Chúng ta

Năm 2012 OneTV sẽ bứt phá toàn diện

Thứ năm, 8/3/2012 | 16:13 GMT+7

Để giành được thị phần trong cuộc chơi truyền hình trả tiền đang rất náo nhiệt, OneTV không chỉ tăng kênh mà còn đẩy mạnh phát triển về chiều sâu.
> OneTV bổ sung 3 kênh truyền hình / Xem phim HBO theo yêu cầu trên OneTV

Trong bối cảnh truyền hình cáp đã phủ gần như 100% ở các thành phố lớn nhưng vẫn còn dè đặt ở khu vực nông thôn, thì truyền hình Internet (IPTV) đang là con bài chiến lược để các công ty viễn thông giành "miếng bánh" truyền hình trả tiền.

Cả ba đại gia viễn thông đều đang dốc sức cho cuộc chạy đua trong lĩnh vực này: FPT có OneTV, VNPT có MyTV và Viettel là NetTV.

“Đây là thời của truyền hình Internet”, anh Trang Lan Anh Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển truyền hình FPT Telecom, nhận xét. Bởi theo anh, đến nay, IPTV đã chứng minh được ưu điểm so với các công nghệ truyền thống, nhất là khả năng tương tác trong thời kỳ bùng nổ nội dung số.

FPT Telecom sẽ mở rộng nội dung dịch vụ OneTV để thu hút người dùng. Ảnh: Thanh Nga.

FPT Telecom sẽ mở rộng nội dung dịch vụ OneTV để thu hút người dùng. Ảnh: Thanh Nga.

“Điểm nổi bật trong việc cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu là thu hút người dùng hơn so với các loại hình truyền hình truyền thống. Chẳng hạn, các game­show trên truyền hình Internet có thể cho phép khán giả tương tác trực tiếp vào chương trình thông qua màn hình TV và bộ giải mã trong thời gian thực”, anh Phương cho biết.

FPT hiện là đơn vị có nhiều kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực truyền hình Internet. Năm 2006, FPT Telecom đã tiên phong triển khai dịch vụ IPTV, khi mà công nghệ này vẫn còn rất mới trên thế giới.

Về cơ bản, do cùng sử dụng công nghệ IPTV nên các tính năng của các nhà cung cấp dịch vụ này là tương tự nhau. Theo anh Phương, VNPT và Viettel mua giải pháp trọn gói từ nhà cung cấp nước ngoài nên dịch vụ của họ có nhiều tính năng ngay từ lúc ra mắt. Tuy nhiên, không phải tính năng nào cũng được người dùng đón nhận.

“Trong khi đó, OneTV tập trung phát triển theo chiều sâu, cộng với việc chủ động công nghệ từ việc tự phát triển dịch vụ, giúp chúng tôi không ngừng cải tiến chất lượng cũng như đưa ra các dịch vụ nắm bắt đúng nhu cầu của người dùng. Chẳng hạn như gói kênh K+, dịch vụ YouTube, nghe nhạc số online trên TV… Hiện tại, chỉ có OneTV và VSTV cung cấp gói kênh K+ cho khán giả và người dùng cũng đang lựa chọn kênh này rất nhiều”, anh Phương phân tích.

OneTV sẽ tăng lên 100 kênh truyền hình trong năm 2012. Ảnh: Lâm Thao.

OneTV sẽ tăng lên 100 kênh truyền hình trong năm 2012. Ảnh: Lâm Thao.

Hiện, với mức sống và trình độ dân trí ngày càng nâng cao thì việc trả tiền cho dịch vụ truyền hình để có các nội dung đặc sắc, độc đáo đang dần trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt Nam.

Trước tình hình đó, FPT Telecom đã có các kế hoạch đầu tư mở rộng hệ thống, bổ sung kênh truyền hình, tăng cường chất lượng video của mục phim truyện, tối ưu dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả. Đến nay, OneTV đã có 78 kênh truyền hình với nhiều nội dung phong phú.

Dịch vụ cũng có gần 50.000 khách hàng ở 36 tỉnh thành. Chủ yếu thuê bao của OneTV tập trung ở các khu vực có mật độ dân cư đô thị đông như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ… Dự kiến, trong thời gian tới, OneTV sẽ mở thêm các tính năng, dịch vụ tương tác với người dùng như iLearning, iShopping.

“OneTV đặt mục tiêu phát triển gấp đôi số lượng thuê bao hiện có trong năm 2012. Để làm được điều này, ngoài việc tăng cường sức mạnh hệ thống và bán hàng, OneTV sẽ mở rộng nội dung. Trong năm nay, sẽ tăng thêm khoảng 20-30 kênh, đưa tổng số kênh truyền hình trên hệ thống OneTV vượt con số 100 và rất nhiều các nội dung theo yêu cầu hấp dẫn khác”, anh Phương tiết lộ.

Để đạt được kết quả trên, FPT Telecom chọn lựa cách tiếp cận khách hàng bằng việc nhấn mạnh các dịch vụ mà truyền hình truyền thống không có: Truyền hình theo yêu cầu. OneTV sẽ tạo nhiều gói dịch vụ đa dạng để người dùng chủ động lựa chọn theo nhu cầu và bổ sung các dịch vụ chưa có của truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh…

Theo đó, người dùng có thể có nhiều hơn một dịch vụ truyền hình trả tiền tại nhà, như dùng truyền hình cáp để xem các kênh truyền hình thông thường và OneTV để xem trực tiếp giải bóng đá Ngoại hạng Anh, phim truyện theo yêu cầu, truyền hình xem lại, đọc báo, nghe nhạc trực tuyến…

“OneTV đặt chiến lược phát triển là chung sống hòa bình với các dịch vụ truyền hình truyền thống. IPTV không nên cạnh tranh trực tiếp với các đơn vị truyền hình cáp bởi hầu hết đều là các đài truyền hình, có các nội dung độc quyền. IPTV được phát triển và vận hành bởi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, không có nội dung truyền hình riêng nên rất khó đối đầu trực tiếp”, anh Phương nhận xét.

Hiện tại, mặc dù khẳng định truyền hình Internet có nhiều đất để khai phá, nhưng Viettel đang lấn sang mảng truyền hình cáp. Dịch vụ truyền hình Internet NetTV của Viettel được thử nghiệm từ cuối năm 2011 vẫn chưa tạo được hiệu ứng rộng. Việc chuyển sang tấn công vào mảng truyền hình cáp có thể nói là bước đi táo bạo của họ và còn quá sớm để nói đến kết quả của bước đi này.

 “Với khả năng cung cấp truyền dẫn bằng dây dẫn thì đây hoàn toàn là việc có thể làm được và công nghệ để triển khai cũng không phải là mới hay quá khó để triển khai đối với các "ISP", anh Phương bình luận.

 Dịch vụ xem truyền hình trên Internet của FPT Telecom được đổi tên thành OneTV từ ngày 15/9/2011, với sự nâng cấp toàn diện về cả hệ thống lẫn nội dung. OneTV có 78 kênh truyền hình trong và ngoài nước, trong đó cung cấp miễn phí 30 kênh, hiện có các dịch vụ: Truyền hình xem lại (trong 48 giờ), Phim theo yêu cầu (Video On Demand), Chương trình thiếu nhi, tiếng Anh cho bé, Ca nhạc, Đọc báo, Địa chỉ cần biết, dự báo thời tiết …

OneTV đã cung cấp các gói OneTV Free, OneTV Basic, OneTV Premium, OneTV Plus với các kênh K+1 và K+Nhịp sống, cho phép khách hàng thỏa mãn nhu cầu xem bóng đá cùng các nhu cầu giải trí khác.

Sự bùng bổ của Internet băng thông rộng và dịch vụ truyền hình được chia sẻ cho tư nhân đã khiến cho thị trường truyền hình đang thay đổi một cách tích cực. FPT, Viettel và VNPT - từ hai lĩnh vực CNTT và Viễn thông, đã nhảy vào mảnh đất truyền hình màu mỡ của VTV, HTV hay SCTV, mở ra sự phát triển mạnh mẽ của nội dung số. 

Lâm Thao

Ý kiến

()