Chúng ta

TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa: ‘Hết năm 2020 triển khai OKR sẽ vào guồng’

Thứ ba, 24/9/2019 | 11:32 GMT+7

“Để phương pháp quản trị chiến lược OKR ngấm vào hơn 3 vạn người ngay lập tức là không dễ”, anh Nguyễn Văn Khoa thừa nhận.

TGĐ FPT, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược và Đổi mới trao đổi với Chúng ta về kết quả OKR (Objectives and Key Results, tạm dịch: Mục tiêu và kết quả then chốt) trong 2 quý vừa qua và những thay đổi dự kiến nhằm đưa phương pháp quản trị chiến lược này ảnh hưởng sâu rộng toàn Tập đoàn.  

- FPT đã triển khai OKR được 2 quý. Anh đánh giá như thế nào?

- Mọi thứ mới bắt đầu. Sau 2 quý, 90% người FPT đều đã có mục tiêu của mình, dù có thể tốt hoặc chưa tốt. Đa phần người FPT đã hiểu khái niệm về OKR. Có một lớp cán bộ quản lý cấp trung đã nắm rõ về OKR cá nhân và bộ phận.

Tinh thần OKR đã được lan tỏa. Tuy nhiên, một số đơn vị triển khai OKR bằng cách hô khẩu hiệu truyền cảm hứng hơn là quản trị thực tế.

Mong muốn của tôi là OKR phải gắn chặt với Lợi - Suất - Đổi (Lợi nhuận - Năng suất - Chuyển đổi số). OKR của hơn 3 vạn người FPT, của hơn 1.000 bộ phận phải hội tụ vào Lợi - Suất - Đổi.

CHT-3361-8752-1569297704.jpg

Người điều hành FPT nhìn nhận "đến hết năm 2020 triển khai OKR sẽ vào guồng". Ảnh: Nguyễn Thắng.

- Điểm gì khiến anh chưa hài lòng sau 2 quý đưa OKR vào thực tế?

- Đầu tiên là lãnh đạo chưa thực sự quan tâm. Bệnh hình thức vẫn còn nhiều. Đào tạo chưa tốt dẫn đến kết quả, chất lượng chưa như mong muốn. Một số đơn vị triển khai OKR bằng cách hô khẩu hiệu truyền cảm hứng hơn là quản trị thực tế.

Nhiều đơn vị làm OKR theo form mẫu. Một vài người nghĩ ra, rồi người khác mang về điền thành của mình. Vẫn có những chỗ làm cho có, làm chống chế. Nhiều trường hợp khai hộ, điền hộ.

OKR chưa thâm nhập được vào tầng lớp nhân dân, dẫn đến OKR đang là phong trào chứ chưa đúng bản chất: mọi người đặt ra mục tiêu và nỗ lực cho mình.

Điều đáng buồn nhất là ai cũng muốn nỗ lực nhưng không biết chuyển điều đó sang ngôn ngữ OKR như thế nào. Lỗi này do chúng tôi chưa tổ chức đào tạo được sâu, rộng.

 “Ở FPT, chúng ta có quyền lợi được hỏi và được giải đáp, đừng quên đi điều đó”

- Ngay từ đầu, FPT đã bắt tay triển khai OKR và không qua đào tạo. Tại sao Tập đoàn lại chọn cách này?

- Người FPT thông minh, sáng tạo, do đó, chúng tôi chọn hình thức đào tạo qua truyền thông. Cách học qua truyền thông có lợi là bề rộng và lan tỏa tốt, nhưng hạn chế là chiều sâu không tốt, dẫn đến chất lượng mấy quý vừa qua chưa ổn.

Tập đoàn đang cân nhắc việc bổ sung đào tạo và đẩy mạnh truyền thông hơn nữa trong thời gian tới.

- FPT đã ban hành chế tài dành cho cán bộ quản lý khi không tuân thủ việc review (đánh giá) OKR. Nhưng khi họ còn chưa hiểu rõ về OKR thì việc thực thi chế tài này như thế nào?

- Nếu cán bộ quản lý không biết bản OKR của mình đúng hay không, ta phải quay trở về bản chất cốt lõi của FPT: “Không biết phải hỏi”. FPT không giống các doanh nghiệp khác ở chỗ bất cứ vấn đề gì không biết đều có thể hỏi lãnh đạo. Điểm hay hơn nữa là lãnh đạo có trách nhiệm trả lời đầy đủ cho nhân viên của mình. Chúng ta có quyền lợi được hỏi và được giải đáp, đừng quên đi điều đó.

Tập đoàn có nhiều kênh để hỗ trợ mọi người, tuy nhiên, các kênh đó chưa được sử dụng hiệu quả. Khi bạn chưa biết OKR của mình đúng hay chưa hãy hỏi lãnh đạo. Nếu câu trả lời chưa thỏa đáng hãy hỏi cấp cao hơn. Thậm chí có thể hỏi thẳng Hội đồng Chiến lược và Đổi mới FPT.

Một cách khác là hãy trao đổi với đồng nghiệp, hỏi mọi người trên FPT Workplace. Đừng làm cho xong nhiệm vụ, hãy trăn trở với OKR của mình.

Tôi tin, chiến dịch này sẽ thành công nếu mọi người ở dưới cùng trao đổi và chia sẻ.

- Hội đồng Chiến lược và Đổi mới có vai trò lớn trong việc thúc đẩy triển khai OKR toàn FPT. Vậy Hội đồng làm việc như thế nào để đưa OKR xuống toàn dân?

- Hội đồng Chiến lược và Đổi mới FPT gồm có các thành viên là tôi - TGĐ FPT, anh Nguyễn Hoàng Minh, TGĐ FPT IS, anh Hoàng Trung Kiên, PTGĐ FPT Telecom, anh Trần Đăng Hòa, Giám đốc Điều hành FPT Software, chị Bùi Nguyễn Phương Châu, Giám đốc Truyền thông, chị Nguyễn Thị Kim Phương, Giám đốc Chất lượng và anh Chu Quang Huy, Giám đốc Nhân sự FPT.

Dưới Hội đồng còn có tổ công tác của 7 công ty thành viên. Bộ máy này gồm TGĐ hoặc PTGĐ phục trách chung, một quản lý về OKR và một quản lý về truyền thông.

Chúng tôi cùng phối hợp chỉ đạo việc triển khai OKR trong từng thời điểm; xây dựng quy trình chuẩn; đẩy mạnh truyền thông; và thực hiện đánh giá chất lượng các bản OKR bộ phận. Việc này nhằm xác định những vấn đề hệ thống để đưa ra phương án xử lý cho từng công ty.

Hội đồng thường xuyên trao đổi công việc với nhau và họp khi cần chốt cuối cùng.

CHT-3344-7998-1569297704.jpg

"Chỉ cần mỗi người FPT nỗ lực hơn những gì mình có, việc triển khai OKR sẽ sớm thành công", CEO Nguyễn Văn Khoa khẳng định. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Tôi cho rằng, Hội đồng cần làm việc với nhau nhiều hơn. Bởi, ngoài việc triển khai OKR này, câu chuyện làm chiến lược của FPT không chỉ giới hạn ở anh Trương Gia Bình mà cần lan ra nữa. Anh Bình sẽ phải tìm ra những người có tố chất làm chiến lược để giúp anh ấy nghiên cứu, xây dựng và thực thi.

Hội đồng Chiến lược và Đổi mới nên được mở rộng ra, có thêm các nhân tố mới. Đó là những người có sự liên kết giữa các thế hệ: sáng lập viên, những trụ cột của các công ty thành viên, thế hệ chúng tôi và các tuyến trẻ trong FPT.

“Chỉ cần mỗi người FPT nỗ lực hơn những gì mình có, việc triển khai OKR sẽ sớm thành công”

- Chúng ta đều nhìn thấy điểm chưa được trong triển khai OKR. Sắp tới, FPT phải làm gì để khắc phục những tồn tại này?

- Điều tiên quyết là lãnh đạo phải làm gương. Chủ tịch, Tổng giám đốc công ty thành viên phải là người nắm rất rõ về OKR của đơn vị mình. Họ phải có ý thức đưa OKR vào quản trị và phải là chịu trách nhiệm cam kết với Tập đoàn về việc sử dụng OKR để quản trị đơn vị.

Hội đồng Chiến lược và Đổi mới phải tăng cường hoạt động. Các anh chị phải thực sự là sứ giả OKR cho công ty mình. TGĐ Nguyễn Hoàng Minh là sứ giả của FPT IS. Giám đốc Điều hành Trần Đăng Hòa là sứ giả của FPT Software. PTGĐ Hoàng Trung Kiên là sứ giả của FPT Telecom... Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Bởi, Hội đồng Chiến lược và Đổi mới cùng Tổ công tác của các công ty thành viên mới chỉ giải quyết vấn đề nội bộ. Tôi mong muốn họ phải là những sứ giả lan tỏa tinh thần OKR rộng rãi, là nơi có thể trả lời tất cả câu hỏi của mọi người.

Tiếp theo, việc truyền thông ở tất cả các cấp phải đẩy mạnh hơn và cân nhắc đào tạo về OKR.

Trong đó, việc truyền thông về mục tiêu OKR của công ty thành viên phải qua hai kênh: Các kênh truyền thông do bộ phận truyền thông phụ trách - chiếm 50%;  50% còn lại là trách nhiệm của lãnh đạo (thông qua phát biểu, email, trao đổi, họp...).

Đối với các phòng/ban: 90% mục tiêu OKR phải được truyền thông bởi các trưởng đơn vị (là các Ong chúa - PV), phần còn lại mới để các kênh truyền thông hỗ trợ.

- Với những thay đổi như vậy, theo anh, khi nào slogan “Hiểu đúng - Làm đúng - Cùng thành công” có kết quả?

- Tôi đánh giá chúng ta mất 6-12 tháng để hiểu đúng, 3-6 tháng để làm đúng. Dự kiến, đến hết năm 2020, mọi thứ sẽ vào guồng.

Hiện nay, trong chuỗi quy trình 4 bước (lên kế hoạch, triển khai, giám sát và xử lý), FPT mới làm tốt hai khâu đầu. Do đó, phần giám sát và xử lý phải làm mạnh hơn. Trong mọi chuyện, để quyết định thành bại, quan trọng nhất vẫn là lãnh đạo phải làm gương.

- Vậy OKR của các lãnh đạo thì ai sẽ review, thưa anh?

- Tôi và anh Bình.

- OKR của TGĐ FPT, ai sẽ review?

- Anh Trương Gia Bình.

- Vậy còn OKR của anh Bình?

- Cả Tập đoàn sẽ giám sát anh ấy. OKR có điểm hay là mọi người có thể xem được OKR của nhau, để cùng chung định hướng cũng như giám sát việc cùng nhau thực hiện mục tiêu chung.

- OKR của cá nhân anh trong năm 2019 là Tăng trưởng lợi nhuận. Vậy kết quả quý 2 của anh như thế nào?

- Riêng lợi nhuận, Tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng cực kỳ ‘Leng Keng’ là 40%, kết thúc 6 tháng đạt mức tăng trưởng 26.8%. Tôi nghĩ mình đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

- Anh Bình kỳ vọng OKR sẽ mang đến điều kỳ diệu cho Tập đoàn. Còn anh mong muốn điều gì?

- Tôi mong mỗi người FPT sẽ xem OKR như cơm ăn nước uống hằng ngày. Nó chính là thước đo nỗ lực của mỗi người trong công việc. Chưa cần đặt mục tiêu gì lớn lao, chỉ cần bạn nỗ lực hơn những gì bạn đã có.

Lâm Thao thực hiện

Ý kiến

()