Chúng ta

Học Mini MBA là quyền lợi hay nhiệm vụ?

Thứ năm, 1/11/2012 | 15:42 GMT+7

Vốn không định tham gia ý kiến, nhưng thấy mấy số báo Chúng ta liền viết về chương trình Mini MBA (gồm cả L4-5-6), nên tôi cũng xin đóng góp một vài quan điểm cá nhân, cho rộng đường dư luận.
> Cán bộ FPT phải thấy tự hào khi được học Mini MBA

Thứ nhất, cảm giác chung khi đọc các bài viết là không thấy tinh thần tiếp thu phê bình của Học viện Lãnh đạo FPT (FLI). Nguyên nhân có lẽ nằm ở chỗ anh Bùi Quang Ngọc (Phó Chủ tịch HĐQT FPT) đang một mình đóng hai vai: Vừa là sếp của các học viên, vừa là đại diện của đơn vị cung cấp dịch vụ (FLI). Các phát biểu của anh khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh một bảo mẫu đáng kính, khó tính và đầy rẫy tự tin của một cô nhi viện. Bà vừa có quyền sinh quyền sát với lũ trẻ, lại vừa chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ (chăm lo) cho chúng. Chả có gì bà không biết, nên mọi hành vi phản kháng yếu ớt đều bị dập tắt ngay, nhất là khi trong lũ trẻ có những ý kiến trái chiều. Việc lẫn lộn hai vai này dẫn tới làm mất động lực cải tiến của FLI. Nếu những ý kiến được đưa lên mặt báo còn bị gạt bỏ thẳng thừng thì hy vọng gì những "comment" điền vào bảng hỏi cuối buổi học - hình thức phản hồi duy nhất hiện nay - sẽ được xem xét?

Thứ hai, về quy định bắt đi học. Không rõ quan điểm của anh Ngọc về việc học Mini MBA là nhiệm vụ hay quyền lợi của cán bộ (không thể có thứ “vừa là nhiệm vụ vừa là quyền lợi” để dân tình vừa phải chấp hành vừa phải biết ơn). Nếu là nhiệm vụ, thì tại sao lại bắt cán bộ chi tiền và thời gian riêng, ngoài giờ làm việc, để thực hiện việc của công ty? Nếu là quyền lợi, thì việc gì phải lo hộ, vì những người không đi học chắc chắn sẽ bị thiệt.

Theo tôi, việc học Mini MBA là quyền lợi vì hai nhẽ. Thứ nhất, nó sẽ là một điều kiện để mở cánh cửa nào đó, ví dụ đề bạt. Thứ hai, nó đem lại giá trị cho người học: Kiến thức, mối quan hệ.... Những người không đi học sẽ phải chấp nhận không có những lợi ích đó, và họ hoàn toàn ý thức được. Các ý kiến trái chiều của học viên cho thấy có nhiều người thu lợi từ chương trình, còn một số khác thì không. Đó cũng là lẽ thường, và như vậy thì FLI nên đuổi học những học viên nghỉ quá quy định, thay vì cứ “nhờ” lãnh đạo tập đoàn ra quyết định kỷ luật, rồi lại bắt họ đi học. Chả lẽ việc bắt đi học đủ là để góp phần tạo nên thành tích cho FLI?

Thứ ba, về nội dung học. Dạy người lớn khác với dạy trẻ con. Nếu họ đã không thích học thì việc có mặt ở lớp cũng chả đem lại kiến thức gì cho họ. Chính vì thế mà Cương lĩnh FLI định hướng phải thu hút học viên bằng chất lượng và hiệu quả (Nguyên lý thứ 5): “FLI trước hết nhằm thỏa mãn nhu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo của học viên. Chất lượng của FLI được khẳng định thông qua kết quả công việc, đánh giá trực tiếp của học viên và việc sẵn sàng trả học phí của chính học viên hay đơn vị tài trợ”. Hiện nay, không rõ có những đánh giá chất lượng và hiệu quả nào khác, còn từ phía học viên chỉ duy nhất có việc điền bảng câu hỏi sau môn học, là mức thấp nhất trong các phương pháp đánh giá theo mô hình Kirkpatrick (mô hình đánh giá hiệu quả đào tạo gồm 4 mức: Phản hồi của người học, Nhận thức, Hành vi và Kết quả), và cũng chưa bao giờ thấy FLI công bố các cải tiến về nội dung, nếu có, đến các học viên.

Tóm lại, theo tôi, tập đoàn nên xem lại chính sách để không phải chạy theo ép học viên, vô tình biến việc học Mini MBA thành hình thức. Còn với FLI, các lời khen ngợi chứng tỏ chương trình Mini MBA không tệ, nên tiếp thu thêm các ý kiến khác và cải tiến chương trình, tăng sức hút bằng chất lượng đào tạo thay vì chạy theo thành tích 100% đi học.

Phan Phương Đạt - FPT Software

Hãy chia sẻ những ý kiến, suy nghĩ của bạn với chuyên mục Góc nhìn tại chungta@fpt.com.vn.

Ý kiến

()