Xuất phát từ thực tế, Ban tổ chức các giải chạy ở Việt Nam nói chung và của VnExpress nói riêng mất nhiều thời gian để làm thủ tục check-in cho hàng nghìn runner mỗi giải. Điều này gây áp lực cho ban tổ chức khi lượng người tham gia quá đông, tạo trải nghiệm không tốt cho runner. Trước thực trạng đó, anh Nguyễn Trung Hiếu và đội nhóm FPT Online đã sáng tạo sản phẩm check-in online qua QR Code.
Hệ thống check-in bằng app với hình thức QR Code được xây dựng thông qua 2 bước: Đưa giải pháp quy trình mới; Số hoá dữ liệu runner ra mã QR code. Trước sự kiện, người chạy cần đăng ký tham gia với trường thông tin cụ thể bao gồm: họ tên, tên trên BIB, CMND/Căn cước/Hộ chiếu; Email; Số điện thoại, thông tin uỷ quyền… Sau đó, hệ thống số hoá thông tin, xuất ra QR code. Mã sẽ được gửi về email người tham gia. Runner chỉ cần đưa mã QR tại quầy thông tin, nhận bộ racekit là hoàn thành thủ tục.
Theo anh Nguyễn Trung Hiếu, với QR code, người dùng không cần làm thủ tục viết tay tại quầy check-in như trước, thay vào đó quá trình đăng ký, kê khai thông tin, cập nhật giấy tờ uỷ quyền hoàn toàn được số hoá nhanh - gọn - dễ dàng. Tháng 5/2020, ứng dụng được đưa vào sử dụng tại giải VnExpress Marathon Quy Nhơn. Sáng kiến tối ưu 70% nhân sự (từ 20 nhân sự cứng chỉ còn 6 người); tiết kiệm 80% tổng thời gian check-in (từ trung bình 3 phút/1 runner xuống còn tối đa 30 giây). Đặc biệt, ứng dụng đánh dấu bước tiên phong trong việc số hoá toàn bộ quy trình check-in giải chạy tại Việt Nam, nâng cao trải nghiệm của runner, tạo sự uy tín trong việc tổ chức giải cho đơn vị.
Dễ hiểu, ngắn gọn và hiệu quả là từ khoá Ban giám khảo dành cho sản phẩm FPT Online. Để phát triển thêm sản phẩm trong tương lai, Ban giám khảo đưa ra nhiều lời khuyên cho đơn vị. Anh Đỗ Văn Khắc - GĐ Sản xuất FPT Software nhận định, sản phẩm có thể phát triển theo hướng cung cấp trọn gói dịch vụ cho runner khi tham gia giải chạy, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp cho Ban tổ chức. Là người trực tiếp điều hướng sản phẩm, anh Hiếu cho biết, thời gian tới, đội tiếp tục liên kết với đối tác để xây dựng các gói dịch vụ: khách sạn, di chuyển… cung cấp cho người tham gia.
Chiều 27/10, chung khảo Sáng kiến số 3 đã diễn ra với phần tranh tài của 9 sản phẩm tới từ các CTTV trong FPT. Trong đó, FPT Software và FPT Telecom tiếp tục có 2 sản phẩm dự thi. Các đơn vị FPT Retail, FPT IS, Synnex FPT, FPT Online, FPT Education lần lượt có 1 sản phẩm tranh tài. Các sáng kiến dự thi chủ yếu thuộc lĩnh vực phần mềm, với 6/9 sản phẩm.
Tham gia Chung khảo tháng, các sáng tạo Vàng, Bạc, Đồng, Khuyến khích lần lượt nhận được phần thưởng với giá trị lần lượt: 5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.
Hiện tại, chương trình đã nhận được 446 hồ sơ Sáng kiến FPT. Các hồ sơ gửi về chương trình sẽ được hội đồng xét duyệt thẩm định về nhiều yếu tố và sẽ có email phản hồi tới tác giả. Để hồ sơ được xét duyệt nhanh, các sáng kiến cần đảm bảo nhiều tiêu chí. Cụ thể, sáng kiến là sản phẩm đã được áp dụng thực tế; Thời gian áp dụng là 12 tháng tính đến thời điểm đăng ký; Có một trong 2 hiệu quả về kinh tế, hoạt động kèm số liệu rõ ràng; Không trung với sáng kiến được công nhận hoặc chuẩn bị áp dụng trong FPT; Chứng minh được tính sáng tạo qua nỗ lực tìm tòi và nghiên cứu.
Hà Trần
Video: Trần Huấn
Ý kiến
()