Sáng 22/6, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, Trưởng ban Chỉ đạo đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, tham dự hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 18 tháng triển khai đề án.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khai mạc hội nghị. Cùng dự còn có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong (trái), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Lưu Quang (phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy. Ảnh: Đình Lý |
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận xét TP HCM phê duyệt đề án xây dựng đô thị thông minh sớm so với các tỉnh thành khác trong cả nước. TPHCM đã xác định đổi mới quản lý, gắn với ứng dụng CNTT là giải pháp khả thi để phát triển. “Chúng ta không đợi thật giàu rồi mới xây dựng đô thị thông minh”, ông Nhân bày tỏ và cho rằng, ý tưởng phát triển đô thị thông minh cũng gặp không ít khó khăn, vì đây là vấn đề mới đối với TP HCM.
Đánh giá tổng quát quá trình thực hiện đề án thời gian qua, người đứng đầu Đảng bộ thành phố cho rằng TP HCM vừa cụ thể hóa đề án, vừa mày mò tổ chức thực hiện. Vì vậy, dịp sơ kết này là rất quan trọng, nhằm đánh giá công việc đã thực hiện trong thời gian qua và tiếp tục xác định những công việc trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.
Đề án đô thị thông minh có 5 cấu phần cụ thể, gồm: chính quyền điện tử, cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm dự báo mô phỏng, trung tâm điều hành và trung tâm đảm bảo an ninh mạng. Các sở ngành, quận huyện cần nêu rõ những công việc đã đạt được; đồng thời phản ánh đầy đủ những ách tắc, khó khăn hoặc những công việc chưa thực hiện được.
“Tôi có cảm nhận là có lúc chúng ta vừa làm, vừa đặt mục tiêu”, ông Nhân bày tỏ và nhấn mạnh cách làm này chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu thực hiện đề án. Trong thời gian tới, TP HCM không được làm như thế, vì như vậy không biết khi nào đề án mới thực hiện xong.
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 18 tháng triển khai thực hiện đề án đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng để triển khai trong các giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, TP đã triển khai hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu, thực hiện tích hợp một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng như CSDL văn bản điện tử, CSDL một cửa điện tử, CSDL khiếu nại tố cáo, CSDL đường dây nóng, CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL đầu tư nước ngoài, CSDL chứng chỉ hành nghề y… về kho dữ liệu dùng chung đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung.
TP cũng thử nghiệm cổng thông tin dữ liệu mở (tại http://data.hochiminhcity.gov.vn) và cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục và dịch vụ, các dự án đầu tư nước ngoài và các dự án đầu tư công nhằm đến đông đảo người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, đề án đô thị thông minh là đề án có nhiều nội dung triển khai trên phạm vi toàn thành phố với quy mô lớn và mới; phải thực hiện trên cơ sở kế thừa và phát triển ứng dụng cơ sở hạ tầng hiện tại, không phải là xây dựng mới. Đồng thời, trong quá trình thực hiện phải tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của các thành phố tiên tiến trên thế giới để vận dụng vào đặc điểm cụ thể của TP HCM. Do đó, trong thời gian vừa qua, thành phố chỉ mới tập trung trong việc xây dựng mô hình, kiến trúc tổng thể, đồng thời thực hiện triển khai thí điểm, thử nghiệm một số nền tảng, hệ thống ứng dụng để từ đó có sự đánh giá, điều chỉnh phù hợp.
Chủ tịch FPT IS trình bày tại hội nghị. |
Tại hội nghị sơ kết, Chủ tịch FPT IS Dương Dũng Triều đã báo cáo về kết quả hợp tác giữa đơn vị với TP HCM khi tham gia với tư cách Tổ tư vấn cho thành phố trong việc xây dựng và hoàn thiện kiến trúc chính quyền điện tử, kiến trúc Kho dữ liệu dùng chung...
Theo đó, FPT IS đã xây dựng và triển khai các nền tảng quan trọng cho chính quyền điện tử TP HCM, gồm: Tích hợp dữ liệu, Lưu trữ dữ liệu phi cấu trúc, Tích hợp dùng chung và Nền tảng xử lý dữ liệu. Song song đó, 2 mô hình quận điện tử FPT IS triển khai tại quận 7 và quận Bình Tân đã đem lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý của các cấp; đồng thời cung cấp ứng dụng mobile Công dân số phục vụ người dân và doanh nghiệp tại quận 7 và Bình Tân (có thể tra cứu thông tin quy hoạch, phản ánh kiến nghị, đăng ký dịch vụ công trực tuyến...).
Các hệ thống giao thông thông minh như: Hệ thống quản lý và giám sát xe buýt, Cổng thông tin giao thông (gần 5 triệu lượt truy cập trong 2 năm sử dụng và gần 180.000 lượt tải trên app iOS và Android, tải ứng dụng tại http://ttgt.vn), các bảng thông tin giao thông, hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm tự động... mà FPT IS đã và đang triển khai cho TP HCM đã góp phần điều phối, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Chủ tịch Dương Dũng Triều nhấn mạnh, FPT IS tiếp tục đồng hành TP HCM xây dựng Chính quyền điện tử phục vụ đô thị thông minh, thực hiện chuyển đổi số hướng tới chính quyền số. Đồng thời, tiếp tục tham gia triển khai mở rộng Smart Healthcare cho bệnh viện, cơ sở y tế, Sở Y tế và nền tảng Clinic Cloud phục vụ người dân; Tham gia các pha tiếp theo các dự án/ đề án Giao thông thông minh/ITS (đèn tín hiệu giao thông, hệ thống giám sát camera tập trung…) của TP HCM.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông trình diễn các trung tâm của đề án. Ảnh: Đình Lý |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, nhìn trên tổng thể công việc phía trước vẫn còn khá nhiều, thậm chí còn khó khăn hơn. Do đây là nội dung mới, phức tạp, phạm vi triển khai rộng; quá trình thực hiện vừa phải nghiên cứu, vừa phải học hỏi kinh nghiệm quốc tế; các giải pháp khoa học và công nghệ thay đổi liên tục, nhưng thành phố chưa áp dụng đa dạng các phương thức triển khai phù hợp như đầu tư công, thuê dịch vụ, đối tác công tư.
Thay mặt Ban điều hành đề án, ông Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ nỗ lực tăng tốc thực hiện, vượt qua khó khăn, phát huy mọi tiềm lực sáng tạo của người dân thành phố, xây dựng đô thị thông minh đạt đúng yêu cầu, tiến độ đề ra, thể hiện sự đặc sắc của thành phố so với các đô thị thông minh trên thế giới. Chủ tịch thành phố đề nghị các cấp, các ngành khẩn trương triển khai hàng loạt các nội dung cụ thể cho từng đơn vị để tiếp tục thực hiện đề án.
Chỉ đạo hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết xây dựng thành phố thành đô thị thông minh là nhiệm vụ trọng điểm cần xác định rõ mục tiêu, cần xác định đối tác công nghệ để hợp tác. Theo ông Nhân, an ninh mạng là vấn đề quan trọng nên đối tác phải là Việt Nam. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu lãnh đạo thành phố cần xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể trong tháng 7 với các doanh nghiệp CNTT để các bên có những định hướng hành động. Thành phố cũng cần rút ra các bài học kinh nghiệm trong việc hợp tác với các đối tác trong 18 tháng vừa qua để xây dựng một cơ chế hợp tác hoàn thiện trong thời gian tới.
“Đối với công nghệ, nhà khoa học, doanh nghiệp dẫn dắt chính quyền và chính quyền chỉ có thể tiếp thu và hỗ trợ, tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ vào thực tiễn”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
>> FPT IS chung tay ‘giải cứu’ giao thông TP HCM
Hà An
Ý kiến
()