Chúng ta

TGĐ Nguyễn Văn Khoa: 'FPT tìm thấy trong nguy có cơ ở Covid-19'

Thứ sáu, 16/10/2020 | 08:31 GMT+7

TGĐ FPT có buổi thảo luận cùng lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam với chủ đề ‘Thích ứng với thực tế mới’ do tạp chí Fobers Việt Nam tổ chức tại TP HCM, chiều ngày 15/10.

Phiên thảo luận với chủ đề "Thích ứng với thực tế mới" được điều phối bởi bà Nguyễn Lan Anh, Giám đốc điều hành Endeavor Vietnam. Bốn diễn giả tham gia là những nhà doanh nghiệp trong các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam gồm công nghệ, du lịch, hải sản và dệt may: anh Nguyễn Văn Khoa - CEO FPT; ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS); bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và CEO công ty TNHH Hải Nam; ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel.

Tính đến nay, kinh tế Việt Nam chịu suy giảm, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng cao tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, không thể chủ quan khi mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa trên xuất khẩu và đầu tư, nên các bất ổn bên ngoài tác động sẽ có độ trễ đến thương mại và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Đây là nhận định chung của các lãnh đạo khách mời trong phiên thảo luận.

fpt-forbes-1903-1602811704.jpg

Anh Nguyễn Văn Khoa nhận định công nghệ là ngành ít chịu ảnh hưởng nhất từ đại dịch, nhưng không vì thể mà chủ quan.

Trong bối cảnh đó, ngành công nghệ là một trong những điểm sáng trên thị trường. “Chúng tôi khá may mắn khi vận hành trong khối công nghệ, ít chịu tác động từ đại dịch,” anh Nguyễn Văn Khoa - CEO FPT - nhìn nhận. Kết quả kinh doanh 8 tháng của Tập đoàn FPT với doanh thu tăng 7,6% và lợi nhuận tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019, cổ phiếu cũng tăng tương đồng với sự tăng giá của nhiều cổ phiếu công nghệ trên thế giới. Điều đó cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tạo động lực cho lĩnh vực này phát triển đột phá.

FPT xác định công nghệ là một phần tất yếu trong tất cả mô hình doanh nghiệp. FPT đang đi cùng các tập đoàn lớn tại Việt Nam nhằm định vị, khẳng định đây là thời điểm tốt nhất để công nghệ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Anh Khoa chia sẻ, khi dịch đến, FPT vẫn không chủ quan mà chuyển đổi hoạt động của toàn bộ máy “từ thời bình sang thời chiến” để “sống chung với lũ” và xem đây là cơ hội tốt để điều chỉnh lại nhiều chính sách nội bộ. “Chúng tôi nhận ra rằng có rất nhiều chính sách thời chiến có thể vận hành trong thời bình. Việc sống chung với lũ vốn là biệt tài của người Việt, quan trọng ai xoay nhanh và ai xoay chậm”.

FPT dù duy trì tốc độ tăng trưởng nhưng không nhanh bằng những năm trước. "Chúng tôi phải tìm trong “nguy” có “cơ”. Và FPT đã tìm thấy điều đó ở thị trường nước ngoài. Chúng tôi tự hào khi trong thời kỳ Covid-19, FPT đã ký được những hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD. Đó là kết quả của chất xám", CEO FPT chia sẻ.

Ngoài ra, trong thời chiến, FPT đã triển khai chiến lược "hợp lực" trong quản trị doanh nghiệp. Trước đây, 8 đơn vị thành viên FPT hoạt động độc lập trong thời bình nhưng ở thời chiến, lãnh đạo công ty nhận ra có nhiều hệ thống trùng lặp, hao tốn nguồn lực vì vậy cần phải cân chỉnh lại. Không chỉ vậy, FPT còn chia sẻ kinh nghiệm với đối tác, khách hàng để hướng đến tạo chuỗi liên kết cùng phát triển bền vững.

Bàn đến chủ đề thích ứng với thực tế mới, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho hay, muốn đưa ra chiến lược kinh doanh thì cần nắm bắt nguồn cung nguyên liệu và nhu cầu thị trường. Đối với lĩnh vực thủy sản hiện nay, doanh nghiệp vẫn có cơ hội sản xuất và xuất khẩu, cũng như kỳ vọng khởi sắc trong những tháng cuối năm 2020 nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Ở lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nhà sáng lập Công ty du lịch Vietravel, cho rằng, để trụ vững trên thị trường thì doanh nghiệp du lịch xác định tái định vị thị trường, nhất là thị trường nội địa và tái cấu trúc toàn diện sản phẩm cho đến lúc Chính phủ cho phép mở cửa. Mặt khác, doanh nghiệp muốn có thị phần nội địa thì cần đổi mới sáng tạo bộ sản phẩm, cũng như hệ thống vận hành phải đáp ứng yêu cầu thị hiếu khách du lịch trong bối cảnh mới.

Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), phương thức mua bán hàng hóa thay đổi, chủ yếu online. Bên cạnh đó, phương thức thanh toán hàng hóa cũng thay đổi, trong đó vấn đề "trả chậm" cho thấy nhiều thách thức và rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là ở giai đoạn biến động thị trường.

ceo-fpt-borbes-7457-1602811704.jpg

CEO FPT nhận định chuyển đổi số là việc tất cả doanh nghiệp cần phải làm.

Nhìn về các kế hoạch kinh doanh sắp tới trong tình hình mới, các diễn giả đều dự đoán dịch bệnh sẽ còn kéo dài ít nhất đến năm 2021. Do đó, các ngành công nghiệp thậm chí phải chuẩn bị tinh thần cho sự trở lại hoạt động bình thường thậm chí đến quý III/2022. Tuy nhiên, từ đây đến khi tình hình kinh doanh sáng sủa trở lại, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề đều phải tiếp tục đẩy mạnh sự thay đổi, thích nghi và khởi động các ý tưởng mới.

Đồng tình với anh Khoa, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng thay đổi nhận thức của lãnh đạo rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi. “Chúng tôi tập trung lại, cùng ngồi thảo luận để tìm ra nguy cơ. Áp lực thay đổi nhận thức tuy khá đau đớn nhưng sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi thói quen lãnh đạo.

Chuyển đối cấu trúc doanh nghiệp cho phù hợp với thị trường cũng rất quan trọng. Trong đó, thay đổi cấu trúc sản phẩm và hệ thống hoạt động cũng cần thực hiện nhanh. Vietravel trước đây chủ yếu hoạt động ở nước ngoài nhưng giờ phải chuyển hướng vào thị trường trong nước.

“Tôi nhận ra các doanh nghiệp du lịch và lữ hành đang đối xử bất công với thị trường nội địa. Người du lịch trong nước đang sử dụng sản phẩm chưa tốt và tháng 11 này. Và chúng tôi sẽ toàn tâm toàn ý tập trung cho thị trường nội địa 100 triệu dân, triển khai các sản phẩm du lịch "chưa từng có" nhằm đáp ứng nhu cầu mới của du khách Việt. Ngày 18/12, Vietravel Airline sẽ bay chuyến đầu tiên và tập trung vào bay nội địa”, ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.

IMG-1641-7549-1602811242.jpg

Lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia thảo luận nhận lưu niệm từ BTC.

Nhân câu chuyện về chuyển đổi số, anh Nguyễn Văn Khoa cho biết dù là công ty công nghệ nhưng FPT vẫn phải chuyển đổi chính mình từ năm 2019. “Chúng ta đều là những nhà quản lý, có tiền lương, quy trình, hành chính, nhân sự,… Tất cả công việc ấy cần phải chuyển đổi số. Điều đó giúp chúng ta vững vàng hơn và chuyển đổi số sẽ không bao giờ dừng lại, bởi nhu cầu của khách hàng và thị trường sẽ không bao giờ ngừng lại”.

Đối với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang cho biết việc tự động hóa vốn đã manh nha từ trước khi đại dịch bùng phát. Nhưng chính Covid-19 đã tạo động lực để quá trình đó diễn ra nhanh hơn. Một nhà máy sợi trước đây có khoảng 480 nhân công nhưng giờ chỉ cần 120 nhân công cho cả hai ca, thậm chí nhiều nơi đã sử dụng robot. Nếu không như thế sẽ không bắt kịp xu thế của thế giới.

Chốt lại phiên thảo luận, khi được hỏi về nhận định tình hình tương lai, CEO FPT cho rằng đại dịch có thể còn kéo dài, vì vậy các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng và phải “giữ thật chặt túi tiền của mình”. Doanh nghiệp cần tích cực thu hồi công nợ, tìm mọi cách để dòng tiền được đảm bảo và tập trung vào một việc quan trọng nhất để đầu tư, không dàn trải.

>> FPT 8 năm liền lọt Top công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam

Sơn Thạnh

Ý kiến

()