Chúng ta

'Hacker chân chính' chinh phục đỉnh cao OKR

Thứ năm, 12/12/2024 | 11:08 GMT+7

Trong thế giới bảo mật đầy thách thức, nơi từng lỗ hổng công nghệ có thể làm chao đảo cả một tổ chức, anh Đỗ Mạnh Dũng - cán bộ công nghệ bảo mật đến từ FPT IS - đã trở thành người đầu tiên của FPT hoàn thành bộ chứng chỉ OSCE3. Đây được coi là một trong những chứng chỉ an ninh mạng quốc tế khó nhất hiện nay.

Chinh phục đỉnh cao với đam mê hacker "chân chính"

Trong quý III, anh Dũng đã ghi danh vào bảng vàng cá nhân OKR xuất sắc khi chinh phục thành công loạt chứng chỉ bảo mật danh giá như PEN-300, OSEP và hoàn tất bộ OSCE3. Đây là những cột mốc đáng tự hào, bởi các chứng chỉ này không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên sâu mà còn yêu cầu kỹ năng thực chiến qua những bài thi kéo dài tới 48 giờ liên tục. Thêm vào đó, anh còn phát hiện và được công nhận lỗ hổng bảo mật Totolink với mã CVE-2024-8869 - một dấu ấn lớn khẳng định năng lực nghiên cứu và áp dụng thực tế.

Để đạt được thành công này, anh đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu tài liệu, tự thiết lập môi trường thử nghiệm và không ngừng thực hành các kỹ thuật tấn công từ cơ bản đến phức tạp. "Động lực của mình chính là ước mơ từ bé: trở thành một 'siêu hacker'. Hiện tại, giấc mơ đó cụ thể hơn - mình muốn ‘hack’ được một chiếc xe Bugatti Chiron", Dũng chia sẻ với một nụ cười pha chút tinh nghịch.

-2790-1733975524.jpg

Những nỗ lực của anh Dũng đã được ghi nhận bằng giải thưởng cá nhân OKR xuất sắc quý III.

Hành trình chinh phục OKR của Dũng không hề bằng phẳng, mà được "đánh bóng" bởi hàng loạt thách thức cam go. Một trong những thử thách lớn nhất là nội dung thi “Network Hacking” - lĩnh vực không phải sở trường. "Để thi OSEP, mình đã phải dành rất nhiều thời gian tự học, nghiên cứu sâu về các phương pháp tấn công mới, vừa đọc tài liệu vừa thực hành", anh nhớ lại. Độ khó không chỉ dừng lại ở kiến thức, mà còn ở chính cường độ bài thi: mỗi lần thi kéo dài 48 giờ liên tục, đòi hỏi sự tập trung cao độ và thể lực bền bỉ.

Nhắc lại thất bại trong lần thi đầu tiên, anh Dũng chia sẻ, đó là một bài học lớn. "Lần đó, mình đã suýt vượt qua - chỉ cần giải thêm một bài nữa thôi là đủ điểm. Nhưng vì mệt mỏi và sai lầm ở phút cuối, mình đã không kịp hoàn thành", anh nói.

Cảm giác hụt hẫng, thất vọng khiến “hacker” nhà FPT đặt quyết tâm gấp đôi cho lần thi lại. Anh dành thêm thời gian phân tích nguyên nhân thất bại, luyện tập nhiều hơn, và chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Ở lần thi thứ hai, anh hoàn thành bài thi trong một nửa thời gian quy định, nhẹ nhàng vượt qua những thử thách từng là trở ngại trước đó.

Vượt khó trong 48 giờ thi căng thẳng

Một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất chính là thời khắc anh thi lại bài OSEP sau lần thất bại đầu tiên. Để chuẩn bị, anh gần như đóng cửa "luyện công" suốt một tháng, tự thiết lập các môi trường giả lập và thực hiện lại toàn bộ các bài tập trong tài liệu. Khi bước vào bài thi 48 giờ, Đỗ Mạnh Dũng đã chuẩn bị mọi thứ chu đáo nhất, từ đồ ăn, nước uống, đến lịch trình nghỉ ngơi, thậm chí cả... khẩu phần cà phê.

"Kỷ niệm vui là trong lúc làm bài, mình cảm thấy mọi thứ quá thuận lợi, đến mức bắt đầu nghi ngờ: 'Liệu có… sai sót nào ở đây không?' Nhưng cuối cùng, mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch và mình hoàn thành bài thi một cách gọn gàng", Dũng kể lại với nụ cười nhẹ nhõm.

-4602-1733975524.jpg

Lần thi thứ 2 với sự chuẩn bị kỹ càng đến… từng khẩu phần cà phê đã giúp anh Dũng chinh phục được kỳ thi khó nhằn.

Nói thêm về kỳ thi căng thẳng này, điều khiến Đỗ Mạnh Dũng nhớ mãi không chỉ là kết quả vượt qua bài thi, mà còn là bài học từ lần thất bại đầu tiên. "Thất bại dạy mình rằng sự chuẩn bị và thái độ bình tĩnh là chìa khóa để chinh phục những thử thách lớn nhất", anh bộc bạch.

Khi được hỏi về cách thức quản trị các mục tiêu OKR hiệu quả, anh Dũng chia sẻ, OKR không chỉ là công cụ quản lý mục tiêu mà còn là phương pháp giúp anh hoàn thiện bản thân và mở rộng phạm vi công việc: "Điều khó nhất khi thực hiện OKR là đặt ra mục tiêu đủ 'leng keng' - tức là vừa thách thức vừa khả thi. Đồng thời, các KRs (kết quả then chốt) cần cụ thể và đo lường được".

Thành công của OKR quý III thực chất là kết quả của một chuỗi mục tiêu dài hạn mà anh đã xây dựng từ cuối năm trước. Mỗi mục tiêu đều được chia nhỏ thành các bước cụ thể, từ việc hoàn thành chứng chỉ OSWE, OSED vào đầu năm, đến chinh phục OSEP vào quý III. "Chìa khóa là giữ được sự tập trung và cam kết với mục tiêu của mình," anh Dũng nhấn mạnh.

Không chỉ mang lại giá trị cho cá nhân, thành tích của Đỗ Mạnh Dũng còn góp phần nâng cao năng lực bảo mật của đội ngũ chuyên gia FPT và truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp. Anh tin rằng việc không ngừng học hỏi và chinh phục những giới hạn mới chính là cách tốt nhất để khẳng định giá trị bản thân trong môi trường công nghệ đầy cạnh tranh như hiện nay.

Trí Đức

Ý kiến

()