Chiều qua 24/6, hội thảo chủ đề "Covid-19 và bối cảnh bình thường mới", chia sẻ quan điểm về cách doanh nghiệp có thể quản lý chuỗi cung ứng bị gián đoạn và chuyển sang dịch sang Việt Nam trong giai đoạn phục hồi hậu bệnh dịch.
Anh Trương Gia Bình - Chủ tịch tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Chủ tịch FPT -cùng hơn 300 đại diện của hơn 120 công ty Nhật Bản đã tham dự hội thảo dưới dạng webinar. "FPT muốn trở thành đối tác của các bạn trong giai đoạn mới, cùng đầu tư và cùng đổi mới với các bạn", là thông điệp người đứng đầu nhà F đưa ra trong cuộc gặp.
FPT mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp Nhật Bản bứt phá trong bình thường mới, Chủ tịch FPT nhấn mạnh tại hội thảo do FPT Japan tổ chức. |
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản về các khó khăn hiện nay cho thấy khó khăn đầu tiên liên quan đến phong cách làm việc mới - làm thế nào có thể làm việc từ xa an toàn và đảm bảo năng suất; thứ hai là doanh thu tụt giảm, chủ yếu do nhu cầu người tiêu dùng tiêu giảm; nỗi lo lắng tiếp theo liên quan đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất bị đình trệ - anh Trương Gia Bình bắt đầu bài phát biểu.
Khảo sát cũng cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản dự định vượt qua khủng hoảng bằng cách thay đổi phương thức làm việc; đưa ra các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới và tiến hành chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tính đến chuyện chuyển sang kinh doanh tại Việt Nam, tuy nhiên đang có 3 nỗi lo lắng về nguồn nhân lực; thủ tục pháp lý, thuế vụ và quan hệ với chính quyền địa phương. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật Bản mong đợi từ các công ty CNTT tại Việt Nam kiến thức về chuyển đổi số và công nghệ thông tin, là đối tác hoàn hảo cho Nhật Bản và quan trọng là giảm chi phí.
"Việt Nam là một điểm đến an toàn. Chính phủ lập ra tổ chức đảm bảo và hợp tác doanh nghiệp, FPT cũng là 1 thành viên và theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ đưa ra những ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
Anh Trương Gia Bình đã đưa ra một phương pháp hợp tác mới trong khủng hoảng, đó là "BCC - Business critical collaboration" (tạm dịch: hợp tác kinh doanh quan trọng), trong đó chú trọng nâng cấp quan hệ với đối tác lên mức liên minh kinh doanh - hơn cả hợp tác đơn thuần về lợi nhuận mà đó là hợp tác chia sẻ cả về khó khăn, tổn thất để cùng nhau vượt qua khủng hoảng.
Trên thực tế, FPT đang chuyển đổi quan hệ với các công ty nằm trong top 500 trên thế giới. Ví dụ, một nhà sản xuất ô tô Mỹ chọn đưa FPT vào các đề án trọng yếu của mình, bao gồm nâng cấp phần mềm cho các mô hình ô tô có sẵn, tiếp tục phát triển các mô hình mới và cùng hợp tác cho các dự án tương lai, anh Bình chia sẻ.
Cạnh đó, FPT giúp các đối tác khôi phục lại kinh doanh. Cụ thể, một công ty CNTT hàng đầu thế giới đã chuyển đổi nhanh chóng các hoạt động từ Ấn Độ và Philippines sang Việt Nam. Hơn nữa, FPT cam kết đảm bảo sự liên tục trong hoạt động bằng cách làm việc từ xa một cách an toàn. FPT đã đạt được năng suất làm việc từ xa 93%.
Người đứng đầu FPT khẳng định FPT có thể giúp doanh nghiệp Nhật Bản tiết kiệm chi phí bằng cách cắt giảm từ 35-55% chi phí cho các đề án tiến hành; đưa ra các giải pháp như cùng đầu tư với khách hàng và các điều kiện thanh toán trả chậm; cũng như áp dụng các giải pháp công nghệ số, công nghệ tự động hoá.
"Nếu nói về tương lai mới, chúng tôi mong muốn đưa các ứng dụng về chuyển đổi số với phương pháp luận FPT Digital Kaizen và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu cấp bách bằng phương pháp linh hoạt và cung cấp các giải pháp thế hệ mới như low-code (phần mềm tự động hóa các tác vụ khó và mất thời gian), smart manufacturing (sản xuất thông minh)".
Đại diện FPT chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu hội thảo. |
Tại hội thảo, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đưa ra những nhận định tích cực về việc chuyển dịch sang Việt Nam, xét vị trí địa lý, tài nguyên, việc triển khai tốt công tác chống dịch Covid và Việt Nam, tiềm năng tăng trưởng…. Về lâu dài, Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn và trong thời kỳ khủng hoảng này, các công ty Nhật có thể lựa chọn Việt Nam làm điểm đến mới. 70% đại biểu tham gia mong muốn có trao đổi sâu hơn về việc chuyển dịch sang Việt Nam.
Đại diện các doanh nghiệp xứ mặt trời mọc cũng đánh giá FPT có số lượng nhân sự IT biết tiếng Nhật cao, thuận tiện làm việc với doanh nghiệp Nhật. Các công ty Nhật cũng quan tâm tới đề xuất của FPT liên quan chuyển đổi số, thương mại số, giáo dục số...
>> Chuyển đổi số FPT đón sóng ‘bình thường mới’
Thủy Minh
Ý kiến
()