Chúng ta

FPT tăng gần 1.500 tỷ đồng vốn điều lệ sau hơn một năm

Thứ năm, 13/6/2019 | 10:52 GMT+7

Vốn điều lệ mới của FPT là hơn 6,7 nghìn tỷ đồng.

FPT vừa báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM về việc thay đổi thông tin công bố vốn điều lệ. Theo đó, FPT ghi nhận số vốn điều lệ mới là 6.783.586.880.000 đồng. 

Việc tăng vốn của FPT được thực hiện thông qua phát hành hơn 61,6 triệu cổ phần trả cổ tức bằng cổ phiếu, với tổng mệnh giá phát hành hơn 616 tỷ đồng. Số lượng phát hành tương ứng với 10% vốn điều lệ. Vốn phát hành được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2018 trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Cùng thời điểm, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của FPT do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp cũng ghi nhận thay đổi lần thứ 46. Thông tin được công bố bất thường và đã được thông báo trên website công ty.

fpt-telecom-vnpt-viettel-cung-7773-4676-

Sau khi thoái vốn khỏi mảng Phân phối và Bán lẻ, FPT trở thành công ty thuần công nghệ - viễn thông và giáo dục.

Trước đó, FPT đã phát hành hơn 3 triệu cổ phiếu ESOP, nâng tổng lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành lên hơn 616,6 triệu đơn vị. Tương ứng tổng số tiền chi trả cổ tức đợt này hơn 616,6 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, FPT cũng thông qua phương án phát hành hơn 61,66 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 10 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 616,6 tỉ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế để lại cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thực hiện trong tháng 6.

Trong phiên giao dịch hôm nay (ngày 13/6), cổ phiếu FPT giao dịch ở mức 45.100 đồng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019, FPT đặt mục tiêu 26.660 tỉ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 16% từ 3.858 tỉ đồng lên 4.460 tỷ đồng. Theo số liệu mới nhất, sau 4 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT tăng trưởng 19,4% và 22,6% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 7.791 tỉ đồng và 1.342 tỉ đồng, tương đương 101% và 111% kế hoạch lũy kế.

Mới đây, lần đầu ra mắt giới đầu tư TP HCM ở vị trí CEO FPT trong sự kiện “Chuyển đổi số tại thị trường toàn cầu – cơ hội của FPT” tổ chức đầu tháng 6, anh Nguyễn Văn Khoa lần lượt trình bày về 3 trụ của FPT: nguồn lực, công nghệ và chuyển đổi số; tình hình kinh doanh của các mảng: Viễn thông, Giáo dục và bức tranh tài chính FPT 3 năm tới.

fpthinh1-anlp-jpeg-1289-155973-4102-5404

CEO FPT trình bày bức tranh tài chính FPT trong 3 năm tới.

Tổng giám đốc FPT cho rằng, với nguồn lực hiện có, mảng kinh doanh chuyển đổi số của FPT sẽ đóng góp rất lớn, thậm chí có thể chiếm đến 50% doanh thu của Tập đoàn trong 5–10 năm tới. “FPT sẽ đi rất sâu vào công nghệ”, người điều hành nhà F khẳng định. Dự kiến khối công nghệ sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu, đóng góp 60% doanh thu của Tập đoàn vào năm 2021. Thị trường nước ngoài sẽ chiếm 73% doanh thu khối công nghệ.

Tỷ trọng đóng góp của khối công nghệ từ mức 58% cho giai đoạn 2016–2018 sẽ tăng lên 60% cho giai đoạn 2019 – 2021. Theo lãnh đạo FPT, mặc dù chỉ tăng thêm 2% sau 3 năm nhưng để nâng tỷ trọng đóng góp của mảng này lên đòi hỏi FPT phải chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, và thời gian phải “chín muồi”.

>> ‘Doanh thu khối công nghệ FPT đạt 1 tỷ USD năm 2021 là ‘hơi khiêm tốn’

Huyền Trang

Ý kiến

()