Cùng nhân viên gỡ rối
Là người “cầm trịch” OKR, Ngô Quốc Đồng - Phó phòng Hệ thống, Ban Công nghệ thông tin FPT (FIM) - nổi tiếng với tính tuân thủ và kỷ luật. Anh còn đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng OKR cho cả đơn vị.
Mọi người vẫn nói vui, nếu cuối tháng mà thấy Đồng đi đi lại lại, vẻ mặt đăm chiêu, sốt sắng tìm hỏi từng người thì chắc chắn là đến hạn báo cáo OKR. Hoặc có ai đó sai sót, cần phải điều chỉnh gấp.
Gặp Đồng khi hạn thiết lập/phê duyệt OKR chỉ còn đếm từng ngày, trông anh bận rộn hơn hẳn mọi khi. Phòng làm việc cũng sáng đèn muộn hơn. Chốc chốc sẽ có cuộc gọi, từng nhân viên trong bộ phận đều được anh trao đổi cẩn thận. Với anh, OKR cá nhân cũng cần gắn với OKR đơn vị. Vì vậy, mỗi CBNV phải hiểu rõ chiến lược mà đơn vị đặt ra. Đồng chính là người kết nối, truyền cảm hứng và định hướng OKR cho mỗi người.
Anh Ngô Quốc Đồng, Phó phòng Hệ thống - Ban Công nghệ thông tin FPT. |
Thúc đẩy tinh thần leng keng và đảm bảo tuân thủ tiến độ như công việc gắn liền với anh mỗi kỳ báo cáo. Anh thừa nhận, mặc dù OKR là thách thức của từng cá nhân nhưng chất lượng OKR có một phần trách nhiệm của cán bộ quản lý. Nếu theo sát, định hướng rõ ràng và truyền sự “máu lửa” thì OKR của mỗi người sẽ thêm nhiều thách thức. “Khi cả tập thể đồng lòng cùng chiến tuyến, cùng mục tiêu thì không ai phải lo lắng hay lùi bước. Ai cũng sẵn sàng với thách thức gấp đôi, gấp ba”, anh nói.
Ngoài ra, Ngô Quốc Đồng còn rất kiên quyết đối với những OKR kiểu “đối phó”. Anh khuyến khích tinh thần leng keng trong mỗi cuộc họp, yêu cầu “làm lại” khi CBNV đặt mục tiêu chưa đạt, chưa thể hiện tính “thách thức”. Anh còn dành nhiều thời gian hướng dẫn nhân viên mới, giúp họ hiểu đúng về OKR tại FPT. Nếu tiến độ đang chậm thì sẽ sắp xếp ngay lịch họp và cùng tháo gỡ.
"Tôi luôn khuyến khích mỗi người bằng việc đặt ra những ước mơ. Trong công việc, điều mà mình muốn làm nhưng chưa làm được thì sẽ là mục tiêu OKR. Không giậm chân tại chỗ, tiến lên bằng những mục tiêu xứng đáng", anh nói.
Gia tăng tần suất CFR
Theo anh, để có kết quả OKR đúng mục tiêu thì không thể bỏ qua công tác CFR (Trao đổi – Phản hồi – Ghi nhận). “Càng gia tăng tần suất CFR bao nhiêu, hiệu quả OKR sẽ tăng lên bấy nhiêu”. Anh lên sẵn lịch trình CFR cho mỗi kỳ, cùng ban lãnh đạo FIM trao đổi với từng cá nhân trong đơn vị. Anh nhắc nhở mọi người báo cáo tiến độ thường xuyên.
Ngô Quốc Đồng cho rằng, để OKR đơn vị thực hiện tốt thì người quản lý phải tiên phong hoàn thành. Chính bản thân anh cũng rất chú trọng OKR, dành nhiều thời gian và công sức. Không chỉ “vật lộn” với mục tiêu bản thân, Đồng còn phải đồng hành CBNV cho mục tiêu đơn vị. Vì vậy, OKR của anh luôn được làm trước. Ngay ngày đầu tiên của kỳ báo cáo, anh đã tranh thủ hoàn thành.
“Chỉ khi bản thân mình hoàn thành thì mới đủ cơ sở và thuyết phục người khác đảm bảo tiến độ”. Anh bày tỏ phấn khởi khi câu chuyện OKR tại FIM đã trở thành “đời thường”. Tính tự giác của mọi người rất tốt.
Bằng việc thường xuyên khen thưởng, tuyên dương các cá nhân OKR tiêu biểu, FIM cũng thúc đẩy tinh thần “đua tranh” leng keng OKR.
Tiêu biểu, quý IV/2021, FIM đóng góp 1 đại diện là anh Cao Xuân Lợi vào Top13 OKR toàn Tập đoàn. Ngô Quốc Đồng đã cùng với anh Lợi trong 1 tuần liền để đặt ra mục tiêu hoàn chỉnh. Ban đầu, OKR của mọi người thường rất "bay bổng". Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một quản lý, anh đã cùng ngồi lại với nhân viên để hiện thực hoá những "mơ mộng" bằng con số cụ thể. Với anh, OKR chỉ đúng khi có thể đong đếm được.
Cũng nhờ tinh thần ấy, Ban Công nghệ thông tin FPT (FIM) là đơn vị có tỷ lệ hoàn thành OKR tiêu biểu. Deadline báo cáo/thiết lập luôn tuân thủ đúng hạn. Mục tiêu OKR còn thể hiện được tính thách thức, quyết tâm của cả tập thể, đóng góp vào lợi ích chung của FPT.
Sơn Trà
Ý kiến
()