theo nghiên cứu, trẻ thường xuyên ngồi ở phía trước màn hình có thể làm tăng nguy cơ béo phì, nhưng truyền hình dường như có ảnh hưởng lớn hơn về trọng lượng so với máy tính hoặc các trò chơi video. Ảnh: Internet.

Theo đó, TV có liên đới đến cân nặng của trẻ em nhất. Trong nhóm thiếu niên được hỏi, những bé trai dành nhiều thời gian trong ngày để theo dõi những gì đang diễn ra trên TV sẽ có cân nặng tăng hơn 7 kg so với những bé trai ít chú ý đến các chương trình truyền hình. Con số này ở các bé gái là 6,5 kg.

Nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) này đã cho chúng ta một cái nhìn chuyên sâu về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông lên những thiếu niên ở độ tuổi 13-15 và cách chúng sử dụng các thiết bị này.

Trong suốt quá trình nghiên cứu thông qua điện thoại thông minh, các nhà khoa học yêu cầu những em tham gia báo cáo các hoạt động của mình tại những thời điểm ngẫu nhiên. Khi ấy các em đang làm gì: Chơi thể thao, làm bài tập, lướt web hay khi các em thực hiện nhiều hoạt động cùng lúc như vừa nhắn tin, vừa xem TV, chúng sẽ tập trung vào hoạt động nào hơn?

Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận về chiều cao, trọng lượng và chỉ số khối lượng cơ thể (Body Mass Index - BMI) của các em tham gia vào quá trình nghiên cứu. Họ nhận thấy rằng, những thanh thiếu niên xem TV hơn ba giờ một ngày hay dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình TV so với các loại màn hình khác và những thanh thiếu niên dành hầu hết sự quan tâm của mình vào các chương trình truyền hình mà họ đang theo dõi là những người có chỉ số BMI cao nhất. Trong khi đó, sự chú tâm đến các trò chơi video và màn hình máy tính lại không thể hiện sự liên quan đến trọng lượng.

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Theo Michael Rich, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và sức khỏe trẻ em tại Bệnh viện Nhi Boston, nguyên nhân là do trẻ em bị "tấn công" tới tấp bởi những quảng cáo về các loại thức ăn nhẹ giàu calo, và cùng lúc đó, bàn tay của chúng quá rảnh rỗi để đưa thức ăn vào miệng.Điều đó không như khi chơi trò chơi điện tử, nhắn tin hay ngồi trước màn hình máy tính luôn khiến đôi bàn tay bận rộn.

“Nếu bạn chú ý tới màn hình TV, bạn sẽ không để ý đến các dấu hiệu của đói”, ông Rich cho biết. “Không quan trọng khoảng thời gian màn hình sáng đèn, mà chính là loại màn hình nào đang sáng đèn, nội dung trên đó là gì và con cái chúng ta làm gì trong thời gian hấp thụ những nội dung đó”.

d

Khi xem TV, bàn tay của trẻ quá rảnh rỗi để đưa thức ăn vào miệng, không như khi chơi trò chơi điện tử, nhắn tin hay ngồi trước màn hình máy tính luôn khiến đôi bàn tay bận rộn. Ảnh: Internet.

Với rất nhiều loại phương tiện truyền thông nhắm tới trẻ em như hiện nay, ông Rich tin rằng, việc buộc các em tránh xa hoàn toàn các loại màn hình là không có giá trị. Trên thực tế, các hướng dẫn dành cho cha mẹ trong việc kiểm soát thời lượng ngồi trước màn hình TV là hoàn toàn vô ích.

Thay vào đó, một cách tiếp cận thực tế hơn có thể là một lời khuyên giúp cha mẹ định hướng con em mình sử dụng các phương tiện truyền thông thay vì cắt bỏ hoàn toàn. Hãy quan tâm đến nội dung mà trẻ em đang xem và nhận biết rõ về nguy cơ thừa cân ở trẻ em tăng lên khi xem TV quá nhiều.

Vậy điều này đồng nghĩa với việc ép trẻ em sử dụng iPad thay vì xem TV? Ông Rich không xác nhận đây là biện pháp tiếp cận thích hợp. Tuy nhiên, các em sẽ phản ứng tích cực trong việc cai màn hình TV nếu có một chiếc màn hình khác thay thế.

“Màn hình hiện nay là một phần trong môi trường sống của những đứa trẻ. Nó giống như không khí để thở và nước để uống. Vấn đề chính nằm ở sự nhận thức những gì mà trẻ em đang hấp thụ từ chiếc màn hình”, ông Rich nói.

Nghệ Nguyễn  (theo Time)

Ý kiến

()