Chúng ta

ĐH FPT giành giải Bạc tại ACM/ICPC Hà Nội

Thứ hai, 3/12/2012 | 11:57 GMT+7

Đội tuyển Spear of Triam của ĐH FPT đã giành được giải Bạc tại Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC 2012 điểm thi Hà Nội tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.
> TGĐ FPT khen thưởng ba đội thi ACM/ICPC quốc gia

Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC điểm thi Hà Nội năm 2012 có sự tham dự của gần 390 sinh viên và 150 huấn luyện viên của các đội tuyển từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Đài Loan, Hồng Kông.

Kỳ thi năm nay tiếp tục tuân thủ tiêu chuẩn của cuộc thi ACM/ICPC quốc tế. Các thí sinh phải giải toán trên máy tính bằng tiếng Anh. Mỗi đội được phát 1 đề thi có 8 - 10 bài, cùng làm việc trên 1 máy tính trong 5 giờ. Các bài thi phải sử dụng ngôn ngữ lập trình C/C++, Java. Kết quả được chấm hoàn toàn tự động bằng công cụ chấm thi và công bố ngay tại khu vực thi.

Trường  Đại học FPT đã ra quân với đội hình gồm 3 đội tuyển: Mog, Spear of Triam và Unknown. Đây chính là 3 đội tuyển của trường đã giành ba vị trí cao nhất trong cuộc thi Lập trình sinh viên ACM/ICPC quốc gia 2012, trong đó đội tuyển Mog của ĐH FPT đã đoạt ngôi Vô địch quốc gia.

Đội Spear of Triam đã giành được giải Bạc và đội Mog của ĐH FPT đoạt giải Đồng.

Các thành viên đội tuyển Spear of Triam (từ trái qua phải): Phạm Lê Quang, Hồ Vĩnh Thịnh và Lăng Trung Hiếu nhận thưởng tại Lễ bế mạc ACM/ICPC tại Thái Lan.

Các thành viên đội tuyển Spear of Triam (từ trái qua phải): Phạm Lê Quang, Hồ Vĩnh Thịnh và Lăng Trung Hiếu nhận thưởng tại Lễ bế mạc ACM/ICPC tại Thái Lan.

Vô địch ACM/ICPC Hà Nội 2012 là đội GMT của Đại học Hồng Kông. Ba đội đạt Giải Nhất là Celestial của Đại học Bắc Kinh, CTU Optimists của Đại học Cần Thơ và HKUST_Optimus Prime của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông.

Theo ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, những người có chứng nhận đạt giải ACM/ICPC đều có khả năng lập trình (coder), tư duy thuật toán rất tốt. Chứng nhận đạt giải ACM/ICPC là chứng chỉ coder tốt nhất mà các sinh viên tại Việt Nam có được. Chứng chỉ này được Hiệp hội Máy tính Mỹ (ACM) chứng nhận. Tên của những người đạt chứng chỉ được lưu trong cơ sở dữ liệu (database) của ACM/ICPC toàn cầu.

Những đội đạt giải cao nhất sẽ được Hội đồng quốc tế xem xét lựa chọn vào danh sách 37 đội tuyển châu Á xuất sắc nhất của các điểm thi vòng loại được tham dự vòng chung kết ACM/ICPC tại St. Petersburg - Nga vào tháng 6/2013.

“Chúng tôi đang liên hệ với các công ty start-up ở Mỹ và một số công ty khác như Facebook, Google, sau đó sẽ lấy danh sách các đội tuyển đạt giải ACM/ICPC gửi cho các doanh nghiệp đó để họ có thể phỏng vấn qua mạng và tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang thực tập tại Mỹ. Mức lương không dưới 1.000 - 2.000 USD/tháng. Thời gian qua, nhiều thí sinh từng đạt giải ACM/ICPC đã làm việc trong các doanh nghiệp ở Mỹ. Người được lương cao nhất là 18.000 USD/tháng”, ông Long cho biết thêm.

Vòng chung kết sẽ là trận đọ sức giữa 100 đội tuyển đến từ 100 trường đại học khác nhau đại diện cho các châu lục tham gia (Châu Á thường được chọn 30 đội vào Chung kết).

Tại mỗi vòng Chung kết chỉ trao giải đội Vô địch, 3 giải nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và xếp hạng top 100 trường đội tuyển theo thứ tự điểm đạt được.

Năm 2010 tại Cáp Nhĩ Tân - Trung Quốc, vô địch là đội Đại học Giao thông Thượng Hải. Năm 2011 do sự cố Ai Cập, Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tổ chức từ 27-31/5/2011 tại Orlando Hoa Kỳ, vô địch là đội đến từ Đại học Zheijang - đội vô địch tại vòng loại Châu Á - ACM/ICPC Hà Nội năm 2010.

Thu Thủy

Ý kiến

()