Từ lúc anh Nguyễn Ngọc Thuận sáng tạo ra công cụ mở nắp hầm (đường hầm sử dụng để lắp cáp viễn thông) giữa năm 2019, anh em kỹ thuật FPT Telecom không còn cảnh 2-3 người kề vai bẩy nắp lên thủ công, cực khổ đến "vẹo xương sống".
Tận dụng chính những cây kích của chi nhánh không còn dùng đến từ khi chuyển từ cáp đồng sang cáp quang, anh Thuận tạo công cụ ròng rọc, với 4 bánh xe và cây tề quay. Với công cụ này, chỉ cần một người kéo kích để mở nắp hầm.
Công cụ mở nắp hầm "phiên bản 1" anh Thuận sáng tạo giữa năm 2019. |
Sáng kiến của chàng trai nhà "Cáo" An Giang được phát triển độc lập và trước khi Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng - INF đưa vào ứng dụng đòn bẩy và tool bằng bánh xe trợ lực (tháng 2/2020). Điểm khác biệt là công cụ của anh Thuận dùng ròng rọc thay vì đòn bẩy, và chỉ cần một người xử lý thay vì 2.
Gần đây nhất, từ lúc xuất hiện những nắp "đời mới" trơn hoàn toàn, không có khoen móc, nhận được bài toán từ lãnh đạo chi nhánh, anh lại suy nghĩ về phương pháp không cần dùng sức người bẩy nắp. Sau những trăn trở suy tính, anh đã phác thảo ra công cụ mới kẹp hai bên hông nắp, vẫn quay ròng rọc để kéo lên.
Ghé qua tìm kiếm nguyên vật liệu ở những nơi bán sắt vụn, những món đồ công trình không còn dùng, người "thợ tay ngang" lại từ mày mò hàn, ghép. Sau 3 ngày, công cụ mới ra đời, được tập thể lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá cao. "Tôi chỉ là người không chuyên nên hơi mất thời gian hơn, chứ nếu thợ hàn chuyên nghiệp thì xong nhanh, chắc trong một ngày", anh Thuận cười.
Công cụ đòn bẩy và tool bằng bánh xe trợ lực của INF |
Và thế là với chi phí rất nhỏ, người cải tiến nhà 'Cáo' An Giang đã giúp tăng năng suất lao động lên hơn gấp 3 lần, tiết kiệm thời gian và đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ kỹ thuật viên. "Sản phẩm lúc đầu còn thô sơ, nhờ anh em trong đội góp sức và được các lãnh đạo cổ vũ, hỗ trợ chi phí và góp ý các điểm chưa hoàn hảo mà sản phẩm đã được cải thiện hơn. Nhờ lãnh đạo và anh em, tôi đã được truyền cảm hứng hơn", anh Thuận bày tỏ.
Video phương pháp mới mở nắp hầm không có khoen móc:
Công cụ mở nắp hầm không phải là sản phẩm sáng tạo đầu tiên của Thuận. Anh vốn là người ưa mày mò, tìm tòi cải tiến và đã làm ra nhiều sản phẩm "ngon, bổ, rẻ" khác áp dụng ở chi nhánh như công cụ siết đai inox, cảo đai… Anh có thể tự chế ra sản phẩm có chất lượng tương đương sản phẩm có giá bán trên thị trường gần 3 triệu đồng. Thuận cũng tiên phong áp dụng các phần mềm hỗ trợ công việc như bản đồ định vị tọa độ, cắm mốc, vẽ đường kéo cáp...
Chỉ đơn thuần hướng đến mục tiêu giúp công việc thuận tiện, đỡ vất vả hơn cho anh em, Thuận chưa nghĩ đến việc tham gia cuộc thi sáng tạo nào. Anh như một nhà cải tiến thầm lặng của nhà Viễn thông, âm thầm tìm tòi, âm thầm cống hiến. Vậy nên đồng nghiệp thường nghĩ đến anh và nhờ anh giúp đỡ khi có các phần việc khó khăn, vướng mắc.
Anh Nguyễn Ngọc Thuận - FPT Telecom (ngoài cùng bên trái, hàng dưới) và đồng nghiệp |
Anh Võ Nguyên Vũ, trưởng phòng Kỹ thuật FPT Telecom An Giang đánh giá: "Anh Thuận là người siêng năng, rất thích nghiên cứu để tăng hiệu quả công việc cũng như giảm sức lực làm ảnh hưởng anh em. Các công cụ dụng cụ anh nghiên cứu rất phù hợp áp dụng vào thực tế, như chấm bản đồ tọa độ để phục vụ chuyển đổi cáp đồng sang cáp quang, các công cụ giảm giá thành như cảo, mở nắp hầm. Thuận luôn tiên phong trong việc đổi mới, giúp giảm nguồn lực và tăng độ chính xác cho phần khảo sát thiết kế dự án".
Chia sẻ về công việc, anh Thuận kể nhiệm vụ chính của mình là khảo sát những vị trí tiềm năng, chuyển về cho đội thiết kế và đầu tư ở nhà, xử lý sự cố. Ngày nào anh cũng di chuyển nhiều ở ngoài đường, 20-30 khi không có dự án và đến trên 90km/ngày khi có dự án. Anh tâm sự, có nhiều khó khăn của nghề không thể tránh khỏi nhưng điểm thú vị chính là khi anh được sáng tạo, giải quyết được những khó khăn ấy.
Hà An
Ý kiến
()