Chúng ta

Chủ tịch FPT chỉ ra 3 điểm yếu của lao động Việt Nam

Chủ nhật, 5/6/2016 | 09:08 GMT+7

Chưa giỏi ngoại ngữ, kiến thức về đa ngành còn hạn chế và chưa quen bán hàng ra thế giới là những yếu điểm của lao động Việt Nam, cản trở sự phát triển của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam hiện nay.

Các chuyên gia nhận định lợi thế của doanh nghiệp CNTT Việt khi vươn ra nước ngoài là chi phí nhân lực rất cạnh tranh. Số liệu của mạng việc làm Jobstreet.com cũng chỉ ra rằng, mức lương của nhân sự Việt, trong đó có người làm CNTT khá thấp so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, tiêu biểu là Singapore và Malaysia. 

Theo JobStreet.com, một trong những lý do khiến mức lương lao động Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực là do năng suất lao động của người Việt chưa cao. Bởi theo báo cáo của ILO, chỉ có 1/5 lực lượng lao động tại Việt Nam được đào tạo chuyên môn.

Theo anh Bình, Chưa giỏi ngoại ngữ, tính chuyên môn về đa ngành còn hạn chế và chưa quen bán hàng ra thế giới là những yếu điểm của lao động Việt Nam,

Theo anh Bình, chưa giỏi ngoại ngữ, kiến thức đa ngành còn hạn chế và chưa quen bán hàng ra thế giới là những yếu điểm của lao động Việt Nam. Ảnh: H.D.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã thẳng thắn chỉ rõ có 3 điểm yếu lớn của lao động Việt Nam, cản trở sự phát triển của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam hiện nay. Thứ nhất là ngoại ngữ, kể cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Đây là điểm thua thiệt của Việt Nam so với những nước như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines. Điểm yếu thứ hai là trình độ chuyên môn. Ngoài chuyên môn về CNTT, khi làm phần mềm còn phải nắm vững kiến thức của nhiều ngành khác như: năng lượng, dầu khí, hàng không, vận tải, y tế, giáo dục… Điều này nhân lực phần mềm Việt Nam còn rất thiếu. Và điểm yếu thứ ba là nhân lực Việt Nam chưa quen bán hàng ra thế giới.

Trong báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của ngành trong thời gian qua, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, trong 5 năm từ 2011 - 2015, nhân lực CNTT Việt Nam ngày càng tăng về số lượng và nâng cao hơn về chất lượng. Đến nay đã đạt gần 200.000 lao động làm việc trong ngành phần mềm, dịch vụ CNTT và nội dung số.

Tuy nhiên, VINASA cũng đánh giá, một trong những hạn chế lớn, đã và đang cản trở sự phát triển của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng vẫn là một. Cụ thể, dự tính nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 400.000 người, trong khi toàn bộ hệ thống 290 trường đại học, cao đẳng và khoảng 150 cơ sở đào tạo về CNTT trên cả nước hiện chỉ có khả năng cung ứng khoảng 250.000 người. Cùng với đó, chất lượng kiến thức, kỹ năng chuyên môn và trình độ ngoại ngữ của sinh viên mới ra trường rất hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải mất 3-6 tháng để đào tạo nhân viên mới trước khi chính thức làm việc.

Chính sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đã dẫn đến tình trạng tranh giành nhân lực giữa các doanh nghiệp, tỷ lệ người lao động nhảy việc ngày càng cao, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời làm tăng giá nhân công lao động, giảm năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ngành với các nhà đầu tư.

>> Chủ tịch FPT nói về kinh tế số

Thiên Bình (tổng hợp)

Ý kiến

()