Lần đầu ra mắt giới đầu tư TP HCM ở vị trí CEO FPT trong sự kiện “Chuyển đổi số tại thị trường toàn cầu – cơ hội của FPT”, anh Nguyễn Văn Khoa lần lượt trình bày về 3 trụ của FPT: nguồn lực, công nghệ và chuyển đổi số; tình hình kinh doanh của các mảng: Viễn thông, Giáo dục và bức tranh tài chính FPT 3 năm tới.
CEO FPT trình bày bức tranh tài chính FPT trong 3 năm tới. |
Tổng giám đốc FPT cho rằng, với nguồn lực hiện có, mảng kinh doanh chuyển đổi số của FPT sẽ đóng góp rất lớn, thậm chí có thể chiếm đến 50% doanh thu của Tập đoàn trong 5–10 năm tới. “FPT sẽ đi rất sâu vào công nghệ”, người điều hành nhà F khẳng định. Dự kiến khối công nghệ sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu, đóng góp 60% doanh thu của Tập đoàn vào năm 2021. Thị trường nước ngoài sẽ chiếm 73% doanh thu khối công nghệ.
Tỷ trọng đóng góp của khối công nghệ từ mức 58% cho giai đoạn 2016–2018 sẽ tăng lên 60% cho giai đoạn 2019 – 2021. Theo lãnh đạo FPT, mặc dù chỉ tăng thêm 2% sau 3 năm nhưng để nâng tỷ trọng đóng góp của mảng này lên đòi hỏi FPT phải chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, và thời gian phải “chín muồi”.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư rằng 1 tỷ USD từ mảng công nghệ cho năm 2021 có tham vọng quá không, Phó Tổng giám đốc FPT - anh Nguyễn Thế Phương cho hay, năm 2018, doanh thu khối công nghệ của FPT là hơn 600 triệu USD, trong vòng 3 năm tới, mảng này đạt 1 tỷ USD, tương đương với tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ hơn 20%/năm.
Theo PTGĐ FPT Nguyễn Thế Phương, số liệu doanh thu 2018 mảng công nghệ là hơn 500 triệu USD, mục tiêu 1 tỷ USD trong 3 năm tới tương đương tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 20%, trong khi quy mô thị trường rất lớn. |
“Như các lãnh đạo FPT đã nêu trong phần trình bày trước, quy mô thị trường là rất lớn nhưng Ban điều hành FPT vẫn muốn trình bày với các nhà đầu tư một phương án tương đối khả thi nên con số 1 tỷ USD dù nhiều lãnh đạo nhà F cho rằng đây là một mục tiêu hơi khiêm tốn. Với tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ hơn 20%/năm chúng tôi hoàn toàn có thể đạt được”, anh Phương nhấn mạnh.
Chia sẻ với nhà đầu tư tại Hội nghị được tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) chiều 31/5, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, trọng tâm phát triển trong những năm tới của FPT là công nghệ vì hiện tập đoàn có một thị trường gần như không giới hạn trên thế giới.
Báo cáo của IDC (2018) cho thấy, dịch vụ công nghệ thông tin kỳ vọng tốc độ tăng trưởng bình quân 2,6%/năm, từ mức 3.474 tỷ USD năm 2018 lên mức 4.046 tỷ USD năm 2021. Trong khi đó, chuyển đổi số (DX – Digital Transformation) toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân 16,7%/năm, qua đó quy mô thị trường sẽ đạt mức 1.702 tỷ USD vào năm 2021, từ mức 1.071 tỷ năm 2018; tăng trưởng cao hơn rất nhiều lần tăng trưởng của ngành dịch vụ công nghệ thông tin.
Để chuẩn bị cho thời cơ mới, không chỉ chuẩn bị nhân sự chất lượng cao, FPT đã tăng cường hợp tác quốc tế ở hầu hết các thị trường quan trọng như ở Nhật Bản FPT đi cùng với SCSK thuộc Tập đoàn Sumitomo, ở Mỹ FPT đi cùng Intellinet sau thương vụ M&A năm 2018.
“Lãnh đạo cao nhất của Airbus nói với tôi rằng, mọi công nghệ mà Airbus quan tâm FPT đều có”, anh Bình dẫn câu chuyện. Theo anh, mỗi thị trường đều có những cơ hội riêng, và chúng tôi thấm nhuần rằng để tồn tại bền vững quan trọng nhất là tôn trọng văn hóa bản địa. Chúng tôi có lợi thế về am hiểu văn hoá Nhật, Mỹ, Đức, Pháp… để tiếp cận thị trường. |
Đối với rủi ro của chuyển đổi số, theo anh Trương Gia Bình, FPT có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường. Vì vậy, FPT đang vạch ra lộ trình phát triển nguồn nhân lực nội tại lớn nhất. Lãnh đạo nhà F cũng thông tin, 3 khách hàng lớn nhất của FPT về chuyển đổi số là Innogy SE với hợp đồng trị giá 115 triệu USD, một công ty ở Pháp với giá trị hợp đồng khoảng 40 triệu USD, một công ty ở Nhật Bản với giá trị hợp đồng khoảng 30 triệu USD.
Riêng với thị trường trong nước, xu hướng chuyển đổi số (DX – Digital Transformation) chưa rõ nét, do đó tương lai gần sẽ tập trung khai thác xu thế toàn cầu, nơi có khoảng 90% các tổ chức và doanh nghiệp có kế hoạch triển khai chuyển đổi số; với 32% các nhà quản lý công nghệ thông tin khẳng định DX đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận cao.
Dù là chiều muộn thứ sáu nhưng phần hỏi đáp luôn có nhiều cánh tay giơ lên đăng ký đặt câu hỏi. Nhà đầu tư ấn tượng với chia sẻ đầy năng lượng của lãnh đạo FPT. Một nhà đầu tư có quê Bình Định quan tâm Campus FPT bao gồm Giáo dục và Phần mềm, ở Quy Nhơn dự kiến hoàn thành thời gian nào, EPS và 1 tỷ USD cho năm 2020 có tham vọng quá không? |
Thực tế, công cuộc này đã được FPT đã thực hiện từ nhiều năm trước, hiện lợi thế Tập đoàn có được là trên 100 khách hàng trong Fortune Global 500, quy mô dự án vượt 100 triệu USD…Tính đến hiện tại, cứ 10 doanh nhân trong nhóm khách hàng tiềm năng đã có 9 người làm, và 1/3 số CEO này thừa nhận kết quả cao", Chủ tịch FPT cho biết.
Theo Giám đốc điều hành (COO) FPT Software - anh Trần Đăng Hòa một trong những trọng tâm quan trọng trong lĩnh vực công nghệ của FPT là cung cấp dịch chuyển đổi số cho các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Hiện nay có hơn 100 khách hàng, tại 45 quốc gia là những công ty nằm trong Top 500 doanh nghiệp có doanh số hàng đầu trên thế giới.
Thị trường chính đang tập trung tại Nhật, Mỹ, châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), trong đó Nhật chiếm tỷ trọng cao nhất với 56%, doanh thu tăng trưởng 30% trong năm vừa qua. Tiếp đến là Mỹ chiếm 23% với mức tăng trưởng 55%. “EU vốn phát triển khá chậm trong mười năm qua nhưng năm vừa rồi chúng tôi có thêm mười khách hàng. Khối lượng công việc trong một năm tương đương mười năm trước cộng lại”, anh Hòa nói.
Một trong những khách hàng lớn của FPT là Toyota, hiện FPT có đội ngũ hơn 1.200 kỹ sư phục vụ cho Toyota. FPT cũng đang thảo luận cùng Airbus và Palantir để chuyển đổi số cho các hãng hàng không trên thế giới lên nền tảng của Airbus. “Ngoài Toyota hay Airbus, FPT Software có khoảng 100 khách hàng. Trung bình một khách hàng chi tiêu khoảng 5 tỉ USD cho công nghệ, trong khi đó FPT chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ,” anh Hòa cho biết.
Bổ sung câu hỏi của nhà đầu tư, COO FPT Software Trần Đăng Hoà nhấn mạnh, năm nay chỉ riêng FPT Software sẽ cán mốc doanh số khoảng 500 triệu USD nên vài năm nữa doanh thu gấp đôi (mốc 1 tỷ USD thuần công nghệ) là khả thi. |
Tuy nhiên, tham vọng lớn luôn đi cùng thách thức lớn. Các nhà đầu tư đặt hỏi về rủi ro FPT đã, đang và sẽ đối mặt; Liệu rằng, doanh thu có "gom" về một nhóm, nếu một ngày nhóm này đủ mạnh để tách ra làm riêng FPT sẽ làm gì? Chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu, liệu việc giữ chân nhân tài có khó khăn khi nhiều tập đoàn lớn sẽ chi mạnh để thu hút nhân lực?
Chia sẻ về rủi ro FPT phải giải quyết trên hành trình DX, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết: "Rủi ro duy nhất trong cuộc chuyển đổi số chỉ là vấn đề nhân lực, chúng ta có đủ nguồn nhân lực hay không?". Với mục tiêu của FPT 10 năm sẽ thuộc Top 50 công ty làm dịch vụ chuyển đổi số quy mô toàn cầu, cơ cấu đầu tư theo đó sẽ tập trung mảng công nghệ. Tuy nhiên bước đệm sẽ phải có nguồn nhân lực.
Do vậy, trước mắt FPT sẽ đẩy mạnh mảng nhân lực, nhân rộng quy mô, phần mềm quản lý khắp Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực trẻ nội địa. Hiện, FPT đang thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nguồn này không chỉ ở Việt Nam mà còn liên kết giáo dục với các quốc gia khác như Nhật, Mỹ…
Đồng thời, FPT cũng sẽ thông qua M&A để thúc đẩy nhanh nhất lộ trình xây dựng được nguồn nhân lực cần thiết. Dự kiến, Tập đoàn sẽ tuyển sinh 100.000 học sinh đến năm 2021 với 90% thuộc bậc đại học – cao đẳng. FPT mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục Mega Education, từ đa ngành, đa trình độ, đa phân khúc đến đa phương thức, đa vị trí. Các ngành Tập đoàn hướng đến đào tạo bao gồm CNTT, Kỹ thuật phần mềm, AI, IoT… phủ rộng từ bậc phổ thông đến sau đại học, thông qua cả kênh truyền thống (trực tiếp) và trực tuyến (FUNiX).
Tổng kết lại hơn 3 thập kỷ phát triển, Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng, việc nhân sự FPT đầu quân cho đơn vị khác là ‘chuyện thường ở huyện’ và xem đó là một cách tham gia đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực trong ngành CNTT của nước nhà. “Trước kia, chúng tôi tự nguyện đóng góp cho cộng đồng, nhưng nay, với nhu cầu tăng trưởng quá lớn, có khi cũng phải vì mình trước nên FPT đưa ra chính sách để đảm bảo giữ người. Với FPT Softwaree, các lập trình viên đã bắt đầu được hỗ trợ nhà. Có thể sắp tới là xe hơi. Chúng tôi muốn các bà vợ giữ ông chồng ở lại làm đàng hoàng, không vì một lời chào ngắn hạn mà bỏ đi", anh Bình nhấn mạnh.
>> FPT Retail lần đầu lọt Top công ty niêm yết tốt nhất của Forbes
Hà An
Ý kiến
()