Chúng ta

Đừng nói 'Không' khi chưa làm

Thứ bảy, 19/5/2018 | 14:07 GMT+7

5 năm ngồi trên giảng đường Tafe University (Australia) là thời điểm tôi cảm nhận sự khác biệt rõ ràng nhất giữa công thức giáo dục của Việt Nam và các nước phát triển.

Vì sao khi tỷ lệ những bạn đi học nước ngoài về tính tự chủ cao hơn nhiều và sáng tạo hơn nhiều với các bạn học trong nước. Dĩ nhiên, đây chỉ là so sánh giữa một nhóm cùng độ tuổi và cùng theo học một chuyên ngành.

Các giáo sư hay giảng viên đến lớp thông thường họ sẽ chọn 1-2 chủ đề để cả lớp thảo luận trong tiết học đó. Và điều bất ngờ là, tất cả sinh viên quốc tế họ không bao giờ nói “Không” hay “Không thể”. Mà họ thường nói các nguyên nhân và giải pháp của mình rất chi tiết, có thể đó chỉ là các ý tưởng mơ hồ, các nhận định khách quan. Trong khi nếu cùng một chủ đề được đưa ra khảo sát tại vài lớp học ở Việt Nam, tỷ lệ sinh viên cho là vô lý, không thể, làm sao làm được hay không phủ nhận, cũng không góp ý là lớn. Một bộ phận nhỏ các bạn dám nói ra ý tưởng thì ngay lập tức nhận sự chê bai, dè bỉu từ các bạn khác. 

Quay lại với môi trường, ai cũng biết là ngay từ nhỏ, trẻ em nước ngoài hay phương Tây có tính tự lập cao hơn người phương Đông, các em ngủ phòng riêng, dậy ăn sáng đúng giờ, tự đón xe bus trước cửa nhà hoặc các trạm xe gần nhất. Lớn hơn, các em tự biết kiếm tiền để mua các vật dụng mình thích. Do đó, tính tự lập của các bạn phương Tây cao hơn các bạn phương Đông. Trẻ em phương Đông được cha mẹ ôm ấp từ nhỏ, thích gì vòi cho bằng được để cha mẹ mua, đi học về chắc ít bạn nào lao vào nấu cơm, rặt rau để tự nấu cho mình ăn, hay lớn hơn một chút các bạn đi học cũng từ chu cấp của gia đình. Các bạn nào tự lo được cho mình trong khoảng thời gian đại học thì 70% là thành công sau này. 

Nói 'Không' vì ngại làm

Tâm lý ngại nhận việc, ngại thay đổi, ngại tiếp xúc với người khác vô hình trung cô lập thế hệ trẻ Việt Nam. Các bạn nói “Không” trong bất kỳ hoàn cảnh hoặc miễn cưỡng nhận cho có rồi để đó.

Các bạn nói "Không" vì các bạn sợ làm gì sai sẽ bị khiển trách, trong khi các bạn phương Tây xác định, sai là một bài học để cho ra một sản phẩm hoàn thiện. Sai hay thất bại chỉ là một ngôn ngữ phản xạ của phương Tây, chứ không phải là một hình thức giảm đi sự tập trung cao độ và hoàn tất mọi công việc họ theo đuổi.

Các bạn phương Tây thì lập trường của họ thường cao hơn hẳn người châu Á, ngay cả khi họ quyết tâm theo đuổi việc gì thì đó là họ đam mê và mong muốn thật sự được chơi cùng công việc của họ, chứ họ không hoàn toàn bị gò bó hay ép buộc vào một khuôn khổ nào đó. Còn tại nước ta nói riêng và phương Đông nói chung, cha mẹ muốn con cái học theo sở thích của họ hơn là để con cái được làm những gì họ thích. Và ngay từ khi không còn quyết định được tương lai của mình, các bạn sẽ Sợ nhiều hơn và chắc chắn sẽ nói “Không” trong mọi tình huống.

Làm sao để các bạn tự tin khẳng định 'Tôi làm được'?

Tôi bắt đầu làm quen bài tập thay đổi thói quen của mình, những gì người khác nói “Không”, tôi sẽ nhận việc đó và bắt đầu phân tích các bước cần làm, tìm những người có kinh nghiệm để học hỏi và nhận lời khuyên của họ.

Tôi bắt đầu tập thói quen suy nghĩ đa chiều hơn trong mọi việc. Khi một việc đến, tôi sẽ chia đôi công thức ra 2 dạng: Làm được và không làm được. Tại ô làm được, tôi sẽ đính các tag người thực hiện vào, những việc không làm được tôi lại chia thành các ô nhỏ, và bắt đầu luồn lách vào các khoảng trống đó để tìm người hướng dẫn. Cứ thế, công thức tôi trở nên đơn giản và dễ dàng.

Tôi vẫn còn nhớ như in bài viết của Chung Ju Yung -  cha đẻ tập đoàn Huyndai: “Chúng ta phải tin rằng người nào dám làm những việc nhỏ thì những việc to lớn họ cũng sẽ làm được như thế. Những người ngay cả những chuyện nhỏ cũng không dám nhận thì việc lớn không đáng để tin cậy. Người nỗ lực hết sức vì những chuyện nhỏ nhất thì những chuyện lớn hơn họ cũng sẽ hết sức để làm. Đừng bao giờ bàn lui, chỉ có tiến tới mới có thành quả”.

Nguyễn Phú Trung

Ý kiến

()