Chúng ta

Tản mạn nghiệp Phát triển chương trình

Thứ hai, 6/8/2018 | 14:25 GMT+7

Phát triển chương trình không hàn lâm như tên gọi của nó và cũng không khắc nghiệt như tính chất của nó.

Đến với FPT là một cái duyên, công tác ở Ban Phát triển chương trình Đại học là một chuyện như được định trước. Từ chối offer vị trí Phát triển chương trình ở FSB, Mỹ Đình hồi tháng 11/2015 không lâu với lý do xa nhà gần 10km, thì chỉ sau 1 tháng nhận offer vị trí Phát triển chương trình ở FPTU, Hòa Lạc – xa nhà tận 40km.

Ngày đầu tiên đi làm, tôi được làm 1 việc cực kỳ quan trọng và đặc biệt; đó là: xếp hàng nhận lỳ xì nhân dịp đầu năm mới. Có cảm giác được lộc lá đầu năm nhiều lắm và hứa hẹn một năm làm việc hết mình.

Tôi có 6 năm trước đó làm việc ở trường đại học và các cơ sở giáo dục đều có liên kết đào tạo quốc tế; song đến FPTU mới được biết trong giáo dục cũng có bộ phận Nghiên cứu & Phát triển (R&D) giống trong doanh nghiệp. FPT không ngoa khi được mệnh danh là tiên phong dẫn đầu. Tôi mê cái tên R&D bởi nó rất hàn lâm, được đọc và nghiên cứu, được tiếp cận rất nhanh với xu hướng, phương pháp luận mới trong giáo dục; hướng đến mục đích lớn nhất là liên tục cải tiến chương trình thỏa mãn người học và yêu cầu doanh nghiệp, xã hội.

Khái niệm về Khung chương trình, Đề cương, Học liệu là những hiểu biết đầu tiên và cơ bản nhất của Phát triển chương trình đối với tôi. Sau này, khái niệm về Learning outcomes- Chuẩn đầu ra (hay gọi tắt là Lờ Ô), Đối sánh (Mapping), phương pháp luận CDIO, hay kiểm định chương trình ACBSP ngấm dần trong tôi như 1 kim chỉ nan và chắc chắn hơn về định hướng của Phát triển chương trình. Trước đây thời đi học, không chỉ tôi mà dám chắc hầu hết sinh viên đại học, hay thạc sĩ đều sẽ có lần thắc mắc rằng “chả hiểu vì sao lại có môn học quái quỷ này; chả hiểu học để làm gì; sau này có dùng đâu mà học, đi làm rồi sẽ được đào tạo lại….”.

Vẫn luôn mang trăn trở và băn khoăn với những câu hỏi đó của người học, câu hỏi thường trực của tôi khi lựa chọn một môn học nào đó trong khung sẽ là: “học môn này để làm gì, người học sẽ được trang bị gì trong thực tế, mối liên hệ của môn học này với các môn còn lại trong toàn khung chương trình”. Làm chương trình như thể chơi với một ma trận khi các môn được lựa chọn đưa vào hay loại bỏ ra khỏi khung đều đặt trong đó cả một “tâm tình” và nỗi trăn trở. Dẫu biết 1 khung chương trình có thể là hoàn hảo trong thời điểm này, nhưng lại trở thành không phù hợp hay “lỗi thời” ở thời điểm khác; có thể hoàn hảo đối với trường này, nhưng lại trở thành “lệch lạc”, “sai định hướng” đối với trường khác…. Bởi lẽ vậy, PTCT hay mang cái tiếng là suốt ngày thay đổi, thay đổi như chong chóng chẳng biết đường nào mà lần; thực ra, sự thay đổi này theo định hướng chung của quốc tế, tầm nhìn của lãnh đạo và đòi hỏi liên tục thay đổi từ doanh nghiệp xã hội.

Team chúng tôi, tội đồ đứng đầu là sếp Duẩn TC luôn tự an ủi, động viên nhau bởi cái nghiệp và tính chất nghề này nó vậy- nơi hứng gạch đá, tích dần có khi xây được cả 1 campus nữa. Đã nhiều thế hệ, đàn chị đi trước cũng mang theo tâm tình và trăn trở với nghiệp học của sinh viên, gắn bó với PTCT và nay đã đều làm sếp to, sếp nhỏ- một phần cũng là do sự rèn dũa từ cái “lò luyện khắc nghiệt” này.

Phát triển chương trình, đối với tôi, là một cái duyên đến tình cờ, nhưng lại mang nhiều trăn trở và nhiều thực tiễn nhất. Ở một góc độ giáo dục khác trong gia đình, là một người mẹ, việc ăn, ngủ, mơ cũng thấy Learning Outcomes đã ngấm dần trong mọi việc của cuộc sống. Ví như: đau đầu vì nạn học chữ, viết chữ sớm của con khi lên 5 (1 năm trước khi vào lớp 1), tôi tự hứa Learning outcomes đặt ra lúc này cho con là sự tự giác, tính kiên nhẫn đồ theo nét, và sự thích thú khi hoàn thành nét chữ, hơn là việc con biết đọc, biết viết chữ đẹp làm hài lòng cô giáo...

Tản mạn vậy để hiểu rằng Phát triển chương trình không hàn lâm như tên gọi của nó và cũng không khắc nghiệt như tính chất của nó, mà cũng rất thực tế, và khiến bản thân xác định được đúng mong muốn và đích đến của mình. Cảm ơn Phát triển chương trình và các người Sếp, người thầy và các đồng nghiệp của tôi.

Vũ Lê Vân

FPT Education - ĐH FPT

Ý kiến

()