Chúng ta

Định nghĩa chuyển đổi số của FPT giúp các công ty gỡ rối

Thứ năm, 2/5/2019 | 17:36 GMT+7

"Khách hàng đang thay đổi rất nhanh, họ dùng điện thoại, Internet và có nhu cầu nhiều hơn với sản phẩm, dịch vụ. Họ có thể chuyển sang nhà cung cấp khác chỉ với một cú chạm nếu không thỏa mãn”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nêu lý do các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi để có lợi thế cạnh tranh với đối thủ, để mở đầu cuộc Hội thảo Chuyển đổi số toàn cầu (Global Digital Transformation).

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện CapitalLand cho biết, hiện tại ông chỉ mua sắm trực tuyến. Công nghệ đã thay đổi cách sống và làm việc của nhiều người trong xã hội. Khi mua sắm trực tuyến, chúng ta không cần phải vận chuyển hàng hóa, thanh toán không cần chờ đợi, không sử dụng tiền mặt và được tích điểm. Đặc biệt hơn người bán hàng biết chúng ta muốn gì để đưa ra những gợi ý thông minh.

Đó là một ví dụ nhỏ cho thấy việc chuyển đổi số đã nâng cao trải nghiệm khách hàng như thế nào cho các doanh nghiệp. Nhưng câu hỏi mà lãnh đạo các công ty đặt ra là tổ chức doanh nghiệp như thế nào để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, nhằm luôn dẫn đầu thị trường trong khi kỳ vọng và yêu cầu của khách hàng ngày càng cao?

Singapore Airline muốn thay đổi tư duy của con người ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong khi đích cuối cùng Hitachi phải tạo ra hệ thống kết nối khách hàng với khách hàng. Thách thức của ATR lại đến từ những vấn đề nội bộ, công ty như: tư duy; văn hóa…

Theo anh Bình, ở FPT có một định nghĩa là Digital Kaizen để chuyển đổi một cách đơn giản, hiệu quả mà không đòi hỏi đầu tư quá nhiều. FPT có thể triển khai chuyển đổi số trong vòng từ 3 đến 6 tháng chứ không cần nhiều thời gian. “Chúng tôi đang triển khai cho chính FPT với gần 36.000 con người và cam kết đạt kết quả trong vòng 12 tháng”, anh cho biết.

CHT-4467-1-4354-1556788846.jpg

Lãnh đạo các công ty hàng đầu thế giới bày tỏ sự hài lòng với các giải pháp và kinh nghiệm chuyển đổi số FPT đưa ra trong Hội thảo Chuyển đổi số toàn cầu.

Trong khi đó, anh Phương Trầm, Tư vấn trưởng về Chuyển đổi số của FPT, khẳng định một công ty chỉ có thể đạt mức đẳng cấp thế giới nếu họ chuyển đổi song song một nền tảng IT đẳng cấp.

"Tất cả các doanh nghiệp đều sẽ là doanh nghiệp số trong tương lai. Công nghệ, quy trình kinh doanh và sự chia sẻ kinh nghiệm trong cộng đồng sẽ song hành cùng nhau. Các doanh nghiệp đều có chung một mối quan tâm: đâu là giải pháp để áp dụng mỗi năm, mỗi tháng, mỗi tuần bởi công nghệ luôn luôn thay đổi", anh Trầm giải thích.

Theo cựu CIO Dupont, công cuộc chuyển đổi số thể hiện bằng bằng 3 từ IT&P: Thông tin (Information); Công nghệ (Technology); Con người (People). Cùng với đó, có ba điều cần phải làm. Đầu tiên là sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Thứ hai là sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Chúng ta cần đào tạo và phát triển nhân sự. Thứ ba là sẵn sàng về phương diện công nghệ. Điều này cần được phát triển song song với yếu tố nhân sự.

Cũng tại hội thảo, Giáo sư Hồ Tú Bảo, thuộc Viện nghiên cứu cao cấp Toán (VIASM), cho rằng chuyển đổi số là sự chuyển đổi sâu sắc trong mô hình doanh nghiệp, là một chiến lược, không phải chỉ là công nghệ. Có 3 bước để chuyển đổi số cho một tổ chức bắt đầu từ việc số hóa dữ liệu từ đó ứng dụng công nghệ để cải tiến một số quy trình vận hành và kết thúc bằng sự chuyển đổi lớn, mạnh mẽ và mang tính toàn diện. Nếu ví doanh nghiệp như quá trình phóng tên lửa thì Big Data được ví như năng lượng nằm ở đuôi tên lửa; Thuật toán được ví như cỗ máy đặt ở đầu tên lửa; Năng lực AI của doanh nghiệp được ví như cái giốc giúp phóng tên lửa.

Bên cạnh những chiến lược và các định nghĩa cụ thể, hội thảo cũng được nghe kinh nghiệm chuyển đổi số của 2 công ty công nghệ hàng đầu thế giới là Grab và Palantir. Ông Nikhil Dwarakanath, Trưởng bộ phận Phân tích dữ liệu Grab, cũng chia sẻ về bài học chuyển đổi số khi xây dựng ứng dụng gọi xe. Grab hiện tăng trưởng rất nhanh với hơn 3 tỷ lượt đi được đặt trên ứng dụng. Từ dịch vụ đặt xe, công ty đã mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác như giao hàng, mua đồ ăn...

Họ cần tạo ra nền tảng Grab tối ưu hơn, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Những gì người dùng thấy trên màn hình điện thoại đơn giản là một chu trình đặt xe và hoàn thành chuyến đi của khách và tài xế, nhưng ẩn sâu là cả một hệ thống phức tạp. Do đó, Grab phải phân tích khối lượng dữ liệu lớn liên quan tới thói quen lái xe của tài xế, nhu cầu của người dùng, tính năng tạo sẵn cung đường, điều hướng thời gian thực...

Hội nghị Global Digital Transformation do FPT tổ chức diễn ra trong ba ngày 25-27/4 với các cuộc thảo luận, phiên kết nối và hội thảo tương tác về các chủ đề như thách thức chuyển đổi số, sự sẵn sàng của tổ chức... Hội nghị thu hút gần 100 chuyên gia, lãnh đạo cấp cao đến từ các tổ chức, doanh nghiệp tỷ đô từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyển đổi số là định hướng của FPT trong những năm gần đây. Với tiềm lực và kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu thế giới là ông Phương Trầm - người đã thực hiện chuyển đổi số thành công cho DuPont, FPT đặt mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ trở thành một trong số ít các tổ chức chuyển đổi số thành công.

Mới đây, tập đoàn đã thành lập Ban Chuyển đổi số FPT (FPT Digital) do anh Trần Huy Bảo Giang - nguyên Giám đốc Công nghệ FPT Software đảm nhận vị trí Giám đốc Chuyển đổi số (CDTO) kiêm Trưởng ban Chuyển đổi số và Cố vấn cấp cao Học viện số. Cùng thời điểm, Học viện số FPT (FPT Digital Academy) cũng được thành lập với mục tiêu kết nối và phát triển tri thức Việt toàn cầu trong công cuộc đưa Việt Nam lên danh sách những nước đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Anh Lê Hùng Cường, nguyên Phó Giám đốc Công nghệ FPT Software, đảm nhận vị trí Giám đốc Học viện.

Nguyễn Thắng

Ý kiến

()