Chúng ta

Đề thi vào ĐH FPT bàn luận về Trí tuệ nhân tạo

Thứ hai, 15/7/2019 | 10:48 GMT+7

Kỳ thi sơ tuyển thứ hai trong năm 2019 của ĐH FPT vừa được tổ chức ngày 14/7. Đề thi yêu cầu thí sinh bàn về vai trò của Trí tuệ nhân tạo – lĩnh vực đang được FPT chú trọng phát triển.

Trong kỳ thi này, bài thi đầu tiên kéo dài 120 phút, nhằm đánh giá năng lực phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan đến ngành học đăng ký dự thi. Các nội dung tập trung đánh giá về mặt kỹ năng của thí sinh, bao gồm: kỹ năng tính toán, phân tích thông tin, tư duy logic… 90 câu trắc nghiệm trong bài được xây dựng theo dạng đề GMAT, GRE và LSAT của Mỹ. "Đây chính là kiểu đề thông dụng để các ĐH trên toàn nước Mỹ lấy cơ sở chọn lựa những thí sinh ưu tú nhất trúng tuyển", đại diện ĐH FPT cho biết.

1111-5513-1563161754.jpg

Đề luận kỳ thi tuyển sinh lần 2 năm 2019 của ĐH FPT.

Bài thi thứ hai nhằm đánh giá năng lực nghị luận thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh. Vẫn tiếp nối phong cách ra đề quen thuộc, câu hỏi năm nay yêu cầu thí sinh bàn luận về vai trò của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống.

Đề bài cụ thể: “Trí tuệ nhân tạo đang thâm nhập sâu rộng vào nhiều lĩnh vực, trí thông minh của máy móc ngày càng thay thế cho cho đầu óc con người. Hãy viết bài luận bàn về lợi ích và tác hại của trí tuệ nhân tạo hiện diện quanh bạn trong máy tính, điện thoại và nhiều máy móc thiết bị khác.

Bày tỏ quan điểm của bạn nhằm ủng hộ hoặc phản đối sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Củng cố quan điểm và lập luận của bạn bằng các ví dụ từ sách báo, trải nghiệm cá nhân hoặc quan sát từ từ cuộc sống”.

Thời gian dành cho bài làm thứ hai chỉ kéo dài 60 phút nên thí sinh phải có sự phân chia thời gian cho hợp lý để có thể trình bày trọn vẹn quan điểm của bản thân.

111-9978-1563161754.jpg

Đề thi hóc búa với nhiều thí sinh.

Thí sinh Nguyễn Quang Minh (học sinh THPT Dĩ An, Bình Dương) dự thi để chinh phục học bổng ngành Kinh doanh Quốc tế nhận định đề thi hay nhưng khá “hóc búa”, chỉ làm được khoảng 50%. Đối với đề thi luận, Minh nghĩ: “Trí tuệ nhân tạo sẽ để lại hệ quả rất lớn. Nó được lập trình và có thể kiểm soát con người. Sự phát triển của nó đồng nghĩa với việc thay thế con người trong nhiều công việc, do đó công nhân mất việc làm… Tuy nhiên, điều này cũng mang lại những cơ hội và thách thức nhất định. Từ đó, là động lực để con người trau dồi tay nghề, học hỏi và phát triển nhiều hơn. Mình ủng hộ sự phát triển này”.

Cách ra đề thi khá “độc” trên được ĐH FPT duy trì từ năm đầu tuyển sinh (2007) đến nay. Nhiều năm, đề thi của trường đã tạo “bão dư luận” với việc đề cập tới những vấn đề gần gũi của cuộc sống, như: quan niệm về hạnh phúc, vấn đề trinh tiết của người phụ nữ; giá trị thực sự của tiểu thuyết, khoa học viễn tưởng… Ở kỳ thi tuyển sinh ngày 12/5 vừa qua, ĐH FPT đã đưa ra tình huống thực để thí sinh cùng bàn luận về phương pháp học ngoại ngữ.

>>  ĐH FPT khởi động giải vô địch Vovinam tranh ngôi Cóc Vương

Trần Vũ

Ý kiến

()