Chúng ta

'Khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam thiếu kinh nghiệm thực tế'

Thứ năm, 9/6/2016 | 11:12 GMT+7

Theo anh Trần Hữu Đức, GĐ Quỹ Đầu tư khởi nghiệp FPT (FPT Ventures), điểm yếu “cốt tử” của khởi nghiệp sáng tạo Việt là thiếu kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, cần phải tạo ra môi trường thử nghiệm để các khởi nghiệp sáng tạo có cơ hội cọ xát liên tục. 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, một quốc gia có trình độ đổi mới sáng tạo cao sẽ có nhiều cơ hội tham gia sân chơi lớn. Hoạt động khởi nghiệp (start-up) gần đây rất được quan tâm ở Việt Nam và được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp nội địa.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo dự thảo luật hợp thức hoá khung pháp lý để đón đầu làn sóng đầu tư mạo hiểm, biến Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp mới. Dự thảo này được đưa ra trong bối cảnh làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam bắt đầu được manh nha và đã có một vài mô hình thành công nhờ gọi được vốn ngoại từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, đa phần các start-up của Việt Nam vẫn khó khăn về vốn. Do đó, dự thảo này được cho là đã hợp pháp hoá, khơi thông dòng vốn vào start-up với các thủ tục đơn giản nhất.

Thực tế, các khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay chủ yếu huy động vốn từ các "nhà đầu tư thiên thần", tức là các cá nhân, tổ chức chuyên đi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sớm, khi chưa có lợi nhuận, thậm chí mới chỉ là ý tưởng và chưa có sản phẩm... Do đó, trong hàng chục nghìn doanh nghiệp start-up đang đua nở hiện nay, số lượng thành công cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

ANTS - một trong những dự án khởi nghiệp được đầu tư bởi FPT Ventures.

ANTS - một trong những dự án khởi nghiệp được đầu tư bởi FPT Ventures.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia khởi nghiệp Đỗ Hoài Nam cho rằng, rất nhiều khởi nghiệp sáng tạo Việt mới chỉ “giàu” đam mê, nhưng lại “nghèo” kiến thức cơ bản cần thiết cho khởi nghiệp. Vì vậy, muốn thành công khi khởi nghiệp, trước hết bạn trẻ cần phải có trình độ và sự hiểu biết sâu cũng như sự bươn chải để hiểu rõ từng “chân tơ, kẽ tóc” về lĩnh vực khởi nghiệp. Từ đó tìm ra những mảng, miếng hợp lý để phát triển ý tưởng. 

"Từ mài giũa thực tế, bạn mới có thể đưa ra nhận định về khả năng thành công cũng như những rủi ro phát sinh trong quá trình phát triển ý tưởng. Bên cạnh đó, những kiến thức để khởi động doanh nghiệp, cách thức tìm kiếm nhà đầu tư cũng là những công cụ không thể thiếu giúp khởi nghiệp thành công. Không ít khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam vẫn thiếu các kỹ năng cần thiết để “mời gọi” đầu tư nên thường để cơ hội vuột mất", chuyên gia Đỗ Hoài Nam đúc kết. 

Cùng quan điểm, anh Trần Hữu Đức - GĐ FPT Ventures, phân tích, điểm yếu “cốt tử” của khởi nghiệp sáng tạo Việt là thiếu kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, cần phải tạo ra môi trường thử nghiệm để các khởi nghiệp sáng tạo có cơ hội cọ xát liên tục. Có thể xây dựng “vườn ươm” tại trường đại học, nơi sinh viên và các bạn trẻ được hướng dẫn và có điều kiện thử nghiệm ý tưởng của mình; từ đó, tự đánh giá được khả năng thành công cũng như độ rủi ro khi triển khai thực tế. Đây cũng là quá trình giúp các bạn trẻ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu.

anh Trần Hữu Đức - GĐ FPT Ventures, phân tích, điểm yếu “cốt tử” của khởi nghiệp sáng tạo Việt là thiếu kinh nghiệm thực tế.

Anh Trần Hữu Đức cho rằng, điểm yếu “cốt tử” của khởi nghiệp sáng tạo Việt là thiếu kinh nghiệm thực tế.

Còn PGS-TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, kiến nghị, nghiên cứu khởi nghiệp có rủi ro rất cao, trong khi cơ chế chính sách về nghiên cứu hiện nay còn nhiều ràng buộc. Vì vậy, chúng ta không nên tiếp tục những cách làm truyền thống như tài trợ theo đề tài, nghiệm thu theo sản phẩm… mà cần tạo ra những cơ chế mở hơn cho nghiên cứu khởi nghiệp. Như vậy mới có thể kích thích sức sáng tạo trong khởi nghiệp.

Chính phủ có thể cho phép sử dụng các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; địa phương và doanh nghiệp để tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường của khởi nghiệp sáng tạo.

Đồng thời, để phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp, Chính phủ có thể hỗ trợ một phần kinh phí mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp… cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp; Hỗ trợ một phần kinh phí thuê chuyên gia trong nước hoặc chuyên gia quốc tế để triển khai các khóa đào tạo khởi nghiệp, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư khởi nghiệp…

Trong phần chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) 2016 diễn ra vào chiều ngày 3/6 tại Hà Nội, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho hay, 2016 được chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp, do đó, khởi nghiệp thành công trong môi trường chuyên nghiệp là điều kiện cần để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, các công ty start-up sẽ góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp để thay đổi vị thế và tăng trưởng Việt Nam trên toàn thế giới.

Tạo nên môi trường cho start-up, vườn ươm doanh nghiệp và các hệ sinh thái, theo anh Bình, Chính phủ cần đưa ra các cơ chế thuận lợi về thủ tục, số hóa quy trình quản lý điện tử. Đồng thời, chú trọng đãi ngộ thỏa đáng và tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo.

"Chúng ta chỉ có hai kịch bản: một là theo kịp Cách mạng số, hoặc bị bỏ rơi như từng bỏ rơi 3 cuộc cách mạng trước đó. Điều cần làm là Việt Nam cần có khát vọng và ý chí để theo kịp Cách mạng số. Và tôi cho rằng, kinh tế số và khởi nghiệp (start-up) chính là câu trả lời cho thách thức và cơ hội đó", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.

Từ tháng 5/2015, FPT đã ra mắt Quỹ đầu tư khởi nghiệp (FPT Ventures), hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư và là nơi ươm mầm cho các startup bằng việc cung cấp tiền mặt, nguồn lực cũng như kỹ năng về công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Quỹ sẽ đưa ra quyết định đầu tư chỉ trong vòng 4 tháng kể từ ngày ý tưởng được gửi đi và yêu cầu của FPT Ventures với các nhà sáng lập là cam kết trong vòng ít nhất 5 năm phải xây dựng được thành một công ty lớn.

Hiện FPT Ventures đầu tư ngay trong nội bộ tập đoàn và các khởi nghiệp bên ngoài, gồm: ANTS, dự án bảo mật CyRadar, Ứng dụng di động dạy phát âm tiếng Anh Elsa… 

>> Chủ tịch FPT chỉ ra 3 điểm yếu của lao động Việt Nam

Thiên Bình (tổng hợp)

Ý kiến

()