Chúng ta

FPT Retail muốn nhảy vào mảng giao nhận hàng hóa

Chủ nhật, 2/6/2019 | 10:51 GMT+7

Nhà Bán lẻ sẽ ĐHCĐ bất thường năm 2019 để bàn việc bổ sung lĩnh vực chuyển phát thư tín, giao nhận hàng hóa.

HĐQT FPT Retail vừa thông báo kỳ ĐHCĐ bất thường năm 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 18/6 tại FPT Tân Thuận (quận 7, TP HCM) và FPT Cầu Giấy (HN) qua hình thức trực tuyến. Nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc quyết định bổ sung ngành nghề kinh doanh mới, sẽ được thảo luận tại đại hội cổ đông bất thường năm 2019 của nhà Bán lẻ. Đây là kỳ ĐHCĐ thứ 2 trong năm 2019 của đơn vị, sau cuộc họp thường niên cuối tháng 3 vừa qua.

Theo tài liệu kỳ họp vừa được công bố, HĐQT FPT Retail đề xuất bổ sung lĩnh vực hoạt động chuyển phát thư tín, hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu để tận dụng các nguồn lực sẵn có của công ty (mạng lưới cửa hàng rộng khắp cả nước, nguồn nhân lực lớn…) nhằm tăng hiệu quả kinh doanh.

MNN-08-1486-1559447415.jpg

Đoàn xe FPT Shop trong một sự kiện.

Cùng thời điểm, hãng Grant Thornton vừa công bố báo cáo khảo sát Triển vọng Đầu tư tư nhân 2019 tại thị trường Việt Nam, trong đó chia sẻ và đánh giá về cơ hội của 4 ngành có tiềm năng thu hút đầu tư nhất, trong đó có giao nhận – vận tải. Sự bùng nổ của thương mại điện tử và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (CTTPP, EU-VN...) thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong tương lai.

Trong khi đó, hệ thống FPT Shop và Long Châu hiện có gần 550 cửa hàng trên toàn quốc là một lợi thế. Mới đây, FPT Retail thử nghiệm 2 dự án chuẩn bị cho bước tăng trưởng mới là: bán hàng điện máy, gia dụng; bổ sung tính năng mua hàng trên Amazon Mỹ, Đức, Nhật.

Đại diện nhà Bán lẻ khẳng định, tất cả sản phẩm trên trang đều là hàng hóa được thông quan hợp pháp. Theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên, Fado - đối tác của FPT Shop - sẽ chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hàng hoá, còn Bán lẻ nhà F đảm nhận dịch vụ cung ứng hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, tương tác với khách hàng trong nước.

Chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Bạch Điệp cho hay, việc bán hàng xuyên biên giới cũng như hàng điện máy, gia dụng cho Nguyễn Kim là một trong các dự án FPT Retail đang tìm tòi, thử nghiệm… Sau một thời gian, nhà Bán lẻ mới đánh giá và quyết định lựa chọn những dự án nào hiệu quả để phát triển mạnh hơn. “Có rất nhiều lý do để thử nghiệm, trong đó mảng điện thoại bão hoà là điều không phủ nhận, tức tốc độ tăng trưởng chậm hơn khi thị trường đã đạt đến một độ lớn nhất định”.

Theo ‘nữ tướng’ nhà Bán lẻ, gần đây đơn vị cũng đã thử nghiệm và chính thức triển khai mảng bán lẻ thuốc. Dự kiến vài năm tới lĩnh vực mới sẽ tăng trưởng, thậm chí đóng vai trò dẫn dắt chính. "Tuy nhiên, FPT Retail không dừng lại ở câu chuyện chờ mảng nhà thuốc tăng trưởng xong mới đi tìm cái mới nữa, như vậy là chậm chân", chị Điệp nói và ví von, cách làm này giúp đơn vị chủ động khi “mảng nhà thuốc bước vào giai đoạn ‘thanh xuân’, FPT Retail sẽ khởi nghiệp một lĩnh vực mới”. 

Trước khi bắt đầu một mảng mới, nhà Bán lẻ đều nghiên cứu kỹ để đảm bảo ngành mới phải thực sự đủ lớn nhằm đầu tư một cách rất nghiêm túc bởi FPT Retail không chọn phương án làm tạm, làm đại. Với trường hợp bán hàng cho Nguyễn Kim, chị Điệp lý giải cách này hơi ‘khác một chút. “FPT Shop có sẵn dữ liệu khách hàng, hạ tầng, hệ thống phân phối… hàng điện máy giống như một ngành thêm của công ty". Cách làm này cũng phù hợp phương châm của FPT Retail là với những gì hiện có mình có tận dụng thêm được không, để khách hàng có thể có thêm nhiều "món ăn" khác. Trong quan hệ với Nguyễn Kim, FPT Retail hợp tác nhằm khai thác thế mạnh của nhau, đồng thời cho khách hàng hai bên thêm lựa chọn.

Nhưng với mua hàng quốc tế, xuất phát từ thực tế rất nhiều người Việt có nhu cầu mua hàng nước ngoài nhưng chưa tìm được ở trong nước, hoặc giá thị trường quá cao hay trở ngại trong việc thanh toán khi chỉ 10% người Việt sở hữu thẻ tín dụng. Thêm mữa, đặt hàng ở nước ngoài thường phải chờ lâu, chi phí vận chuyển cao hay nhiều trường hợp mất thời gian để làm thủ tục lấy hàng… Sau thời gian tìm hiểu, FPT Retail quyết định làm dịch vụ cung ứng hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam đáp ứng cung - cầu thị trường, đồng thời công ty cam kết hoàn thành đặt hàng chắc chắn sản phẩm sẽ về, giảm thiểu rủi ro mất hàng. Với khách hàng chưa có thẻ tín dụng, vẫn có thể thông qua FPT Retail để đặt hàng.

“FPT Retail hiện đã có bộ phận ở nước ngoài để làm việc với nhà cung cấp, đảm bảo kho hàng sau đó chuyển về Việt Nam”, chị Điệp khẳng định.

>> Nguyễn Bạch Điệp - từ nhân viên thực tập đến 'nữ doanh nhân quyền lực'

Năm 2019, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu thuần 17.770 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 418 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên Văn

Ý kiến

()