Chúng ta

FPT 'in' robot như thế nào

Chủ nhật, 13/12/2015 | 16:53 GMT+7

Robot Rogo có khả năng giao tiếp và thực hiện theo mệnh lệnh của chủ nhân được cho là một sản phẩm chiến lược, là một trong những nguồn thu chính cho tập đoàn FPT trong tương lai.

Trong vài năm trở lại đây, Tập đoàn FPT đã dành khá nhiều công sức cho mảng công nghệ robot. Từ phát triển drone Sendobot có thể mang vật nặng 2 kg và bay trong 5km, cho đến robot SmartOsin có thể nhận diện được hành vi của con người, FPT gần đây tập trung cho sản phẩm Rogo. Đây là robot có khả năng giao tiếp và thực hiện theo mệnh lệnh của chủ nhân.

FPT đặt nhiều kỳ vọng vào Rogo, coi đây là một sản phẩm công nghệ chiến lược của Tập đoàn. Vậy Rogo được Tập đoàn công nghệ FPT nghiên cứu, phát triển như thế nào?

f1-2034-1449809355.jpg

Rogo là cụm từ viết tắt của "Robot on the go" - Robot đi vào cuộc sống.

Chúng tôi tới thăm xưởng chế tạo robot Rogo tại tòa nhà FPT Cầu Giấy, đường Duy Tân, Hà Nội. Tiếp chúng tôi là ông Lê Ngọc Tuấn, trưởng dự án làm robot của tập đoàn FPT. Nơi thiết kế và chế tạo phiên bản mẫu (prototype) cho Rogo gói gọn trong một căn phòng khoảng 60 m2, với 6 con người đang miệt mài làm việc. Mỗi người đều có những nhiệm vụ riêng của mình. Ở góc trái, phía cuối căn phòng là khu vực làm việc của 3 chuyên viên thiết kế cho Rogo, phía đối diện là một người đang sơn robot, một chuyên viên khác ngồi gần cửa ra vào đang lắp ráp và kiểm tra các chi tiết cho Rogo. Chính giữa căn phòng, nơi có diện tích lớn nhất, được dành để bày máy in 3D và các bản prototype của Rogo.

Tại đây, trưởng dự án làm robot của FPT giới thiệu robot Rogo là sự kết hợp giữa 3 thành phần: dịch vụ RogoCloud, RogoDock và điện thoại của người dùng. Theo đó, khi gắn smartphone lên thân RogoDock, một kết nối không dây giữa hai thiết bị sẽ cho phép robot thực hiện nhiều tính năng như: RogoTele (chat video với người thân từ xa như các ứng dụng Skype, Facetime nhưng người gọi có thể chủ động nhìn bất cứ góc nào họ muốn); RogoPic (hỗ trợ người dùng chụp ảnh tự động bằng lệnh, chụp ảnh góc rộng 2x360 giống Youtube 360 nhưng là ảnh tĩnh) và RogoCloud, một mạng xã hội cho gia đình kết nối robot thiết bị và các thành viên.

f2_1449809378_1449809394.jpg

Mạng xã hội RogoCloud là một phần của dự án Rogo.

Ông Lê Ngọc Tuấn chia sẻ, để làm được một con robot như vậy không phải là việc đơn giản. Nhóm nghiên cứu thực hiện tất cả các khâu thiết kế Rogo (thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử) và lập trình (lập trình ứng dụng trên điện thoại, lập trình trên cloud...). Sau đó, họ in 3D tất cả các chi tiết bằng nhựa PP của bản prototype trong 30 giờ, phay các chi tiết kim loại, lắp ráp module nguồn, module Bluetooth 4.0, đèn led, bảng mạch, động cơ, sơn vỏ... để tạo nên phiên bản mẫu hoàn chỉnh cho Rogo. Toàn bộ quá trình sản xuất một bản prototype như vậy diễn ra trong 3-4 ngày.

Trong quá khứ, nhóm robot của FPT đã hiện thực hóa ý tưởng phát triển Rogo từ cuộc thi SMAC Challenge của FPT từ tháng 1/2015. Cuối tháng 2, Rogo phiên bản prototype đầu tiên ra đời. Từ đó tới nay, cứ khoảng 1-2 tháng lại có thêm một phiên bản thử nghiệm mới.

"Để đầu tư cho một con robot có khả năng giao tiếp như Nao, Jibo thì chi phí rất cao, khoảng vài chục ngàn USD. Cũng những chức năng như vậy, chúng tôi tạo ra một robot đơn giản hơn, nó giống như một cái dock có thể biến smartphone thành CPU, tận dụng luôn bộ xử lý và cảm biến của điện thoại làm robot. Như thế sẽ giảm chi phí đầu tư ban đầu và giúp người dùng trải nghiệm những công nghệ mới nhất để làm phong phú thêm cuộc sống", ông Lê Ngọc Tuấn chia sẻ về ý tưởng sáng tạo ra robot Rogo.

f3_1449809427_1449809436.jpg

Robot Rogo sẽ có giá rẻ hơn nhiều so với robot Nao.

Nhận định về thị trường đầu ra cho sản phẩm, trưởng dự án robot của FPT cho biết trong thời gian Rogo được trưng bày tại hội chợ Techmart 2015, đã có rất nhiều người hỏi và quan tâm về "trợ lý riêng" này. "Nhu cầu của thị trường cũng chính là thách thức lớn đối với nhóm phát triển robot. Do đó khó khăn lớn nhất lúc này của chúng tôi là làm thế nào để đưa được phiên bản Rogo hoàn chỉnh, chạy ổn định nhất ra thị trường. Hiện tại chúng tôi đã tích hợp được khá nhiều tính năng điều khiển cho Rogo, nhưng phải lựa chọn một vài tính năng cần thiết và hữu dụng nhất để đưa lên phiên bản thương mại", đại diện nhóm phát triển robot của FPT nhận định.

Ngoài ra, FPT cũng đang phát triển và hoàn thiện hai chức năng mới là RogoChat như một trợ lý hỗ trợ người dùng trả lời các câu hỏi giao tiếp đơn giản, những kiến thức chung từ Wikipedia, và RogoHome nhằm kết nối các thiết bị thông minh trong gia đình như bộ đèn Phillip Hue, các cảm biến. Chức năng RogoHome được nhóm kỳ vọng sẽ thành một cổng thiết bị thông minh trong gia đình và giao tiếp bằng giọng nói.

Dự kiến phiên bản thương mại của robot Rogo sẽ chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam từ tháng 1/2016, mức phí dùng thử dịch vụ Rogo sẽ là 200 ngàn đồng/tháng.

Một số hình ảnh khác về quá trình tạo nên phiên bản mẫu cho Rogo:

f4_1449809543_1449809830.jpg

Phần giá đỡ smartphone trên Rogo đang được in 3D.

f5_1449809543_1449809820.jpg

RogoDock đã được "in" xong và đang trong quá trình lắp ráp.

f6_1449809543_1449809811.jpg

Phần đế đặt smartphone có thể chuyển động lên xuống với góc 120 độ.

f7_1449809543_1449809752.jpg

Bên trong là bảng mạch điều khiển.

f8_1449809543_1449809741.jpg

Phiên bản mẫu của Rogo đã được phủ một lớp sơn bóng bên ngoài.

f9_1449809543_1449809733.jpg

Nút bật/tắt RogoDock ở phía dưới.

f10_1449809543_1449809724.jpg

RogoDock được cố định bằng 8 vít ở mặt đáy.

f11_1449809543_1449809715.jpg

Khi ra mắt, sản phẩm sẽ có nhiều màu sắc cho người dùng lựa chọn.

f12_1449809543_1449809707.jpg

Nhóm phát triển cũng chế tạo cả những thiết bị gia dụng thông minh để kết nối với Rogo.

f13_1449809693.jpg

Đó cũng là các phiên bản mẫu dùng nhựa PP, được in từ máy in 3D.

VNReview

Ý kiến

()