Chúng ta

Chuyển đổi số FPT đón sóng ‘bình thường mới’

Thứ năm, 14/5/2020 | 09:03 GMT+7

Covid khiến mọi thứ dịch chuyển lên Internet, và chuyển đổi số (DX) trở nên hữu dụng hơn bao giờ hết. Không phụ thuộc không gian và thời gian, DX giúp doanh nghiệp/cá nhân vận hành, duy trì công việc trên nền tảng mới với hiệu quả và năng suất hơn. 

Yêu cầu giãn cách xã hội buộc nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc chịu ảnh hưởng lớn. Lợi thế là công ty công nghệ đã sớm chủ động tham gia làn sóng chuyển đổi số, FPT là một trong những cái tên ít chịu tổn thất nhất. Điều này phần nào được phản ánh trong giá cổ phiếu. Trong cả tháng 4, mã FPT tăng từ 36.110 đồng/cp lên 43.360 đồng/cp. 

Chia sẻ tin vui với cổ đông tại đại hội thường niên trực tuyến giữa mùa dịch (ngày 8/4), Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho hay, FPT đã ký hợp đồng tư vấn chuyển đổi số với “vua tôm” Minh Phú cùng tham vọng giúp đối tác chinh phục 25% thị phần thế giới từ mức hiện tại là 4%. “Đó là ước vọng của người Việt Nam. Tuy gặp khó khăn nhưng chúng tôi cùng cố gắng để sớm bàn giao dự án. FPT cũng đang hoàn thiện hợp đồng với “vua gỗ” AA để nhanh chóng trở thành một trong hai nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Khi hoàn thành, dự án sẽ là sự kết hợp của gỗ và phần mềm để cùng nâng đẳng cấp toàn cầu”.

Cú hích của Covid-19, theo anh Bình, đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh chưa từng có. Tâm trạng lo lắng, sợ hãi đang lan truyền và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, người lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, FPT sẵn sàng đối diện với thách thức để trở nên mạnh hơn sau đại dịch. “FPT tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong dịch Covid-19. Với quốc tế, các đối tác sẽ xem xét lại quốc gia/công ty quản trị tốt trong chống dịch. Và Việt Nam hay FPT là những cái tên sáng giá”.

Theo CEO FPT Nguyễn Văn Khoa, qua một tháng giãn cách, các bộ chỉ số FPT chỉ ra năng suất làm việc ở nhà đạt khoảng 70%. Đến ngày 10/5, tập đoàn vẫn đặt trong chế độ thời chiến. Gần 10.000 người FPT vẫn đang làm việc ở nhà. 

20264-FPTtangtruong-2-15879171-2633-3544

Hiện nay việc chuyển đổi số áp dụng nhiều công nghệ hơn, đang tạo áp lực cho chính lãnh đạo các doanh nghiệp. Ảnh tư liệu

Không những mượt mà trong công việc hằng ngày, nhà F còn kịp tung ra loạt sản phẩm chuyển đổi số ngay giữa mùa dịch. Ngày 6/4, FPT Telecom ra mắt ứng dụng FTI Cloud Desktop - máy trạm ảo hỗ trợ doanh nghiệp thời gian làm việc tại nhà. Sản phẩm được coi là giải pháp thông minh cho doanh nghiệp trong thời điểm làm việc từ xa của dịch Covid-19.

Lấy ví dụ với nhu cầu tòa nhà làm việc chính của một công ty có nguy cơ bị phong tỏa, mọi hoạt động ra/vào bị cấm thời gian dài trong khi hoạt động công ty vẫn cần duy trì với lượng 5.000 nhân viên; các ứng dụng của công ty không cho phép truy suất bằng RDP hay TeamViewer trực tiếp từ bên ngoài.

Giải pháp Cloud Desktop cung cấp là người dùng từ xa sử dụng “VPN client to site” để truy cập vào mạng chứa các máy ảo tại trung tâm dữ liệu FPT. Quản lý CNTT của công ty thiết lập các chích sách, cho phép người dùng truy cập các máy ảo bằng remote desktop, HTML5 hoặc VMware Horizon Client. Tiếp đó, người dùng sử dụng các máy ảo này để truy xuất ứng dụng và dữ liệu trong hệ thống server của công ty như file server, hệ thống ERP… Dịch vụ này sẽ là lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp để ứng phó với các tình huống xảy ra.

Sau đó, ngày 24/4, FPT Telecom tiếp tục cho ra mắt giải pháp “FPT VPN - Kết nối ưu tiên” hỗ trợ khách hàng đảm bảo tốc độ kết nối Internet mượt mà với các hoạt động trực tuyến.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều sản phẩm chuyển đổi số FPT đã và đang vận hành cũng như đón sóng thời ‘bình thường mới’. PTGĐ FPT phụ trách Chuyển đổi số - anh Hoàng Việt Anh nhận định 2019 là năm đầu tiên FPT chuyển đổi số toàn tập đoàn, do đó còn nhiều bỡ ngỡ. “Năm 2019 mang tính thử nghiệm để thấy câu chuyện chuyển đổi số, ý tưởng được triển khai, hiệu quả mang lại cho công ty thành viên. Trong năm qua, 47 dự án chuyển đổi số nội bộ có ý nghĩa cụ thể, giải quyết vấn đề trong ba bài toán của chuyển đổi số gồm thay đổi mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động và tăng trải nghiệm khách hàng”.

Ngày 30/3, 4 dự án chuyển đổi số (DX) FPT xuất sắc gồm: Phân công tối ưu (FPT Telecom, giải Nhất), Automate Comment Review (FPT Online, giải Nhì), và đồng hạng Ba là Visitor Counting (FPT Retail), MyFSOFT (FPT Software) đã được Chủ tịch FPT Trương Gia Bình vinh danh.

"4 dự án nhận bằng khen đều thể hiện sự thiết thực trong hiệu quả vận hành, tăng trải nghiệm khách hàng và có tiềm năng thương mại hóa. Hiện có MyFSOFT đã đổi tên thành MyFPT và Fortuna (FPT IS) đang có kế hoạch triển khai rộng toàn tập đoàn. Còn lại các sản phẩm khác, do tính chất đặc thù nên đang xem xét triển khai toàn FPT. Tại Nhật Bản, đã có một số khách hàng quan tâm đến giải pháp chuyển đổi số của FPT", anh Việt Anh nhấn mạnh.

Nhiều sản phẩm dịch vụ, giải pháp công nghệ mới của Tập đoàn đã ra đời và được đón nhận như akaChain,  akaBot, akaDoc, akaTrans, FPT.eHospital,  FPT.eGOV... Mới đây, FPT ký hợp đồng bán bản quyền akaBot trong 5 năm cho thị trường Nhật. FPT cũng thâm nhập vào mảng điện toán đám mây (Cloud), Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (A.l)... Năm 2020, câu chuyện chuyển đổi số của FPT sẽ có thay đổi theo hướng phong phú, đa dạng hơn, tập trung nâng cao trải nghiệm, mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. FPT đặt mục tiêu năm nay chuyển đổi số toàn bộ Tập đoàn.

Bật mí trong một tháng giãn cách xã hội, người điều hành tập đoàn cho hay FPT đã đưa ra hàng loạt sản phẩm, với một tốc độ nhanh chóng chưa từng có, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, phù hợp với điều kiện giãn cách như ký hợp đồng điện tử, hỗ trợ làm việc từ xa… FPT sẵn sàng tư vấn, đồng hành doanh nghiệp thay đổi, hồi phục và phát triển, bằng việc chia sẻ tri thức và kinh nghiệm thông qua các hội nghị hội thảo về chủ đề công nghệ giúp vượt qua dịch bệnh… hay tư vấn và cung cấp sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, giúp tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

"Đại dịch càng chứng minh doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị sẵn sàng thì sẽ càng có sự thuận lợi nhất định trong việc vượt qua khó khăn. Chuyển đổi số chỉ là một việc nhỏ trong quản trị nhưng ngay lúc này phải làm ngay", CEO FPT Nguyễn Văn Khoa khẳng định. “Bản thân FPT cũng phải cải tiến chính mình, nhìn nhận những "pain points" - nỗi đau nội tại nhà FPT và tập trung giải quyết những vướng mắc chéo giữa các đơn vị, giữa các bộ phận để dịch vụ có thể đưa ra một cách nhanh nhất”.

>> CEO FPT: 'Hãy bắt đầu chuyển đổi số từ hạng mục việc nhỏ'

Ý kiến

()