Trong danh sách Top 50 công ty niêm yết tốt nhất do tạp chí chuyên về kinh doanh vừa công bố sáng nay (ngày 3/6), FPT lần thứ 7 là công ty công nghệ duy nhất và được đánh giá là tập đoàn dẫn dắt lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam. Trong khi đó, FPT Retail lần đầu lọt Top 50 sau hơn 1 năm lên sàn (ngày 26/4/208).
Theo Forbes Việt Nam, sau khi thoái vốn khỏi mảng bán lẻ và phân phối, doanh thu năm 2018 của FPT giảm hơn 54%. Tuy nhiên, nếu bóc tách kết quả hoạt động của FPT Retail và FPT Syntex, doanh thu của tập đoàn công nghệ thông tin số 1 Việt Nam tăng 17,4%. Biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 37,8%, tăng mạnh do không còn hợp nhất kết quả từ mảng bán lẻ. Sau khi tái cơ cấu, FPT tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin, viễn thông và giáo dục. Mảng công nghệ giữ vai trò dẫn dắt trong chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn khi đem về doanh thu 13.402 tỉ đồng, chiếm hơn 57%.
FPT lần thứ 7 liên tiếp là công ty công nghệ duy nhất được Forbes Việt Nam vinh danh Top 50. Ảnh Trưởng ban Truyền thông FPT - chị Bùi Nguyễn Phương Châu nhận danh hiệu tôn vinh từ ông Phạm Phú Ngọc Trai (phải), cố vấn ban biên tập Forbes Việt Nam và ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch Công ty Truyền thông Tương Tác, đơn vị đại diện thương mại của Forbes Việt Nam hồi năm 2018. Ảnh tư liệu. |
Mảng dịch vụ viễn thông và nội dung số thuộc khối viễn thông cũng tăng trưởng 15% với doanh thu ghi nhận 8.831 tỉ đồng, chiếm 38% tổng doanh thu. Năm 2018 đánh dấu nhiều chuyển biến đáng kể của FPT khi mua 90% cổ phần của Intellinet, công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh tại Mỹ, hay ký hợp đồng có tổng giá trị 115 triệu đô la Mỹ với innogy SE, tập đoàn năng lượng châu Âu nhằm cung cấp các giải pháp trên nền tảng công nghệ SAP, IoT và các nền tảng chuyển đổi số tập đoàn này.
“Giai đoạn 2019 - 2021, FPT giữ định hướng chiến lược tập trung vào mảng chuyển đổi số. Cũng trong đại hội cổ đông, FPT ra mắt đội ngũ lãnh đạo trẻ nhưng đã có thời gian gắn bó lâu dài với FPT”, Forbes Việt Nam nhận định.
Trong khi đó, với FPT Retail, năm 2018 đạt lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỉ đồng, tăng trưởng 20% trong khi doanh thu tăng 16% so với 2017. Tập đoàn FPT, công ty công nghệ thông tin tư nhân lớn nhất Việt Nam, thoái vốn đã đưa FPT Retail từ năm 2018 thành công ty liên kết thay vì công ty con. FPT Retail hiện sở hữu ba chuỗi bán lẻ là FPT Shop, F.Studio by FPT và hệ thống nhà thuốc Long Châu (FPT Long Châu), với 575 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành vào cuối quý I/2019.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch Công ty Truyền thông Tương tác (Forbes Việt Nam) và bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng biên tập báo Văn hóa, trao giải "Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019" do Forbes Việt Nam trao tặng Chủ tịch kiêm CEO FPT Retail ngày 23/5. Tại FPT, chị Nguyễn Bạch Điệp được mệnh danh là "người đàn bà thép" do tính quyết đoán trong công việc. |
“Trong bối cảnh thị trường thiết bị di động có dấu hiệu chậm lại, chuỗi bán lẻ dược phẩm FPT Long Châu chuyên bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh, theo kế hoạch trong năm 2019 sẽ có 76 cửa hàng, trong đó có 50 cửa hàng mở mới”, báo cáo đánh giá.
Sau bảy năm hoạt động, với gần 6.000 nhân viên, FPT Retail hiện đứng thứ hai về thị phần bán lẻ điện thoại, đứng đầu về thị phần máy tính xách tay tại Việt Nam liên tục từ 2015 đến nay. FPT Retail là nhà bán lẻ Apple chính hãng hàng đầu tại Việt Nam. FPT Shop vẫn là nhà bán lẻ hiệu quả nhất tính trên diện tích mặt sàn kinh doanh, doanh thu mang lại đạt 14.523 USD Mỹ/m², vượt trội so với các đối thủ trong tốp 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Theo thống kê của Forbes Việt Nam, 50 công ty trong danh sách đạt 127.530 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 19,2%. Tổng giá trị vốn hóa 50 công ty đạt 94 tỷ đô la Mỹ, tương đương 63% vốn hóa hai sàn niêm yết vào trung tuần tháng 5.2019.
Nhóm các công ty dẫn đầu đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Chẳng hạn, sau ba năm liên tiếp Vinamilk dẫn đầu thị trường về lợi nhuận thì năm qua Vietcombank đã vượt qua công ty sữa, trở thành quán quân về lợi nhuận sau thuế khi tăng trưởng 60%.
Nửa cuối năm 2018 và đầu năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều thương vụ IPO tầm cỡ, ngoại trừ một số tên tuổi đáng chú ý như Việt Nam Airlines và tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (chuyển từ Upcom sang niêm yết trên HSX).
Năm 2019, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu thuần 17.770 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 418 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Do biến động của chỉ số chứng khoán, làn sóng các công ty niêm yết có dấu hiệu chững lại. Trong danh sách lần này, đóng góp nhiều đại diện vẫn là các nhóm ngành bất động sản – xây lắp, logistics, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nguyên vật liệu xây dựng… Xét theo sàn, như thường lệ HSX chiếm áp đảo với 45 đại diện, HNX có năm đại diện. Danh sách năm nay có 13 sự thay đổi, trong đó có 11 cái tên lần đầu tiên xuất hiện, hai công ty quay lại danh sách.
Danh sách thường niên Top 50 của Forbes Việt Nam nhằm mục đích lựa chọn và vinh danh những công ty tốt nhất trên sàn chứng khoán, dựa trên các thông tin tài chính về doanh thu, lợi nhuận đem về cho nhà đầu tư, tốc độ tăng trưởng và triển vọng lâu dài của công ty trong các ngành kinh tế.
FPT, Vingroup, Masan, Hòa Phát… là các doanh nghiệp tư nhân nổi bật liên tục lọt danh sách, bên cạnh những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa như Vinamilk, Bảo Việt, Cơ Điện Lạnh (REE), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Dược Hậu Giang…
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng thể hiện rõ nét qua quy mô, doanh số và vai trò đầu tàu trong một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong danh sách do Forbes Việt Nam công bố trong giai đoạn 2013–2018, có 18 công ty sáu lần liên tiếp có mặt, trong đó có FPT. “Điểm chung của các doanh nghiệp này là bám sát năng lực kinh doanh cốt lõi để xây dựng lợi thế cạnh tranh có tính bền vững”, tạp chí này nhận định.
>> FPT Retail muốn lấn sân mảng giao nhận hàng hóa
Hà An
Ý kiến
()