Chúng ta

Chủ tịch FPT Retail: ‘Các sếp đã giảm lương để không cắt thu nhập của nhân viên’

Thứ sáu, 10/12/2021 | 09:09 GMT+7

“Tháng đầu tiên giãn cách, Covid-19 đã tác động tức thời đến doanh thu khiến tình hình công ty vô cùng khó khăn. Thấu hiểu những trăn trở đó, các cán bộ quản lý đã san sẻ khó khăn với công ty bằng cách giảm 20-30% lương để không phải cắt giảm thu nhập của toàn bộ nhân viên”, chị Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ tại Business Forum 2021.

Copy-of-Forbes-2021-Chi-Diep-2-7662-7897

Theo chị Điệp, công ty đã chuyển dịch mạnh mẽ sang mảng online, huy động nhân viên ở cửa hàng bị đóng cửa do dịch sang hỗ trợ cửa hàng còn mở. Đây là cách để FPT duy trì công việc và thu nhập cho toàn thể nhân viên của mình.

Chiều 9/12, nhiều lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hàng đầu đã cùng ngồi lại và chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh thường niên lần thứ 9 - Business Forum 2021 - sự kiện do Forbes Việt Nam tổ chức.

Tại phiên thảo luận “Linh hoạt trong biến động” của sự kiện, Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp đã chia sẻ cách mà FPT Retail đã xoay chuyển kinh doanh trong tình thế khó khăn của làn sóng dịch bệnh Covid lần 4 vô cùng nặng nề. 

Chia sẻ về câu chuyện doanh nghiệp đã vững vàng đi qua làn sóng Covid-19 thứ 4 khốc liệt tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp cho biết câu chuyện mà nhiều người hay nói gần đây, là trong nguy có cơ, rất đúng với Bán lẻ nhà F.

FPT Retail là doanh nghiệp bán lẻ, kinh doanh 2 chuỗi cửa hàng FPT Shop và Long Châu. Ngay khi dịch ập tới, mảng bán lẻ sản phẩm CNTT vốn chiếm doanh thu lớn, ngay lập tức bị ảnh hưởng nặng nề bởi hơn 50% số lượng cửa hàng phải đóng cửa. Tuy nhiên, mảng dược phẩm lại trở thành ngành hàng thiết yếu, đã hoạt động xuyên suốt.

Dù vậy, chị Điệp nói để đi qua đại dịch, doanh nghiệp không chỉ có dựa vào may mắn mà phải cật lực xoay trở, tìm cách tồn tại. "Những tháng đầu tiên với chúng tôi thực sự rất nghiêm trọng, vì các cửa hàng phải đóng cửa, doanh số ngay lập tức rớt xuống bằng 0. Nhưng sau những ngày hoảng loạn, tôi nhận thấy cơ may từ đẩy mạnh bán online. Phong tỏa nhưng mọi người vẫn làm việc, học tập, và chúng tôi bằng mọi cách tiếp cận gần nhất, đưa máy móc, thiết bị đến người dùng", chị Điệp nói.

Cách tiếp cận bán hàng online của FPT Retail được chị Điệp chia sẻ, là không chỉ có nguồn hàng, mở trang web rao bán, mà phải tiếp cận nhiều hướng, nhiều kênh, từ các hội nhóm đến khu dân cư, tổ dân phố. Toàn bộ nhân viên được huy động vào bán hàng online từ tiếp cận khách hàng, bán hàng, giao hàng… không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

"Bài" của chị Điệp và các lãnh đạo lúc này là nhân sự. Để không có nhân sự nào phải mất việc làm khi các điểm bán đóng cửa, cấp quản lý được vận động giảm 20-30% lương để giữ cho các bộ phận bên dưới đảm bảo thu nhập ổn định. Tiếp đến, một bộ phận nhân sự tại FPT Shop được huy động tham gia hỗ trợ, giao hàng tại nhóm dược phẩm Long Châu. Đối với nhóm lao động ít việc hơn thì bố trí xoay tua làm việc, để ai cũng được đi làm và có thu nhập.

Nhờ sự linh động của chính người lao động mà doanh nghiệp nhanh chóng vực dậy hoạt động kinh doanh, không thiệt hại. Những ngày tháng cuối năm 2021, người FPT Retail liên tiếp đón nhận tin vui. Ngày 24/11, FPT Retail thông báo đã vượt mốc doanh thu 2.200 tỷ đồng cho riêng tháng 11 và sự kiện này đồng nghĩa với việc nhà Bán lẻ chính thức chinh phục thành công doanh thu năm 2021 sớm hơn 1 tháng so kế hoạch. Theo đó, 100% CBNV ký hợp đồng lao động chính thức trước thời điểm 1/11/2021 sẽ được thưởng thêm nửa tháng thu nhập.

Đầu tháng 12, chuỗi dược phẩm FPT Long Châu ghi nhận 400 cửa hàng, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.336 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

“Con đường phía trước phải đi thật bình tĩnh và có “bài”. Xu hướng tiêu dùng thay đổi sang online, vì thế người nào nắm được cơ hội kinh doanh trực tuyến, ứng dụng công nghệ để tiếp cận khách hàng, đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục là chiến thắng”, chị Điệp chia sẻ thêm.

Copy-of-Forbes-2021-Chi-Diep-1-7274-3231

Các diễn giả phiên “Linh hoạt trong biến động” nhận kỷ niệm chương từ Forbes Việt Nam. Các lãnh đạo doanh nghiệp gồm chị Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch FPT Retail; ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings; ông Trần Xuân Ngọc - CEO Nam Long Group và ông Đặng Tất Thắng - CEO Bamboo Airways, cùng tham dự phiên thảo luận về sự “Linh hoạt trong biến động”. Phiên thảo luận với sự điều phối của bà Đặng Phạm Minh Loan, CEO IDP.

Trả lời câu hỏi về chiến lược kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, "nữ tướng" FPT Retail cho hay đại dịch Covid-19 đi qua, đặc biệt sau làn sóng thứ 4 ảnh hưởng nặng nề, tất cả người dân ít nhiều đều đã đối mặt, đã phải chịu tác động. Cũng vì vậy mà mọi người ai cũng đã tích lũy cho mình kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, để sống chung an toàn.

"Chúng ta đã bình tĩnh hơn, từng người, từng doanh nghiệp chắc chắn có 'bài' rồi. Với tôi, ‘bài’ lúc nào cũng là bảo vệ người lao động trước tiên. Bán lẻ dược phẩm thì việc bảo vệ nhân viên của mình tôi càng đặt lên hàng đầu trong giai đoạn bình thường mới này. Bởi, mọi người ai ho, sổ mũi thì điều đầu tiên là đến nhà thuốc, người lao động chúng tôi tiếp xúc F0 là không tránh khỏi", chị Điệp nói.

Chủ tịch FPT Retail cũng cho rằng Covid-19 đã làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Đến thời điểm này, hầu hết người tiêu dùng thành thị đã chuyển sang mua sắm online. Với doanh nghiệp bán lẻ, ai nắm được công nghệ, ứng dụng bán lẻ thông minh, đảm bảo nguồn hàng và chuỗi cung ứng thì người đó sẽ thắng.

Diễn đàn Kinh doanh thường niên lần thứ 9 (Business Forum 2021) với chủ đề “Con đường phía trước” do Forbes Việt Nam tổ chức quy tụ hơn 10 diễn giả và 200 khách là các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế.

Với chủ đề “Con đường phía trước”, Diễn đàn Kinh doanh 2021 được Forbes Việt Nam tổ chức trong bối cảnh các làn sóng dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đã kéo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam về mức âm (-6,17%) trong quý 3.2021, là mức GDP tăng trưởng thấp nhất trong 20 năm qua.

Thanh Dung

Ý kiến

()