MỤC TIÊU ĐƯA FPT SOFTWARE TRỞ THÀNH CÔNG TY WORLD-CLASS
VỚI DOANH SỐ TỶ USD
“Trong bóng đá, đội tuyển quốc gia nào cũng ước ao được đi đấu World Cup. Trong lĩnh vực phần mềm cũng vậy, thay vì chỉ đem trí tuệ Việt Nam lên bản đồ thế giới, chúng tôi muốn đem trí tuệ Việt Nam đi thi đấu những trận đỉnh cao của thế giới”, anh Phạm Minh Tuấn chia sẻ.
Đảm nhận vị trí CEO FPT Software từ tháng 3/2018, anh Tuấn đặt mục tiêu đưa doanh nghiệp này trở thành công ty World-Class (đẳng cấp thế giới), cán mốc doanh số 1 tỷ USD vào năm 2024 và lọt Top 50 công ty IT hàng đầu châu Á theo xếp hạng của Gartner.
Được biết đến nhiều với chiến lược “săn cá voi” - phục vụ tới hàng trăm khách hàng lớn trong danh sách Fortune Global 500, kể từ năm 2019, FPT Software mở rộng phục vụ thêm khách hàng trong nước với các sản phẩm “Made by Vietnam”.
Những phương thức mới tiêu biểu là mô hình tri ân khách hàng thân thiết xây dựng trên nền tảng Blockchain của Masan, hay nền tảng vận hành nhà máy toàn diện cho nhà máy sản xuất pin Lithium của Vinfast, giúp giảm 70% chi phí vận hành, trong khi giá dịch vụ chỉ tương đương 1/3 của đối thủ nước ngoài.
CHUYỂN ĐỔI SỐ: HÀNG HIỆU VÀ BÌNH DÂN
- Vì đâu FPT Software chuyển sang phục vụ các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi số, song song với chiến lược “săn cá voi” trước đó, thưa anh?
- Anh Phạm Minh Tuấn: Chúng tôi tập trung vào chuyển đổi số, nhưng chuyển đổi số (DX) không phải cứ hô là người ta giao việc, mà phải có những trận thử lửa, hoặc phải chứng minh được năng lực của mình ở quy mô bé hơn.
Một mặt, thị trường Việt Nam hỗ trợ cho FPT Software trau dồi các kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số. Mặt khác, khi có nhiều giải pháp hay đã triển khai thành công cho các doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi tự hỏi: “Tại sao không đem về phục vụ cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch hiện nay?”
- Cụ thể thì đại dịch lần này tác động tới công cuộc chuyển đổi số của các doanh nghiệp nói chung như thế nào, theo góc nhìn của anh?
- Nhờ Covid, rất nhiều doanh nghiệp ban đầu chưa sốt ruột để làm, giờ làm rất tích cực, bởi không làm thì không duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh. Nó giống chất xúc tác, thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Đáng nhẽ một việc cần làm trong 3 năm, giờ chỉ làm trong 3 tháng...
- Có nhiều sản phẩm Make in Vietnam của FPT Software ra đời trong đại dịch không, thưa anh?
- Chúng tôi quyết định không bỏ doanh nghiệp nào lại phía sau. Doanh nghiệp nhiều tiền sẽ “chơi hàng hiệu”, và họ cần người giúp chuyển đổi số trên nền tảng “hàng hiệu” của các công ty nổi tiếng. Ngược lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nhiều tiền, không chơi đồ hiệu như ông lớn nhưng cũng có nhu cầu chuyển đổi để giải quyết vấn đề sản xuất kinh doanh của họ, FPT Software cũng có thể cung cấp các giải pháp trọn gói.
Rất nhiều công cụ được ra đời như hỗ trợ làm việc từ xa, các biện pháp giám sát, đảm bảo năng suất, chất lượng từ xa… để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới, với chiến lược sống cùng Covid.
Một số sản phẩm Made by Vietnam tiêu biểu của "nhà" FPT Software. |
ĐẠI DỊCH CHỈ THẤY NHIỀU CƠ HỘI THẾ, KHÔNG “CHÉN” ĐƯỢC THÌ PHÍ
- Thực lòng thì anh nhìn nhận thế nào về giai đoạn khủng hoảng trong Covid-19 vừa qua?
- Khủng hoảng xã hội thì có, như tình trạng bệnh viện quá tải, nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. FPT Software may mắn chưa có mất mát bởi Covid, nhưng không tránh khỏi những câu chuyện người thân mất. Rất đau! Vì FPT Software chúng tôi như một đại gia đình, người thân của nhân viên cũng như của tôi. Dù Tập đoàn FPT và FPT Software chúng tôi lập cả đội hỗ trợ ứng cứu khẩn cấp cho nhân viên và người nhà trong đợt dịch vừa qua ở TP HCM, sức người chúng tôi không thay đổi được sự quá tải của dịch bệnh.
Còn về kinh doanh, chúng tôi không coi giai đoạn vừa rồi là khủng hoảng đâu, thậm chí còn thấy cơ hội nhiều hơn. Thực lòng mà nói, đầu năm ngoái chúng tôi có hoảng một chút, bởi vì nó bất ngờ và chưa kịp xoay xở. Đến cuối năm ngoái thấy bình thường. Còn năm nay chả thấy khủng hoảng, chỉ thấy nhiều cơ hội thế, không “chén” được thì phí (cười).
Covid không lấy được việc, mà tạo việc nhiều hơn cho FPT Software.
- Đâu là điểm tự hào của anh về đội ngũ nhân viên và những điều làm được của FPT Software tại thời điểm khó khăn này?
- Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi không bị hoảng loạn, vẫn đoàn kết và không chỉ vượt qua khủng hoảng, mà còn lập được những kỳ tích mới.
Năm nay FPT Software sẽ đánh dấu lợi nhuận vượt 100 triệu USD. Chúng tôi có những hợp đồng kỷ lục lên tới hàng trăm triệu USD năm nay, có những khách hàng doanh số hàng tỷ USD/năm. Rất nhiều cái “lần đầu tiên” trong lịch sử FPT Software rơi vào năm mà Việt Nam cho là tồi tệ nhất. Chúng tôi đang theo đúng lộ trình trở thành công ty tỷ USD, World-Class vào năm 2024.
- Rất nhiều “cái đầu tiên” được thực hiện trong khủng hoảng. Đâu là “vũ khí” để các anh làm ra được nhiều kỳ tích như vậy?
- Tôi nghĩ việc đầu tiên là chúng tôi phải duy trì khát vọng, khát khao. Khát vọng này không chỉ ở cấp lãnh đạo, mà ở toàn bộ nhân viên FPT Software, mỗi người nỗ lực cho mục tiêu chung để nâng tầm, đưa FPT Software trở thành công ty World-Class.
Thứ nữa là sự chuẩn bị, đầu tư cho chuyển đổi số. Trong nguy có cơ, rất nhiều khách hàng Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, khi Covid đến, họ phải đẩy nhanh một số kế hoạch. Cơ hội tự nhiên đến nhưng bản thân mình phải sẵn sàng để đón nhận cơ hội đó. Những hợp đồng cả trăm triệu USD nếu mình không sẵn sàng thì chẳng bao giờ đấu thầu thắng được. Đấy là quá trình chúng tôi chuẩn bị từ 3 năm trước, khi tập trung vào chiến lược “săn cá voi”.
Thứ ba, về chiến lược, chúng tôi đặt chiến lược chuyển đổi số từ 3-5 năm nay. FPT Software mặc dù hơn 20 năm nhưng vẫn là công ty còn mới trên thị trường, với tuổi trung bình của nhân viên tầm 27 đổ lại - những người rất trẻ và thích công nghệ mới. 3 năm vừa qua, chúng tôi có những bước tiến vượt bậc trong việc nắm bắt những công nghệ mới. Khi thời cơ đến, chúng tôi chứng minh được bản thân và làm được những việc rất lớn, tiệm cận với những trận đánh ở đỉnh cao của thế giới.
CƠ HỘI KHÔNG GIỚI HẠN
- Nhắc tới câu chuyện nhân sự, thường chúng ta nói nhiều về câu chuyện giữ người. Nhà Phần mềm giữ người thế nào?
- Thứ nhất là DNA của FPT Software. Chúng tôi có trải nghiệm đa dạng, với khẩu hiệu “Được là chính mình”. Mình thích gì, thích làm kiểu nào, công ty đều có thể đáp ứng được. Làm ở Mỹ hay Việt Nam cũng được. Thích làm dự án có người nước ngoài cũng có. Thích làm việc đơn giản hay làm sản phẩm, công nghệ cao cũng được. Chúng tôi không thiếu việc theo nhu cầu của từng cá nhân.
Về Career Path - lộ trình công danh - công ty tăng trưởng thì cơ hội cho nhân viên rộng mở. Cứ tăng trưởng đều đặn hai mươi mấy % như mấy năm vừa qua, những bạn từ một nhân viên bình thường lên sếp rất nhanh. Được trải nghiệm đa dạng cộng với được đào tạo, thì những kỹ năng cá nhân cũng phát triển hoàn chỉnh hơn trong các môi trường khác.
Thứ nữa, chúng tôi có văn hóa làm việc phải vui. Dù vất vả, thách thức nhưng kiểu gì cũng phải vui. Cho nên, văn hóa công ty giờ duy trì các loại hội, CLB sinh hoạt, và có cả bộ phận chuyên trách để lo vấn đề tinh thần của nhân viên. Triết lý kinh doanh của FPT Software trước giờ là: Trước khi làm việc được với nhau phải chơi được với nhau, và muốn biết có chơi được với nhau hay không phải có nơi thể hiện.
Bên cạnh DNA của công ty, chúng tôi cũng chăm lo cho nhân viên bằng rất nhiều chính sách khác nhau, như “An cư lạc nghiệp” với nhà cửa, xe cộ... Lúc khó khăn thì có vaccine, chăm sóc người thân trong gia đình trường hợp không may bị Covid… Tức là chúng tôi làm mọi cách để nhân viên toàn tâm toàn ý tập trung vào chuyên môn.
- Từng có thời điểm 30% nhân sự rời đi, mà nguyên nhân phần lớn là do thu nhập quá thấp...
- Để trở thành công ty World-Class hiển nhiên phải có các nhân tài World-Class, tuyển những nhân tài đó về thì thu nhập phải cạnh tranh với thế giới chứ không phải chỉ cạnh tranh với Việt Nam. Nhưng phải hiểu rằng đó không phải lợi ích tại một thời điểm, mà là tổng hòa.
Chúng tôi chưa bao giờ xác định mình trả lương thấp, đôi khi còn nói mình chính là tiêu chuẩn của thị trường. Bởi chúng tôi đông người nhất, sẽ định hình mặt bằng thu nhập thị trường. Doanh nghiệp nào muốn lấy người FPT Software phải trả lương cao hơn. Bên cạnh lương, chúng tôi cũng bù đắp bằng các quyền lợi khác như đầu tư rất nhiều cho hoạt động đào tạo. Như vậy, không phải là không trả lương cao, mà phải hiểu công ty giúp các bạn phát triển bản thân, và khi phát triển bạn sẽ có mức thu nhập mới tương xứng với vị trí bạn đang làm.
Một góc campus F-Ville của FPT Software ở Hà Nội. |
Hoặc có chế độ chính sách chỉ ở FPT Software mới được hưởng, ví như ưu đãi vay, không chỉ có tiền, mà bản chất với uy tín của công ty thì việc phê duyệt vay của các tổ chức tài chính đơn giản hơn rất nhiều cho người của FPT Software. Ở Đà Nẵng, chúng tôi còn xây cả căn hộ cho nhân viên mà chỉ cần 2 năm trở lên đã có quyền mua căn hộ và gần như được công ty bảo lãnh.
- Cụ thể thì chính sách tặng nhà cho nhân viên FPT Software được thực hiện thế nào, thưa anh?
- Ở Đà Nẵng, chúng tôi xây cả khu Complex, sau đó bán cho nhân viên với giá gốc. Và không chỉ có giá thấp, mà còn có các ưu đãi về lãi suất, trả chậm, để làm sao một nhân viên đi làm cho FPT Software 2 - 3 năm thì có đủ thời gian để được hưởng ưu đãi mua nhà do công ty hỗ trợ, thậm chí nhà ấy còn vào ở được luôn chứ không phải đi làm thêm mấy năm nữa mới có nhà.
Ở TP HCM và Hà Nội, FPT Software đã kết hợp với một số chủ đầu tư bằng hình thức mua sỉ với giá thấp hơn thị trường, bên cạnh đó hỗ trợ lãi suất cho nhân viên. Ví như ngân hàng cho vay với lãi suất 10% thì công ty hỗ trợ thêm, để nhân viên chỉ trả 5-6%.
Chung cư FPT Smart Nano Flat tại Đà Nẵng. |
- Từng có một vị sếp doanh nghiệp tỷ đô cho rằng để quản lý cống hiến 5-10 năm mà không mua được nhà, được xe là nỗi đau của người lãnh đạo. Anh có đồng tình với ý kiến này?
- Tôi nghĩ ngành phần mềm cũng là một ngành “hot”, làm quản lý cỡ 5-10 năm không mua được nhà thì…
Đầu tiên phải xác định đấy là vấn đề của cá nhân, sau mới là vấn đề của doanh nghiệp sử dụng lao động. Bạn có 10 năm kinh nghiệm mà không lo được cho vợ con, thì đấy cũng là một cái tạm gọi là hổ thẹn. Còn doanh nghiệp thì tất nhiên, nếu người ta đã làm cho bạn 5 - 10 năm vẫn không mua được nhà thì doanh nghiệp ấy tương lai cũng không xán lạn, khó thu hút người mới đến với họ.
Theo tôi, điều quan trọng nhất là hỗ trợ nhân viên giải quyết được những vấn đề lớn trong cuộc đời của họ. Thực ra, một con người chỉ có 3 việc lớn thôi: Lập gia đình, Sinh con và Sự nghiệp.
Chúng tôi cứ thấy cái gì dễ thì làm trước. Ví dụ, lấy vợ/chồng trong FPT thì có các CLB, app hẹn hò, làm thế nào để mọi người không cô đơn. Con thì hết mẫu giáo có thể vào trường FPT đến tốt nghiệp ĐH, tương đối an tâm.
Vấn đề thứ 3 là sự nghiệp, bản chất FPT không thiếu việc. Bạn có nhu cầu kiểu gì FPT cũng đáp ứng được. Quan trọng nhất là tỏa sáng đúng lúc.
- Trong suốt 25 năm đi làm ở FPT, vị sếp nào anh thấy ấn tượng nhất?
- Anh Trương Gia Bình là tôi ấn tượng nhất. Tôi cũng thích nhiều anh khác. Cái hay ở FPT là tính đa dạng. Người FPT rất đa tính cách, vì ai cũng được là chính mình. Và sức mạnh của FPT đến từ việc một tổ chức có thể dung hòa được rất nhiều tính cách, và giúp FPT vượt qua rất nhiều thời điểm khó khăn.
CafeBiz
Ý kiến
()