Bàn về chủ đề "Women in Tech: Vượt qua những rào cản", tọa đàm Leader Talks vào chiều 3/8 có sự tham gia của chị Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software; chị Prevuznakova (Cuhova) Lenka, Quản lý công nghệ tại FPT Slovakia cùng bà Victoria Ossadnik, Giám đốc điều hành của E. ON và bà Phạm Thị Thu Diệp, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Công nghệ IBM Việt Nam.
Chương trình diễn ra với ba phần chính gồm: Hành trình đến với công nghệ; Truyền cảm hứng cho nữ giới và Tầm nhìn. Các khách mời cùng tìm nguyên nhân dẫn đến thực trạng nguồn nhân lực nữ trong lĩnh vực công nghệ còn hạn chế; cơ hội để phái đẹp theo đuổi và phát triển trong lĩnh vực này; hay những lợi thế mà phụ nữ cần nắm bắt và chuẩn bị để có thể theo đuổi, phát triển sự nghiệp.
Mở đầu buổi chia sẻ, host Hảo Trần dẫn một số liệu nghiên cứu gần đây, cho thấy từ năm 2019 đến năm 2022, tỷ lệ nữ trong nhân lực công nghệ thông tin toàn cầu tăng tới 6%. Những vị trí chuyên môn, kỹ thuật tăng đến 11,7% và con số này ở những vị trí lãnh đạo tăng tới 20%.
Khi đề cập về cơ duyên đến với ngành công nghệ với các nữ lãnh đạo, chị Prevuznakova Lenka - Quản lý công nghệ tại FPT Slovakia, cho biết chọn công nghệ vì sự tự do. "Dù chúng ta là ai, miễn có niềm đam mê, có sự cống hiến thì có thể theo đuổi công nghệ".
Bà Victoria Ossadnik, chị Chu Thị Thanh Hà và chị Lenka Prevuznakova (từ trái qua). Ảnh: Vnexpress. |
Còn hành trình của chị Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software đã bắt đầu từ khi là sinh viên, cách đây gần 30 năm. "Lần đầu tôi đến Singapore là một bước ngoặt, lần đầu tiên tôi thấy Internet như một thứ gì đó kì diệu. Tôi mong ước Việt Nam cũng có mạng như vậy". Đó cũng là động lực để vị lãnh đạo nữ tiếp tục hành trình của mình tại FPT. FPT Telecom là 1 trong 4 nhà cung cấp mạng Internet đầu tiên ở Việt Nam. FPT đã có thêm FPT Telecom, FPT Online và hàng nghìn shop trên toàn Việt Nam...
Với vấn đề tỷ lệ nữ giới làm công nghệ tăng nhưng vẫn khiêm tốn, chị Chu Thanh Hà chia sẻ, khoa Công nghệ Trường Đại học FPT thống kê, khóa đầu tiên của trường chỉ có 5% nữ giới. Năm ngoái, con số này đã tăng lên 14%, tức đã tăng nhưng vẫn còn khiêm tốn.
FPT Software có 31% nhân sự nữ. Công ty đang có nhiều giải pháp nhằm cân bằng, khích lệ các bạn làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó đưa ra một kim tự tháp 6 cạnh, với hai yếu tố là học và môi trường hạnh phúc. Công ty triển khai nhiều hoạt động chung, dự án ở nhiều địa bàn khác nhau, thậm chí chia thành các đội trong công ty và đội tại doanh nghiệp đối tác, khách hàng, với mục tiêu cần nhân sự gắn kết, hoạt động đội nhóm tốt.
Chị Chu Thanh Hà cho biết FPT Software có nhiều giải pháp nhằm cân bằng, khích lệ các bạn làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ảnh: VnExpress. |
Năm 2022, công ty có dự án giúp nhân sự học tập và đặt mục tiêu mỗi người đều có chứng chỉ quốc tế. Kết quả, năm trước, công ty có hàng chục nghìn chứng chỉ mới. Hiện, đơn vị cũng xây dựng môi trường hạnh phúc để nhân sự được làm điều mình thích với nhiều hoạt động công nghệ, đa dạng hóa hoạt động xã hội. Chị nhận định, việc xây dựng các nền móng này cần phụ nữ - những người bền bỉ, góp phần tạo nên tính bền vững.
Đề cập đến vấn đề thiên vị giới cản trở phụ nữ tiếp cận công nghệ, chị Lenka cho rằng gần như không cảm thấy có sự thiên vị nào. Đơn cử, thời đi học, chị thấy có nhiều bạn nữ giỏi hình học, giỏi toán không hề kém nam giới. Chị cũng không có cảm nhận là phụ nữ thì không làm được công nghệ. "Hiện nay nam nữ bình đẳng, việc thiên vị giới hay không chỉ là tư tưởng. Chúng ta hãy tìm ra thế mạnh của mình, hãy tự tin thì sẽ đóng góp được nhiều giá trị lớn", chị Lenka nhấn mạnh.
Theo chị Lenka, phụ nữ thường phải làm nhiều việc cùng lúc, vừa làm mẹ, vừa làm vợ lại vừa phải hoàn thành tốt công việc. Covid-19 xảy ra cũng chính là thời điểm cho thấy rõ sức mạnh tiềm tàng này ở người phụ nữ. "Vì vậy tôi muốn nói rằng: "Phụ nữ rất thông minh, khi đã tự tin có thể làm nhiều việc", chị Lenka cho hay.
Chị Prevuznakova (Cuhova) Lenka, Quản lý công nghệ tại FPT Slovakia. Ảnh: VnExpress. |
Đồng quan điểm, chị Chu Thanh Hà chia sẻ, để khuyến khích chị em phụ nữ vượt qua những giới hạn và khám phá được thế mạnh của bản thân, FPT Software đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích phụ nữ tham gia vào lĩnh vực công nghệ và gắn bó với công ty. Đơn cử, mỗi năm doanh nghiệp sẽ tổ chức một ngày dành cho các con đến tham quan và đi làm cùng bố mẹ. Như vậy, người phụ nữ có thể cân bằng giữa gia đình và công việc.
FPT Software cũng là một trong số công ty ở châu Á có "Ngày phụ huynh FPT Software" để cha mẹ thấy văn phòng của các con cũng như công nghệ phát triển ra sao. "Tôi từng thấy có một gia đình 3 thế hệ gồm bà, mẹ và người con cùng nhau chụp ảnh. Người bà nói: 'Hãy nhìn xem mẹ con làm thế nào. Con hãy học thật giỏi để tương lai đến làm công ty mẹ nhé'. Thú thực tôi rất hài lòng khi nghe được điều đó", chị Hà tâm sự.
Các bạn trẻ chăm chú theo dõi câu chuyện từ bốn nữ lãnh đạo. Ảnh: VnExpress. |
Trước câu hỏi về hành trình 30 năm gắn bó với FPT, chị Thanh Hà kể lại, khi mới gia nhập tập đoàn, đơn vị chỉ mới có 150 nhân sự. Hiện, con số này là 66.000 người. Nữ lãnh đạo từng dự hội nghị ở Singapore, Malaysia và thấy toàn bộ khán phòng chỉ có vài chị em.
May mắn, các nhà sáng lập FPT đều học ở các trường đại học châu Âu nên tư tưởng khá cởi mở. Ban lãnh đạo tập đoàn luôn nhất quán quan điểm cần môi trường bình đẳng, đa dạng và bao trùm. Nhiều dự án của đơn vị cũng cần đảm bảo tỷ lệ phụ nữ thì mới được vận hành. FPT Software cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho phụ nữ. Đơn vị có cơ chế luân chuyển nhân sự, để hàng năm, mọi người có thể thử thách nhiều hơn và tìm kiếm cơ hội, điều phù hợp nhất với mình, bất kể giới tính.
Công ty cũng có diễn đàn để mentor (cố vấn) hỗ trợ nhận sự về nhiều khía cạnh, từ chuyên môn đến tìm cách cân đối cuộc sống - công việc, chia sẻ nhiều hơn để nhân sự thoải mái, sắp xếp thời gian linh hoạt...
Một bạn trẻ tham gia chương trình cho biết bản thân thích công nghệ từ khi đi học. Tuy nhiên, cô nghi ngờ bản thân có học được không và quyết định chọn kinh doanh sau khi tốt nghiệp THPT. Sau khi tốt nghiệp đại học 1,5 năm, cô cảm thấy mình không phù hợp với kinh doanh và chuyển sang làm việc cho công ty công nghệ. Cô cần lời khuyên của các diễn giả cho một cô gái đang chập chững những bước đầu tiên. Với câu hỏi này, chị Chu Thanh Hà đề cử chị Nguyễn Thị Lan Hương (Trưởng ban Quy trình Sản xuất Phần mềm, FPT Software) chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Chị Hà kể lần đầu gặp chị Hương tại nhà máy Sony, khi đang trao đổi với ba kỹ sư người Mỹ. Từ đó, chị biết Hương đóng vai trò rất thành công cho các dự án tại đây.
Chị Hương đưa lời khuyên cho bạn trẻ mới làm lĩnh vực công nghệ trong một năm. Ảnh: VnExpress. |
Chị Hương chia sẻ, chị sinh ra ở một vùng quê. Thời điểm chị tốt nghiệp ngành công nghệ là năm 1999, nhiều người vẫn định kiến phụ nữ chỉ làm công việc thiếu nghiêm túc hơn nam giới để dành thời gian cho gia đình. Sau khi tốt nghiệp, chị Hương làm tester (kiểm thử) cho công ty công nghệ, không phải developer. Do đó, chị nghĩ mỗi nhân sự mới khi đi làm không cần biết đó là vị trí nào, chỉ cần được làm điều mình thích. "Đừng nghe lời bên ngoài. Chỉ cần bạn thích, thì hãy nỗ lực", chị nhấn mạnh.
Trước khi khép lại buổi Leader Talk, một khán giả đặt câu hỏi: "Thế giới hiện thay đổi rất nhanh. Phụ nữ cần có những phẩm chất nào để thành công hơn trong lĩnh vực công nghệ, để hoà nhập tốt hơn trong quá trình toàn cầu hóa?”.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch FPT Software cho biết: "Tôi luôn tự hỏi mình có thể làm gì tốt hơn không, làm thế nào để khách hàng của chúng ta cảm thấy hài lòng hơn. Tôi thấy mình cần thay đổi hàng giờ, không phải hàng ngày". Bên cạnh đó, nữ lãnh đạo luôn nêu câu hỏi, phải làm gì để thúc đẩy năng lực nhân sự của mình, bởi mỗi người có một năng lực riêng và cần thúc đẩy họ. "Tôi cho rằng phụ nữ Việt Nam chăm chỉ, chân thành, kiên trì, kiên nhẫn, không ngừng cố gắng hàng ngày. Không ngừng phấn đấu tiến về phía trước, bạn sẽ thành công trong tương lai", chị Thanh Hà nhấn mạnh.
Có thể nói, qua các phiên trao đổi, câu chuyện từ các nữ lãnh đạo đã truyền cảm hứng để phụ nữ mạnh dạn dấn thân vào ngành công nghệ, đồng thời chứng minh rào cản không tồn tại dù bạn là ai, xuất phát điểm ra sao.
S.T
Ý kiến
()