Chúng ta

FPT bật mí cách 'xây' văn hóa với 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng

Thứ ba, 6/8/2019 | 17:30 GMT+7

FPT là công ty duy nhất được mời trình bày về văn hóa doanh nghiệp tại Hội nghị triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động cho 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng tại Hà Nội sáng 6/8.

Sự kiện do Ban Tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển văn hóa Doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội và Hiệp hội phát triển văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.

GĐ Truyền thông Tập đoàn - chị Bùi Nguyễn Phương Châu đã điểm lại quá trình hình thành và xây dựng văn hóa doanh nghiệp của FPT trong suốt 30 năm qua. Nét văn hóa đặc trưng của người nhà F bắt nguồn từ sứ mệnh của công ty.

Từ khi mới thành lập, những người sáng lập FPT đã xác định rõ mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.

Sứ mệnh này được phát triển lên thành 6 giá trị cốt lõi: Tôn - Đổi - Đồng, Chí - Gương - Sáng. Ba giá trị đầu dành cho CBNV. Tôn - tôn trọng. Mỗi thành viên của FPT được quyền là chính mình, được phát triển theo đam mê của mình. Đặc biệt là được lắng nghe, được nói các ý kiến của mình với cấp trên. Đổi - chính là đổi mới. Chị Châu lý giải, điều này đồng nghĩa với việc FPT rất coi trọng giá trị của việc học hành, coi trọng giá trị sáng tạo của mỗi cán bộ nhân viên. Đồng - mỗi người FPT coi các đồng nghiệp của mình là đồng đội, sẻ chia lúc khó khăn, đồng tâm đoàn kết trong suốt quá trình làm việc.

"Với FPT, lãnh đạo chính là linh hồn, là người duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy 3 giá trị cốt lõi cuối cùng dành riêng cho những người đứng đầu", Giám đốc Truyền thông FPT nhấn mạnh.

1-6590-1565086948.jpg

Theo chị Bùi Nguyễn Phương Châu, dù có nhiều sự điều chỉnh để phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhưng văn hóa FPT vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của mình suốt 30 năm qua.

Ba giá trị tiếp theo áp dụng cho đội ngũ lãnh đạo. Chí - là chí công. Lãnh đạo không được trù úm, trù dập cấp dưới tạo dựng niềm tin cho nhân viên. Trong mọi hoạt động lãnh đạo đều là người "đi trên tuyến đầu" vì vậy cần “Gương mẫu” và “Sáng suốt”.

Tiếp phần chia sẻ về sứ mệnh của FPT, chị Châu nhấn mạnh về 4 chữ "tổ chức kiểu mới". Vào năm 1988 FPT đã xác định đây là 1 tổ chức không có tham nhũng, không có "đi sếp".

"Cá nhân tôi làm ở FPT 20 năm, thậm chí có rất nhiều nhà của sếp tôi cũng chưa biết. Chính điều này làm chúng tôi có thể tâm huyết để thực hiện bất cứ điều gì, và biết chắc chắn rằng tất cả những điều mà lãnh đạo yêu cầu mình làm xuất phát từ lợi ích của công ty, không phải vì lợi ích của bất cứ cá nhân nào", chị giãi bày, và cho biết các lãnh đạo ở FPT rất "sợ" Tết.

Nguyên nhân, vì vào thời điểm đó lãnh đạo phải có quà, phải đưa đi ăn, phải tổ chức vui chơi cho nhân viên. Mà tất cả những chi phí đó phải từ tiền cá nhân chứ không được lấy tiền của Tập đoàn.

Ngoài ra, khi có bất cứ hoạt động nào của Tập đoàn, lãnh đạo phải là người thực hiện đầu tiên. Khi có lỗi lầm nào, lãnh đạo cũng là người chịu trách nhiệm trước nhất.

Theo Giám đốc truyền thông Tập đoàn, chính điều này khiến cho không khí làm việc tại FPT trở nên dân chủ. "Các sếp luôn là chủ đề trong các hội diễn của chúng tôi. Ở đó nhân viên có thể phản ứng tất cả các chính sách, quyết định của cấp trên. Trong khi đó lãnh đạo phải chấp nhận, phải đối diện với những điều trên để có thể cải thiện, điều chỉnh hoạt động của mình", chị Châu nói.

Để những giá trị cốt lõi thực sự trở thành văn hóa ngấm vào từng nhân viên tạo thành bộ gene nhà F, nhiều hoạt động đã được tổ chức và gìn giữ trong suốt 30 năm qua. Mỗi năm FPT có hàng chục hội thao, hội diễn, giải đấu thể thao với hầu hết các bộ môn thông dụng để CBNV được thỏa mãn đam mê, thử thách bản thân ở những lĩnh vực ngoài công việc. Với hơn 260.000 giờ học mỗi năm, người nhà F được tạo mọi điều kiện để phát triển bản thân, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

FPT chú trọng việc toàn dân sáng tạo bằng các cuộc thi iKhiến, iDo. Mọi cá nhân, tập thể có nhiều sáng kiến ý tưởng hay đều được hỗ trợ và khen thưởng. Hàng năm, nhà F đều vinh danh top 100 nhân viên xuất sắc, FPT Under 35 - 13 cá nhân dưới 35 tuổi có thành tích nổi bật, Tam hậu là những người đóng góp nhiều nhất cho công ty và Tam khoa là những người có khả năng học hỏi tốt nhất tập đoàn.

Ngoài những hoạt động hướng nội, nhà F còn thực hiện nhiều chương trình cho người thân CBNV, hướng tới cộng động. Tinh thần tương thân, tương ái được khơi dậy mạnh mẽ trong mỗi người. Không chỉ giúp đỡ gia đình những đồng nghiệp khó khăn, hàng năm người FPT đóng góp hàng chục tỷ đồng thực hiện các chương trình vì cộng đồng.

Một điều rất quan trọng để duy trì văn hóa xuyên suốt không bị đứt gãy qua các thế hệ đó là sức mạnh của những câu chuyện. FPT có hàng chục ấn phẩm như “Sử ký”, “Đồng đội”, “Bụi đường”, các tác phẩm STCo để lưu truyền thứ văn hóa đặc biệt của mình.

Đến nay, trong thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Các thức truyền bá văn hóa doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi. FPT đã sử dụng những công cụ mới như trang tin điện tử Chungta.vn, Workplace, Workchat tạo thành nơi mọi người tiếp cận thông tin, trao đổi về các vấn đề trong doanh nghiệp. Với những nền tảng này, hơn 36.000 người nhà F trên khắp thế giới có thể dễ dàng kết nối, xóa nhòa mọi khoảng cách mọi danh giới để cùng tiếp nhận một thứ văn hóa chung.

Nguyễn Thắng

Ý kiến

()