Chúng ta

Chủ tịch FPT: ‘Thành phố thông minh phải lấy người dân làm gốc’

Thứ tư, 23/10/2019 | 15:23 GMT+7

Theo Chủ tịch FPT kiêm Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình, việc xây dựng thành phố thông minh bên cạnh vấn đề công nghệ và tài chính thì cần phải lấy sự hài lòng người dân làm gốc và thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

UBND TP Đà Nẵng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTTViệt Nam (VINASA) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thành phố thông minh - Smart City Summit 2019 vào sáng nay (23/10) tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. Chương trình có sự tham gia của ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng hơn 500 đại biểu đại diện các Bộ, lãnh đạo các thành phố lớn tại Việt Nam và ASEAN; lãnh đạo các doanh nghiệp, các tập đoàn công nghệ trong nước và khu vực.

1-1678-1571815009.jpg

Người đứng đầu tập đoàn FPT phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thành phố thông minh 2019 tại Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã ban hành kiến trúc tổng thể thành phố thông minh và phê duyệt đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Thành phố xác định xây dựng thành phố thông minh không chỉ chuyển quản lý, điều hành từ truyền thống dựa trên dữ liệu và công nghệ mà còn là một trong các dự án động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tương lai.

Hội nghị là dịp quan trọng để các cơ quan, tổ chức của thành phố tiếp cận, thảo luận với các đối tác, các chuyên gia trong và ngoài nước về mô hình, giải pháp, công nghệ, chính sách để áp dụng, triển khai các hệ thống ứng dụng thông minh thành công, hiệu quả, đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng quan điểm, Chủ tịch FPT kiêm Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình khẳng định khi thế giới bước vào cuộc cách mạng 4.0 thì thành phố thông minh là phương thức cơ bản để phát triển kinh tế. Nhằm thực hiện mục tiêu một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nền kinh tế tại các thành phố đóng vai trò quan trong thay vì nói chuyện kinh tế quốc gia. Do đó, để phát triển một thành phố trong kỷ nguyên số thì chỉ còn một cách đó là xây dựng thành phố thông minh.

2-1159-1571815009.jpg

Tại hội nghị, lãnh đạo các thành phố trong và ngoài nước còn chia sẻ kinh nghiệm khi xây dựng thành phố thông minh. Chủ tịch FPT là người điều phối.

“Thành phố thông minh là phương thức phát triển nhanh nhất và bền vững nhất. Nơi nào có sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp thì sẽ phát triển”, anh nói và đặt câu hỏi điều gì quan trọng nhất của thành phố thông minh? “Đó chính là hạ tầng thông minh hay nói cách khác là hạ tầng dữ liệu. Hạ tầng dữ liệu được đưa vào như một cơ chế để phát triển thành phố thông minh. Như vậy các thành phố mới có cơ hội phát triển”, anh trả lời.

Nội hàm của cuộc cách mạng 4.0 là sử dụng hiệu quả dữ liệu. Ngày nay, công nghệ về dữ liệu đang có những bước phát triển vượt bậc và chưa từng có trong nhân loại. Dữ liệu đó bản chất sẽ đem lại sự vận hành hiệu quả nhất cho chính quyền, sự hài lòng của người dân và thuận lợi cho doanh nghiệp tại các thành phố. Không có sự đầu tư nào thông minh và hiệu quả bằng đầu tư vào công nghệ. Bởi công nghệ không dùng bao nhiêu năng lượng, tiền bạc mà hiệu suất mang lại theo chiều hướng tích cực.

“Hãy lấy người dân làm gốc khi xây dựng thành phố thông minh bên cạnh yếu tố công nghệ. Riêng bài toán tài chính cần có cơ chế và quy chuẩn của nhà nước. Dưới góc độ xây dựng phải làm quy hoạch, đáp ứng các thẩm định của quy hoạch. Chúng ta phải nhanh chóng nắm bắt nhu cầu về hạ tầng dữ liệu và sự linh động trong việc triển khai”, anh đúc kết.

Hội nghị còn tập trung thảo luận 4 chuyên đề gồm Điều hành thành phố thông minh dựa trên phân tích dữ liệu; Chính quyền số và tài chính cho thành phố thông minh; Hạ tầng và công nghệ cho thành phố thông minh và Các ứng dụng thành phố thông minh. Các lãnh đạo còn đặt ra mục tiêu giúp quản lý hiệu quả hoạt động của thành phố và đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp.

c9ea1940487dae23f76c-5316-1571815009.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cùng các lãnh đạo tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp.

Bên lề của sự kiện là các hoạt động xúc tiến hợp tác như triển lãm và giới thiệu các sản phẩm, giải pháp CNTT cho đô thị thông minh, gặp gỡ giao thương (business matching), thăm một số doanh nghiệp tiêu biểu, các chương trình du lịch, giao lưu văn hoá...

Smart City Summit là sự kiện thường niên được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các thành phố trong nước và khu vực; đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI, SMAC… Xu hướng xây dựng thành phố thông minh đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Tại Việt Nam, trên 30 thành phố đang có đề án và hợp tác xây dựng Smart City. Lựa chọn công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực tài chính, đặc biệt hợp tác công tư (PPP) là một trong những phương thức tất yếu, cần thiết trong quá trình xây dựng thành phố thông minh.

>> Chủ tịch Trương Gia Bình điều phối Smart City Summit 2019

Việt Nguyễn

Ý kiến

()