Sáng ngày 14/5, FPT cùng VIDA đã tổ chức webinar trực tuyến về số hoá ngành nông nghiệp với chủ đề “Đào tạo và tối ưu hoá nền tảng số nhằm ứng phó và bứt phá thành công trong và sau đại dịch”. Theo dự báo, Covid-19 đang và sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề tới tình hình kinh tế- xã hội.
Buổi hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến |
Cụ thể, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP toàn cầu tăng trưởng -2,3% trong năm 2020 so với mức dự báo 2,6%. Tại Việt Nam, dự đoán GDP năm nay đạt -1,99%, trong kịch bản tồi tệ nhất là ở mức -2,58%. Trong đó ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng khi tốc độ tăng trưởng sụt giảm 8% trong quý I năm nay.
Theo kết quả hội thảo trực tuyến do VnExpress tổ chức ngày 5/5, ngành nông nghiệp trong nước phải đối mặt với 5 thách thức: Khó khăn trong xuất khẩu thô, xuất khẩu nông sản tươi, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc; Quản lý sàn thương mại điện tử; Liên kết chuỗi bán lẻ trong nước và cung ứng; Chỉ số tồn kho cao; Thiếu minh bạch với cơ quan quản lý, đơn vị sản xuất và người dùng cuối.
Ông Võ Chí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng con số thể hiện rõ nhất độ ảnh hưởng ngành nông nghiệp phải hứng chịu là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức âm. “Nguy cơ dịch bệnh đẩy nền kinh tế tới bờ vực của cuộc đại suy thoái những năm 1929-1930 là rất lớn. Đặc biệt là khi quả bom nợ tài chính đang lớn nhanh chưa từng có”.
Chung quan điểm với ông Thành, song Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, đồng thời là Chủ tịch VIDA, cũng khẳng định dịch bệnh đã tạo cơ hội để nền nông nghiệp chuyển sang quỹ đạo mới, xoay quanh con đường số hoá.
Ông Võ Chí Thành lo ngại sau dịch, nền kinh tế có khả năng cao bị đẩy đến bờ vực của cuộc đại suy thoái. |
Lấy ví dụ, ở giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2010, tồn tại 3 hướng phản ứng chính trong giới doanh nghiệp: Cắt giảm chi phí ngắn hạn, Không phản ứng và Áp dụng chuyển đổi số. Năm 2009, tỷ suất lợi nhuận của 3 hướng này trả về lần lượt là: khoảng -7%, 2% và 3%. Hai năm sau đó, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp số hoá đạt mức cao nhất với hơn 10%.
Như vậy, chỉ có áp dụng chuyển đổi số để thay đổi cơ cấu chi phí và tạo năng lực cạnh tranh mang lại hiệu quả cao hơn so với đơn thuần cắt giảm chi phí và chiếm thị phần sau phục hồi.
Tương tự với giai đoạn Covid-19, ngành nông nghiệp nên tận dụng cơ hội để thúc đẩy quá trình số hoá, thích nghi với cách thức làm việc mới sau dịch. Đặc biệt cần khai thác lợi thế CNTT trình độ cao và nền tảng nông nghiệp nghìn năm của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.
Với kinh nghiệm chuyển đổi số trong chính nội bộ tập đoàn và nhiều doanh nghiệp trên thế giới, FPT sẵn sàng đồng hành cùng VIDA trong số hoá ngành nông nghiệp Việt Nam, nâng cao năng suất lao động cũng như khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Anh Trương Gia Bình khẳng định, chuyển đổi số là con đường thích nghi đúng đắn nhất để ngành nông nghiệp Việt Nam bứt phá trong và sau đại dịch. |
Theo anh Trần Huy Bảo Giang, GĐ Chuyển đổi số nhà F, tập đoàn sẵn sàng cung cấp phương pháp luận FPT Digital War Room (Phòng tác chiến điện tử) với đội ngũ chuyên gia công nghệ sẵn sàng giúp khách hàng áp dụng các sáng kiến số có thể triển khai tức thời. Đồng thời, nhà F sẽ hợp tác với doanh nghiệp thông qua quy trình mô tả, ra mắt chuỗi hội thảo trên web cho các thành viên của VIDA.
Ngoài ra, hiện nay tập đoàn cũng sẵn sàng cung cấp các sản phẩm và nền tảng số, đảm bảo khả năng sinh tồn cũng như chuẩn bị chuyển đổi trong tương lai cho các doanh nghiệp nông nghiệp. Các sản phẩm này được chia thành 4 mảng: Tài chính và Thanh khoản; Hành chính và Nhân sự; Hoạt động và Chuỗi cung ứng; Tiếp thị và Bán hàng.
“Covid-19 gây ra những thiệt hại nặng nề, nhưng cũng là thời điểm ngàn năm có một để thúc đẩy nền nông nghiệp số thăng hoa trong bối cảnh bình thường mới”, anh Trương Gia Bình khẳng định.
Trước đó, ngày 2/4, FPT cũng đã có buổi hội thảo trực tuyến cùng VIDA và đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và phát triển thị trường nông sản. Các đại diện tham gia hội thảo cũng xác định Covid-19 là cơ hội tốt để doanh nghiệp tái cấu trúc sản xuất, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số.
Chủ tịch Trương Gia Bình cũng ví các doanh nghiệp nông nghiệp là "những chiến sĩ hậu cần" trên mặt trận chống Covid-19 với nhiệm vụ đảm bảo lương thực, thực phẩm. Anh cũng nhìn nhận, trong cuộc chiến này, quan trọng nhất là người chỉ huy, phải dự báo trước tình hình, quyết liệt. "Trong chiến tranh, chậm là chết, nên giờ là thời của cá nhanh hơn cá chậm", anh nhấn mạnh.
Tại cuộc hội thảo tiếp theo diễn ra ngày 29/4, anh Phan Thanh Sơn, đại diện FPT, đã trình bày về cách thức tập đoàn hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với những thách thức mới trong và sau đại dịch. Đồng thời giới thiệu tới hội thảo các sản phẩm và nền tảng số của FPT, đặc biệt là cách tiếp cận toàn diện chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp.
Hoàng Hương
Ý kiến
()