Chúng ta

2 sáng kiến được Hội đồng giám khảo đề xuất mở rộng trong nhà F

Thứ tư, 23/9/2020 | 21:26 GMT+7

2 ‘chiến binh’ nhà FPT Software nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng Ban giám khảo Sáng kiến FPT, đề xuất thử nghiệm, phát triển thêm tại nhiều đơn vị trong tập đoàn.

14h30 chiều nay (ngày 23/9), vòng Chung khảo iKhiến số 2 chính thức diễn ra theo hình thức online kết hợp offline tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP HCM. Chương trình sáng kiến số 2 có sự tham gia của 7 sản phẩm: Nhóm trang Thu hộ và Dịch vụ thanh toán online (FPT Retail); Ứng dụng SXD247 (FPT IS); Sản phẩm Catalogue online (Synnex FPT). FPT Telecom và FPT Software đồng loạt có 2 sản phẩm dự thi: Hỗ trợ khách hàng bảo trì từ xa; Partner FPT Play; Công cụ Cus360 trên nền akaInsights; akaAT Studio (Công cụ kiểm thử tự động đa nền tảng). Trong đó, sáng kiến akaAT Studio - Công cụ kiểm thử tự động đa nền tảng và công cụ Cus360 trên nền tảng akaInsights nhận được nhiều sự quan tâm từ phía Hội đồng giám khảo.

640-DSC01214-8087-1600866424.png

Chương trình diễn ra với sự tham gia của 7 sáng kiến. Ảnh: Huấn Trần.

akaAT Studio là công cụ cài đặt trên máy tính của người kiểm thử (tester), gồm 3 phần chính: akaAT Recorder, akaAT Studio và akaAT Core. Sản phẩm được sáng tạo theo đúng tinh thần iKhiến. Mặc dù chưa được đầu tư nhiều, sản phẩm hỗ trợ tester những công việc kiểm thử lặp đi lặp lại kéo dài. Khi áp dụng công cụ, dự án sẽ giảm được từ 15%-45% chi phí kiểm thử, tăng 25% tốc độ, giảm 99% những lỗi phát sinh so với thực hiện bằng tay. Hiện tại, akaAT đã được áp dụng thực tế tại 5 dự án trong FPT Software, thử nghiệm tại 8 dự án ngoài công ty, trong đó 3 dự án đã trở thành khách hàng trả phí.

Đặc biệt, ngay sau khi trình bày trước Hội đồng, sản phẩm được chấp thuận chạy thử tại FPT Retail, FPT Telecom và FPT IS. Anh Nguyễn Xuân Việt, GĐ Công nghệ FPT IS, đánh giá cao tinh thần sáng tạo, ý tưởng của nhóm tác giả. Mặc dù cần thêm các báo cáo, đánh giá khác để áp dụng nhưng anh Việt kỳ vọng công cụ có thể nhanh chóng áp dụng được tại FPT IS.

640-DSC04888-6313-1600866424.png

Tác giả akaAT Studio Nguyễn Duy Vinh. Ảnh: Huấn Trần.

Đảm bảo 2 yếu tố sáng tạo và thực tế, sản phẩm Cus360 trên nền tảng akaInsights nhận liền 2 lời mời hợp tác với FPT Education và FPT IS. Đây là nền tảng phân tích dữ liệu được đưa vào thử nghiệm từ đầu tháng 7, gồm 3 phần: Data Lake - nơi tập hợp dữ liệu đổ về, Data Preparation - xây dựng luồng dữ liệu, khai phá và chuẩn bị dữ liệu, Visualization - vẽ bảng biểu. Sản phẩm giúp phân tích các đối tượng và chiều kinh doanh, nhu cầu báo cáo của mỗi đơn vị kinh doanh; xác định nguồn dữ liệu và xây dựng yêu cầu để đề nghị data owner cung cấp; xây dựng data lake, các dịch vụ gọi dữ liệu liên tục, các quy tắc nhập/chuyển đổi dữ liệu.

Cus360 còn có thể tùy chỉnh mô hình dữ liệu của akaInsights, vẽ báo cáo/bảng biểu tự động cập nhật, hay thu thập giá chứng khoán, tin tức về các khách hàng lớn… Từ đó, người sử dụng làm ra được báo cáo để ban điều hành kinh doanh và phụ trách các đơn vị sản xuất trên thế giới theo dõi, đánh giá tình hình và đưa ra những quyết định nhanh chóng, chính xác.

Qua giai đoạn chạy thử nghiệm tại FPT Software và cho một khách hàng lớn bên ngoài, Cus360 chứng minh hiệu quả trong tiết kiệm nhân lực: trung bình để làm 1 báo cáo sẽ tiết kiệm được 8 nhân sự so với trước đây. Xa hơn, Cus360 hướng tới mục tiêu thay thế powerpoint và powerBI, giúp mọi người nhà F đều có thể tự phân tích dữ liệu một cách bài bản. Theo đánh giá chung từ Hội đồng, mặc dù có nhiều điểm phù hợp áp dụng thực tế nhưng sản phẩm còn nhiều tính năng phức tạp, tốn kém, cần thêm thời gian để nghiên cứu và phát triển.

640-DSC04720-1460-1600866424.png

Công cụ Hỗ trợ khách hàng từ xa của FPT Telecom nhận được nhiều đánh giá tốt từ Hội đồng. Trong hình là tác giả Nguyễn Tiến Thành. Ảnh: Huấn Trần.

Bên cạnh đó, vòng Chung khảo sáng kiến số 2 được đánh giá nhiều sản phẩm chất lượng hơn số trước. Mở đầu là sản phẩm Nhóm trang thu hộ và thanh toán online tại FPT Shop của FPT Retail. Trình bày đầu tiên nhưng tác giả Nguyễn Quang Nghĩa (FPT Retail) vẫn giữ phong thái tự tin về sản phẩm. Theo tác giả, sản phẩm được xuất phát từ thách thức xu hương phát triển mạnh mẽ của việc mua hàng, thanh toán online. Sau 1 tháng triển khai, sản phẩm đã thực hiện hơn 20.000 thao tác trên hệ thống website đơn vị. Từ đó, đơn vị tự tin nâng cao trải nghiệm khách hàng, giản tiện và rút ngắn thời gian thanh toán cho người dùng. Trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, website càng có dịp phát huy ưu thế của mình, khách hàng có thể thanh toán qua tài khoản ngân hàng và ví điện tử.

Được đánh giá là một trong những đối thủ “nặng kí”, sản phẩm Hỗ trợ khách hàng bảo trì từ xa (Support online - SO) nhận được nhiều sự tò mò, hứng khởi từ Hội đồng giám khảo và các tác giả. Tác giả Nguyễn Tiến Thành - Trung tâm Quản lý đối tác miền Bắc (TIN - thuộc FPT Telecom) cho biết, sản phẩm SO được coi là ca “cứu cháy” cho đơn vị trước tình hình giãn cách xã hội tại Hà Nội hồi tháng 4. Tuy nhiên, Covid đã mang lại cho đơn vị cơ hội để phát triển sản phẩm trở thành giải pháp lâu dài trong quá trình xử lý sự cố cho khách hàng. Sản phẩm thực hiện chủ yếu thông qua các ứng dụng video call, zalo, viber… Trường hợp xử lý tác vụ liên quan hệ thống phần mềm được hỗ trợ qua Teamview, Ultrview. Sau 4 tháng triển khai, sản phẩm nhận được 80% đồng ý của khách hàng, 98% tác vụ thành công, tiết kiệm cho công ty 1,5 tỷ đồng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.

640-DSC04903-8731-1600866424.png

Sau chương trình, 2/7 sản phẩm nhận được lời mời hợp tác từ Hội đồng giám khảo. Ảnh: Huấn Trần.

Sản phẩm thứ 2 của nhà “Cáo” - ứng dụng Partner FPT Pay - hỗ trợ đơn vị quản lý hoạt động trung chuyển hàng hoá tới các đại lý cấp 1, 2, 3 tới tay người dùng cuối. Từ đó, kiểm soát được lượng hàng hoá tồn kho, các giai đoạn bán tốt… để có những chính sách hợp lý, thúc đẩy hàng hoá tới tay người dùng. Sau khi trình bày, tác giả Phùng Hồng Vân - Ban dự án phát triển sản phẩm mới FPT Telecom tự tin đã làm những việc tốt đem lại lợi ích cho FPT Telecom. Đặc biệt, chị hy vọng Hội đồng có thể tiếp nhận, xem xét những ưu việt của dự án để tiếp tục đầu tư, phát triển sản phẩm với phiên bản tốt hơn.

Với lối truyền đạt hấp dẫn, tự tin, tác giả Catalogue online Nguyễn Huy Quang (Synnex FPT) nhanh chóng chiếm được nhiều thiện cảm từ Hội đồng. Sản phẩm là sáng kiến thuộc lộ trình số hoá của Synnex FPT. Thay vì in ấn catalogue bản cứng, đơn vị thiết kế online dưới dạng PDF/HTML, tiết kiệm chi dự tính 120 triệu/năm.

Ứng dụng SXD247 của nhà Hệ thống cũng là đối thủ ngang tài ngang sức với các phần mềm khác góp mặt tại Sáng kiến số 2. Sản phẩm là ứng dụng mobile hỗ trợ tra cứu thông tin bất động sản có tính pháp lý và đầy đủ, tích hợp nhiều tính năng dịch vụ công khác, giải quyết bài toán loạn thông tin về BĐS trong quá trình làm việc với Sở Xây dựng HCM.

Tại vòng Chung khảo, Hội đồng thẩm định sẽ cho điểm đánh giá Sáng tạo dựa trên phần trình bày và Q&A của thí sinh. Tiêu chí đánh giá bao gồm: tính iKhiến - chứng minh được dấu ấn tác giả trong sáng tạo; Hiệu quả - mang lại kết quả, giá trị cho đơn vị, bộ phận có thể kiểm chứng được; Phạm vi ảnh hưởng/mở rộng/phát triển…

Hiện tại, chương trình đã nhận được 96 hồ sơ đăng ký Sáng kiến FPT. Các hồ sơ gửi về chương trình sẽ được hội đồng xét duyệt thẩm định về nhiều yếu tố và sẽ có email phản hồi tới tác giả. Để hồ sơ được xét duyệt nhanh, các sáng kiến cần đảm bảo nhiều tiêu chí. Cụ thể, sáng kiến là sản phẩm đã được áp dụng thực tế; Thời gian áp dụng là 12 tháng tính đến thời điểm đăng ký; Có một trong 2 hiệu quả về kinh tế, hoạt động kèm số liệu rõ ràng; Không trung với sáng kiến được công nhận hoặc chuẩn bị áp dụng trong FPT; Chứng minh được tính sáng tạo qua nỗ lực tìm tòi và nghiên cứu.

Tham gia Sáng kiến FPT 2020, CBNV sẽ được tưởng thưởng xứng đáng về vật chất, tinh thần và có cơ hội đầu tư, thương mại hoá sản phẩm, dịch vụ. Cụ thể, ngày 1/7, FPT đã ban hành hai quy định "Khuyến khích phát triển sáng kiến" và "Quản lý dự án đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ" nhằm cổ vũ, tạo điều kiện và môi trường phát triển sáng tạo; đưa đến những cơ hội lớn để CBNV nhận được thu nhập cao khi tham gia sáng tạo vì FPT.

Việc ban hành chính sách này nhằm tăng tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận của sản phẩm trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn và quản lý, điều phối hiệu quả các hoạt động đầu tư sản phẩm công nghệ trong FPT. Bên cạnh đó, chính sách này giúp FPT thu hút và giữ chân các nguồn lực chất lượng cao, khuyến khích CBNV tham gia phát triển sản phẩm công nghệ Make by FPT.


Hà Trần

Ý kiến

()