Chúng ta

‘Doanh nghiệp cần bắt cơ hội từ thời kỳ ‘Phục Hưng mới’ sau đại dịch’

Thứ tư, 6/5/2020 | 15:03 GMT+7

Tại toạ đàm “Định hướng mới thời kỳ hậu Covid-19”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ, thế giới đã bước vào thời giống giai đoạn Phục Hưng sau bệnh dịch hạch ở châu Âu thế kỷ 15-17, và giờ đây nhân loại có thể dễ bước vào giai đoạn tương tự từ đại dịch Covid. Các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội”.

Sáng ngày 5/5, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cùng các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ tham gia toạ đàm “Định hướng mới thời kỳ hậu Covid-19”. Chương trình nhằm thảo luận và đưa ra những kiến nghị gửi đến Thủ tướng tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 9/5 tới.

Tham gia toạ đàm, Chủ tịch FPT ví đại dịch Covid-19 như bệnh dịch hạch ở châu Âu, từng là bước ngoặt đưa thế giới vào thời Phục Hưng. Dịch Covid-19 có nhiều điểm tương tự với bệnh dịch hạch ở châu Âu từng được gọi là "Cái chết đen". Mỗi doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội lần này khi một lần nữa thế giới dễ bước vào thời Phục Hưng mới sau đại dịch Covid.

“Covid là cú hích đẩy thế giới thay đổi nhanh và khổng thể quay về vị trí cũ”, anh Bình nhận định. Với sự thay đổi mới trong tương lai của thế giới, doanh nghiệp có thể không đủ sức khôi phục lại đế chế trong quá khứ.

640-Anh-bi-nh-4827-1588738906.png

Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội phát triển sau Covid. Ảnh: FLC Group.

Nhận định về thách thức của đại dịch, Chủ tịch FPT nhắc đến sự nguy hiểm của ba loại virus: virus gây bệnh Covid-19, virus sợ hãi và virus tiêu dùng tối thiểu. Đầu tiên, virus nCoV gây ra đại dịch Covid-19. Tuy là loại virus rất bé nhưng biến đổi khá nhanh nên chúng ta kiểu gì cũng gặp lại và có thể phải chấp nhận miễn nhiễm cộng đồng, tức là 60% dân số phơi nhiễm rồi mới miễn nhiễm. Lúc đó mới có hậu Covid. Anh Bình cho rằng, Việt Nam đã rất thành công trong giai đoạn vừa rồi, nhưng khi chưa có vaccine hay miễn nhiễm thì dịch vẫn có thể bùng phát.

Virus thứ hai là virus sợ hãi. Đây là loại virus dễ lan truyền nhanh trong thời đại Internet bùng nổ hiện nay. "Hôm nay chúng ta vui nhưng ngày mai có một người chết thì virus sợ hãi sẽ khiến chúng ta co rúm lại. Và chúng ta không biết xử lý như thế nào", anh Bình nói.

Loại virus thứ ba là tiêu dùng tối thiểu. 2019 là một năm đẹp đẽ, tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, khi dịch xảy ra, nhìn những hàng dài đứng trước ATM gạo, chúng ta có thể thấy nhu cầu tiêu dùng co rút lại vào tối thiểu. Điều này đang xảy ra trên quy mô toàn cầu. “Khi nhu cầu rút vào tối thiểu thì rất khó để xây dựng nền kinh tế", anh Bình nhận định.

Hai loại virus thứ 2 và 3 có thể kéo dài 3-5 năm nên các doanh nghiệp cần ứng phó trên 3 mặt trận: chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp và chống thất nghiệp. Việc truyền cảm xúc, hành động tới hàng nghìn CBNV là rất quan trọng. Trước dịch, tổ chức tạo điều kiện cho CBNV có cuộc sống hạnh phúc thì giờ là lúc mỗi người cần làm việc bằng 2 với thu nhập sụt giảm. “Doanh nghiệp phải chuyển sang quản lý theo tuần, phản ứng theo ngày và lãnh đạo phải tự quyết, chịu trách nhiệm, phát huy tinh thần tự cứu mình". Bên cạnh đó, với sức lực đang còn, doanh nghiệp sẽ phải cứu từng mục một của tổ chức. Theo anh Bình, cách cứu là chuyển vào thế giới số, thế giới không phụ thuộc vào Covid.

Ngoài ra, "chúng ta đã có Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch hoạt động rất hiệu quả. Vì vậy rất cần có Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế và thất nghiệp. Ban này nên có sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Ban chỉ đạo sẽ đưa ra các quyết sách đặc thù và đặc biệt không hồi tố, hành động như thời chiến", anh Bình kiến nghị.

Trước đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới, ngày 13/4, trong email gửi toàn dân, Chủ tịch FPT khẳng định tập đoàn không có lựa chọn nào khác ngoài chuyển mình từ thời bình sang thời chiến. Người FPT cần khẩn trương thực thi 10 chuyển đổi (gọi tắt là Chuyển 10) để hướng đến hai mục tiêu lớn: "Không người FPT nào mất việc. FPT đứng vững và trở nên mạnh mẽ hơn".

Chuyển 10 gồm các nguyên lý: bảo vệ tính mạng, đồng thời bảo đảm công việc không bị gián đoạn bằng cách làm việc tại nhà (Work From Home - WFH); bình tĩnh “sống chung với lũ”, phản ứng nhanh nhạy trước biến động; tài chính đảm bảo "sinh tồn"; mỗi người làm việc bằng hai; đẩy mạnh cố kết nội bộ nhằm nắm bắt các cơ hội mới; sẵn sàng chia sẻ khó khăn tài chính; đặt lợi ích tổ chức trên lợi ích cá nhân, lợi ích của Tập đoàn trên lợi ích đơn vị thành viên, thực thi "quân lệnh như sơn"; triển khai OKR hội tụ và nhất quán…. “Nắm tay nhau, chúng ta rực sáng lên tinh thần 'Mỗi người vì FPT, FPT vì mỗi người'”, anh Bình nhấn mạnh.

>> FPT yêu cầu tiếp tục tinh thần thời chiến

Hà Trần

Ý kiến

()