Chung tay cùng gia đình nhân viên vượt Covid-19
Cuối tháng 7, gia đình anh Đoàn Hữu Thiện (kỹ sư Đơn vị phần mềm chiến lược phía Nam - FHM, thuộc FPT Software) tình cờ phát hiện nhiễm Covid-19. Bố của anh với căn bệnh nền suy tuyến thượng thận, vì hết thuốc điều trị tại nhà nên suy kiệt đến mức ngất xỉu, khi được đưa đến bệnh viện mới phát hiện nhiễm Covid-19. Lúc này, cả gia đình tá hỏa xét nghiệm nhanh cũng cho kết quả dương tính.
Cao điểm dịch, các bệnh viện chật kín giường, có được cơ hội nhập viện điều trị là điều không tưởng. Người con trai vì thương bố mẹ nên tìm hết mối quan hệ mong có nơi nhận điều trị nhưng câu trả lời anh nhận được luôn là “hết giường, phải có giấy tiếp nhận mới được”. Bấn loạn, Thiện báo cho lãnh đạo đơn vị về tình hình gia đình.
Trong lúc hoang mang nhất, Thiện nhận được cuộc gọi từ FPT Software: sau khi hỗ trợ tìm kiếm, một bệnh viện dã chiến vừa trống giường và có thể tiếp nhận. Ngay lập tức, bố mẹ anh được chuyển đến đây để điều trị và hồi phục khá nhanh.
Tưởng mọi thứ đã ổn nhưng 4 ngày sau, vợ anh trở nặng với các biểu hiện như khó thở, mức oxy giảm mạnh.
Vợ chồng anh Đoàn Hữu Thiện. Vợ anh đang tiếp tục chiến đấu để sớm được đoàn tụ gia đình. |
Anh Thiện và vợ được đưa đến điều trị tại bệnh viện dã chiến số 3 (phường An Khánh, Thủ Đức). Vừa đến nơi, vợ anh được chuyển đến phòng cấp cứu. 3 ngày ở bệnh viện dã chiến, trong một lần di chuyển, không may vợ anh té ngã và chảy máu khá nhiều.
“Xét nghiệm cho kết quả khá xấu, không chỉ mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh, vợ tôi còn thiếu máu, lượng máu trong người giảm còn 40%, mất cảm giác thở, rơi vào tình trạng nguy kịch. Cô ấy bắt đầu dặn dò tôi nhiều thứ, nói những lời tạm biệt. Tôi suy sụp nhiều, lúc đó muốn gục ngã rồi nhưng cố gắng bình tĩnh để động viên vợ”, anh kể.
Dù cũng nhiễm Covid-19 nhưng anh Thiện chỉ có triệu chứng nhẹ, cộng thêm tinh thần lạc quan và luôn giữ vững tâm lý nên hồi phục khá nhanh. Điều khiến anh lo lắng lúc này là người vợ sắp được chuyển lên tuyến trên để điều trị. Ngày chia tay, cảm xúc anh hỗn loạn vì không biết khi nào gặp lại, liệu có được gặp lại hay không.
“Trước đó, vợ chồng tôi đã có tên trong danh sách tiêm vaccine của công ty thì ngay lúc ấy, nơi ở bị phong tỏa khiến chúng tôi đành nhìn cơ hội trôi qua. Đây cũng là một phần lý do khiến vợ tôi khi nhiễm bệnh lại tiến triển nhanh và nặng như vậy”, kỹ sư nhà Phần mềm kể.
Hỗ trợ kịp thời trong tình huống nguy kịch
Dù đã chuyển đến nơi có điều kiện tốt hơn nhưng người vợ cứ “khỏe một ngày thì yếu 3 ngày”. Bệnh viện quá tải để tiếp nhận cuộc gọi của người nhà, không thể liên hệ với vợ, anh Thiện lo lắng đến mất ngủ.
Lần này, nhờ sự kết nối từ xa của cán bộ quản lý công ty và trực tiếp là CEO FPT Software Phạm Minh Tuấn mà anh nhanh chóng liên hệ được phía bệnh viện để hỏi thăm tình hình.
Nhận thấy tình hình vợ anh Thiện quá nặng, công ty đã nhanh chóng khởi động thủ tục để chuyển đến một bệnh viện đa khoa quốc tế ngay trong đêm bằng gói điều trị đặc biệt mà công ty đã chuẩn bị “hờ” cho chính nhân viên của mình.
Lọc máu, trải qua cơn bão cytokine, sốc nhiễm khuẩn, kháng toàn bộ thuốc kháng sinh… là những gì mà người vợ trải qua trong quá trình điều trị. Nhiều lúc tưởng như hết hy vọng, cơ hội sống còn 1%, anh và gia đình tuyệt vọng đến mức chỉ dám cầu mong may mắn sẽ mỉm cười.
“Khoảng thời gian đó, tôi ám ảnh những cuộc gọi đêm, luôn phải chuẩn bị sẵn tinh thần. Nhìn vào số máy lạ, tôi run lên vì sợ sẽ có điều không may đến mức không dám bắt máy ngay. Cảm giác kinh khủng lắm!”, anh nhớ lại.
Được bác sĩ trực tiếp điều trị đánh giá là người có ý chí sinh tồn mạnh liệt, vợ anh Thiện dần có diễn biến tốt, được chuyển sang phòng chăm sóc tích cực, tập vật lý trị liệu và thỉnh thoảng anh vẫn gọi điện để được nhìn mặt vợ. “Cô ấy chưa khỏe nhưng vẫn biết lắc đầu, gật đầu hay nói câu ngắn. Như vậy là kỳ tích lắm rồi”, anh nói.
Những ngày đầu tháng 10, hoà chung niềm vui khi Sài Gòn dần nới lỏng giãn cách và mở cửa, vợ anh Thiện cũng được xuất viện về nhà theo dõi thêm. Dù vẫn duy trì máy thở, nhưng đây cũng là bước tiến dài trong hành trình nhiều chông gai.
Vào FPT Software từ năm 2017, anh Thiện hiện đảm nhận các công việc trong đội phát triển phần mềm với đối tác Nhật Bản của đơn vị Phần mềm chiến lược phía Nam - FHM. Gần 5 năm gắn bó với nhà F, ngoài chính sách hỗ trợ của công ty đối với từng nhân viên, anh nhận thấy rõ sự nhiệt tình, thân thiện của đồng nghiệp trong công việc. Đây chính là những lý do khiến anh muốn gắn bó dài lâu hơn.
“Tôi đã tham gia rất nhiều dự án lớn nhỏ trong và ngoài nước, từng đi công tác tại Nhật, dù là người mới hay cũ, công ty vẫn trao những cơ hội để cá nhân được học hỏi và cọ xát. Thậm chí chúng tôi vẫn hay chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình với cấp trên. Không chỉ hỗ trợ trong công việc, công ty còn lắng nghe cả điều nhỏ nhất của nhân viên”, anh chia sẻ.
Theo Thiện, những ngày vợ anh nhập viện, đồng nghiệp, quản lý liên tục gọi điện hỏi thăm. Thậm chí, có những đồng nghiệp liên hệ khắp nơi để “xin” giường bệnh giúp gia đình. Chính sự quan tâm ấy đã khiến anh quyết định sẽ gắn bó lâu dài nhất có thể với công ty. Trong email cám ơn CEO Phạm Minh Tuấn, anh Thiện còn bày tỏ mong muốn được cống hiến ở đây mà không cần tăng thêm một bậc lương nào.
“Lúc mắc Covid-19, dù không thể làm việc nhưng công ty vẫn cấp lương và đảm bảo thu nhập cho tôi. Tôi thật sự biết ơn và cảm thấy may mắn khi là nhân viên của nhà F. Ở đây, mọi người cho tôi cảm giác như một đại gia đình”, anh nói.
Thanh Dung
Ý kiến
()