Chúng ta

Giám đốc Hệ Phổ thông FPT: Cần đào tạo AI và robotics từ sớm cho học sinh

Thứ năm, 10/8/2023 | 08:33 GMT+7

Cách tốt nhất để phát triển nguồn lực chất lượng cao là đào tạo công nghệ mới từ bậc phổ thông, theo TS. Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc Hệ thống Trường phổ thông FPT.

Theo Giám đốc Hệ thống Trường phổ thông FPT phân tích, trong kỷ nguyên số như hiện tại, việc đào tạo cho học sinh các công nghệ mới từ sớm là cần thiết và cần chú trọng đầu tư. Đây là cách tốt nhất để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Hiện, công nghệ mới được ứng dụng trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Ví dụ, trong y tế, AI có thể phân tích, quản lý và xử lý dữ liệu, từ đó, tiết kiệm thời gian chẩn đoán bệnh, thiết kế phác đồ điều trị. Theo nghiên cứu của PwC, công nghệ này giúp ngành y tế tiết kiệm đến 150 tỷ USD đến năm 2026.

Trong khi đó, robotics và hệ thống máy móc tự động hóa được áp dụng phổ biến trong sản xuất công nông nghiệp để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng và giảm sự phụ thuộc vào lao động. Các robot hợp tác với con người (cobots) thực hiện các tác vụ lặp lại và nặng nhọc, cải thiện hiệu suất lao động và giảm tai nạn.

-4517-1691606617.jpg

Anh Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc Hệ thống Trường Phổ thông FPT. 

Theo đó, nhu cầu nhân lực có năng lực công nghệ mới cũng ngày càng gia tăng. Báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey chỉ ra, đến năm 2030, nhu cầu tuyển dụng nhân lực AI trên toàn thế giới có thể tăng từ 40 đến 160 triệu người. Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner Mỹ cũng dự kiến chỉ riêng trong năm nay, khoảng hai triệu việc làm mới liên quan đến AI và robotics sẽ được tạo ra.

Hiện nay, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực robotics và AI. Vì vậy, TS. Nguyễn Xuân Phong nhận định, Việt Nam cần bước chung nhịp với các nước phát triển trong tiến trình tạo nên nguồn nhân lực cho thời đại công nghệ số. "Việc đào tạo cho học sinh các công nghệ mới, đặc biệt là AI và robotics từ sớm là cần thiết và cần được chú trọng đầu tư", anh nhấn mạnh.

Theo anh, phương pháp này tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đồng thời, giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho Việt Nam để trở thành một trung tâm công nghệ hàng đầu trong khu vực.

-3304-1691606618.jpg

Học sinh Hệ thống Trường Phổ thông FPT trong giờ học robotics. 

Hệ thống Trường Phổ thông FPT đã đầu tư cho học sinh học về các công nghệ mới như robotics, AI, công nghệ in 3D, drone (máy bay không người lái)... trong cả 12 năm học qua chương trình "Trải nghiệm thế giới thông minh". Một trong những thách thức lớn nhất khi tiến hành việc này là đảm bảo đội ngũ giáo viên có đủ kiến thức chuyên môn về robotics và các công nghệ mới để có thể truyền đạt cho học sinh, phát triển tài liệu học, phương pháp giảng dạy phù hợp với lứa tuổi.

"Chúng tôi cũng đầu tư vào các hoạt động câu lạc bộ, dự án để học sinh thực hành kiến thức một cách thoải mái và sáng tạo nhất", Giám đốc Hệ thống Trường Phổ thông FPT chia sẻ.

Trong chương trình "Trải nghiệm thế giới thông minh", học sinh học kiến thức về công nghệ mới thông qua các dự án có chủ đề sáng tạo và bắt kịp xu hướng thời đại với quy trình chuẩn kỹ sư. Song song, các em tiếp cận với các thiết bị thông minh của UBTech và VexIQ, học và thực hành áp dụng các ngôn ngữ lập trình Scratch, Python; sử dụng các công cụ thiết kế đồ họa, in 3D để phối hợp thực hiện các dự án STEM, robotics, công nghệ lập trình.

Chương trình "Trải nghiệm thế giới thông minh" hướng tới mang đến cho học sinh cơ hội am hiểu về các xu hướng công nghệ tiên tiến hiện nay. Từ đó, các em có thể chuẩn bị bộ kỹ năng của thế kỷ XXI, sẵn sàng làm chủ tương lai với tư duy đổi mới, thành thạo kỹ năng và tầm nhìn sáng tạo.

>> THPT FPT tổ chức trại hè phát triển kỹ năng mềm

S.T

Ý kiến

()