Mục tiêu phải là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng
OKR không phải là một danh sách liệt kê những thứ công ty muốn hay một bảng tổng kết các hoạt động của nhóm. Đó là những gạch đầu dòng cho những mục tiêu cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp tới sự tăng trưởng của công ty, bộ phận/cá nhân.
Ví như OKR của CEO FPT Nguyễn Văn Khoa năm 2020. Đứng trước những thách thức, khó khăn từ đại dịch Covid, là người điều hành tập đoàn, anh Khoa nhận thấy cần phải tập trung vào những công việc nào có thể tác động mạnh tới lợi nhuận tăng trưởng. Trong rất nhiều thứ quan trọng, anh đặt ưu tiên cao tăng trưởng cùng 3 mục tiêu: (1) Bán hàng 3 chung; (2) Thúc đẩy thành lập công ty FPT Smart Cloud; (3) Triển khai thành công 2 chương trình trong 5 + 1.
Với mục tiêu Bán hàng 3 chung, CEO FPT xác định, Tập đoàn đã dịch chuyển sang khối khách hàng doanh nghiệp nên cần có sự liên kết, hợp lực của các CTTV để thúc đẩy thế mạnh tư vấn tổng thể. Từ đó, FPT đủ năng lực, nhân lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo nên những giá trị hợp đồng lớn. Tuy nhiên, các CTTV đều có nhóm bán hàng và cách tiếp cận khác nhau nên dễ gây tình trạng chồng chéo. Xác định là OKR thách thức, anh Khoa quyết huy động lực lượng, ý chí lãnh đạo để liên kết 3 CTTV: FPT Software, FPT IS và FPT Telecom. “Trận đánh này tôi trực tiếp điều phối và chỉ huy”, anh Khoa chia sẻ. Sau 1 năm, OKR cơ bản thành công với 9 hợp đồng bán hàng chung; 6 hợp đồng ký bán chéo 3 công ty và 70% chính sách bán hàng 3 chung được xây dựng".
CEO FPT cho rằng, yếu tố thúc đẩy tăng trưởng là định hướng quan trọng trong việc thiết lập OKR. Ảnh: Trần Huấn. |
“Triển khai FPT Smart Cloud" tiếp tục được anh Khoa đưa vào OKR của cá nhân bởi theo anh, đây là yếu tố thúc sẽ giúp thúc đẩy lợi nhuận, năng suất của tập đoàn. Trong bối cảnh Covid, việc thành lập công ty là điều cấp thiết, quan trọng vừa bắt kịp xu hướng công nghệ vừa thúc đẩy quá trình chuyển đổi số giúp các tổ chức, doanh nghiệp tối ưu vận hành, đột phá hiệu suất. Mặc dù vướng phải nhiều cản trở như xáo trộn nhân sự, chính sách, mô hình, CEO FPT vẫn kiên quyết đi theo mục tiêu đề ra.
Hơn nữa, bám vào tinh thần Chuyển 10 của Chủ tịch Trương Gia Bình “Đặt lợi ích của tập đoàn cao hơn CTTV, CTTV cao hơn nhân viên”, anh Khoa dùng nhiều biện pháp để thuyết phục, làm việc với từng đơn vị. Với những nỗ lực đó của người điều hành tập đoàn, tới 13/8/2020, FPT Smart Cloud đã được thành lập, với tham vọng dẫn đầu thị trường trong 5 năm tới bằng việc tập trung xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc, phát triển hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, mở rộng kết nối toàn cầu.
Đối với việc lựa chọn mục tiêu Triển khai thành công 2 chương trình trong mục tiêu 5+1 (OKR và Tuân thủ kỷ luật) để đưa vào OKR, TGĐ FPT cho biết, để phát triển bền vững, FPT cần đẩy mạnh nội lực công ty. Sau 1 năm, quy trình OKR lãnh đạo CTTV được triển khai tốt nhưng còn hạn chế ở cấp dưới; hoạt động Tuân thủ kỷ luật triển khai nhanh qua ứng dụng myFPT cùng với các thẻ thưởng, thẻ phạt. "Với 1 năm đầy thách thức cùng Covid, nếu như không theo dõi OKR thường xuyên, những điều này có lẽ sẽ không diễn ra”, anh Khoa nhấn mạnh. Và đó chính là lý do mà mục tiêu này được anh lựa chọn để đưa vào OKR.
Mục tiêu phải lớn và sướng
Nếu người điều hành nhà F Nguyễn Văn Khoa chọn yếu tố thúc đẩy tăng trưởng làm OKR thì CEO FPT Software Phạm Minh Tuấn đề cao tiêu chí ‘Sướng’.
Tại FPT Software, mọi người hay nói với nhau về những giấc mơ “Đưa 10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE - kỹ sư thông thạo tiếng Nhật) sang đất nước mặt trời mọc” hay “Trở thành công ty tỷ đô trong ngành dịch vụ phần mềm”. Có người cho rằng những từ khóa này “chém gió”, “Làm được rồi hãy nói”. Nhưng ít ai biết rằng, phong cách hay bí quyết tạo nên thành công lớn của người điều hành Phạm Minh Tuấn - TGĐ FPT Software là: “Nói được lớn - Làm được lớn”. Anh tin rằng, sự tồn tại của mỗi người trong công ty đều có 1 đam mê phản ánh sứ mệnh tổ chức đang gánh vác. Vì vậy, khi FPT Software triển khai OKR, CBNV đã bắt đầu biết mạnh mẽ ‘mơ’ và chia sẻ những giấc mơ Leng Keng với những người xung quanh. Thay vì nói “Tăng trưởng người dùng 15%”, họ sẽ nói “Trở thành platform tiêu biểu của Việt Nam”.
"OKR là để sướng còn KPI đánh giá mức hoàn thành", TGĐ FPT Software nhận định. Ảnh: CTV. |
Thực tế đã chứng minh thành công của những người dám mơ lớn như Cao Văn Việt - GĐ sản phẩm Codelearn. Năm 2019, anh đặt mục tiêu 100.000 người dùng sản phẩm học trực tuyến Codelearn. Bạn bè, đồng nghiệp đều nói anh ‘khùng’, ‘điên dồ’ nhưng 2 năm sau, ai cũng phải thán phục vì sản phẩm của Việt đã có 168.000 users, trở thành phần mềm trực tuyến ảnh hưởng tới cộng đồng lập trình Việt Nam.
Mặc dù mất tới 2 năm để chạm mộc nhưng anh Tuấn đánh giá cao tinh thần, sự miệt mài theo đuổi mục tiêu của Việt: “Chúng tôi tin đó là sứ mệnh của Việt”. Hay Đặng Trần Phương - GĐ FPT America (FAM) là giám đốc trẻ thành công nhất khối chi nhánh nước ngoài khi thực hiện OKR. Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 hoành hành Mỹ, FAM vẫn vững tâm bám trận tìm cơ trong nguy, đem lại kết quả hết sức tự hào. FAM đạt doanh thu 123,9 triệu USD, tăng trưởng 12,6% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, giấc mơ lớn cũng cần đảm bảo yếu tố đo đếm được và ngắn gọn để dễ dàng chia sẻ, trao đổi với đồng nghiệp, cấp trên. Khi càng chia sẻ nhiều thì càng ám ảnh, càng nghĩ nhiều cách làm. Định kỳ hàng tháng, hàng quý là tối thiếu còn bản chất cuộc trao đổi diễn ra rất tự nhiên.
Mục tiêu đảm bảo tính ‘Cấp thiết - Thách thức’
Câu chuyện nhà Bán lẻ là góc nhìn khác cho những ai chưa tìm được cách xác định mục tiêu. Năm 2019 và 2020, FRT gặp phải vấn đề: Mục tiêu hầu hết gắn với doanh thu, lợi nhuận nên dễ dàng lẫn với KPI; Cấp trên có tính leadership (lãnh đạo) mạnh mẽ nên dễ rơi vào tình huống đã quyết định mọi thứ, bên dưới chỉ triển khai; CBQL cấp 3 yếu về phương pháp luận OKR nên đứt gãy. Giải quyết vấn đề từ những painpoints (nỗi đau/điểm yếu) hiện có, năm 2021 là năm đầu tiên lãnh đạo cấp cao trực tiếp review OKR của CBQL - những nút quan trọng trong chiến lược công ty.
FRT xác định làm OKR 2021 thực chất, quyết không chạy theo deadline, đưa KPI hay OKR hoà làm một. Để dễ dàng phân tách mục tiêu quan trọng với tác vụ (tasklist), GĐ Điều hành FPT Retail Nguyễn Đỗ Quyên đưa ra phương thức chấm điểm “Tính cấp thiết” và “Tính thách thức”. Với bảng vẽ trục tung - tính thách thức và trục hoành - tính cấp thiết, cán bộ phân loại các mục tiêu cần làm, việc đảm bảo đủ 2 yếu tố chính là mục tiêu quan trọng. Từ đó chọn 1-3 mục tiêu để trở thành OKR cá nhân/bộ phận.
Chị Quyên ví dụ, có 5 việc quan trọng mà 1 đơn vị ở FRT cần triển khai đã được đưa lên là: (1) Dành thời gian cho việc giao lưu với hãng máy điện thoại, máy tính; (2) Thực hiện đào tạo nghiệp và kỹ năng cho quản lý dự án; (3) Triển khai mô hình 3 nhóm; (4) Chỉ huy chủ ý chiến lược Trung tâm laptop đảm bảo tiến độ chuẩn mới và tăng trưởng 50% doanh thu; (5) Trực tiếp điều phối, kết nối ngành hàng Apple, MKT, PR, ECM.
Sau khi phân tích, đơn vị này nhận thấy việc số 1 chắc chắn quan trọng vì FPT Retail chủ yếu bán điện thoại, máy tính nên việc duy trì mối quan hệ là cần nhưng chưa cấp thiết. Tuy nhiên, việc số 4 liên quan mật thiết tới ngành hàng chủ lực nên có điểm cấp thiết cao. Bên cạnh đó, việc đạt 50% doanh thu là một thách thức Leng Keng, nên việc này sẽ được ưu tiên trở thành 1 trong 3 OKR quan trọng nhất cần làm.
COO FPT Retail nhiệt tình chia sẻ về tính cấp thiết và thách thức khi xác định OKR. Ảnh: FRT |
Với phương pháp chấm điểm này, toàn bộ CBNV, đặc biệt CBQL cấp trung của FRT có thể lọc những việc cần ưu tiên để tập trung theo dõi, thực hiện. Để truyền đạt những phương pháp này tới nhân viên đòi hỏi sự nghiêm túc trong quá trình triển khai OKR.
>> FPT Đức đặt OKR thu 99 triệu USD năm 2023
Hà Trần
Ý kiến
()