Chúng ta

Chủ tịch FPT: 'Covid-19 là cơ hội số hoá sản phẩm nông nghiệp'

Thứ sáu, 3/4/2020 | 11:04 GMT+7

Covid-19 đem lại nhiều khó khăn nhưng là cơ hội để các doanh nghiệp nông nghiệp số hoá sản phẩm, biến nguy thành cơ, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), chia sẻ.

Ngày 2/4, hơn 100 doanh nghiệp nông nghiệp toàn quốc cùng dự hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), chủ đề "Đồng hành cùng đất nước chiến thắng dịch bệnh”. Tham dự có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và phát triển thị trường nông sản.

Trong vai trò Chủ tịch VIDA, anh Trương Gia Bình đã dẫn dắt hội nghị tìm đến những giải pháp ứng dụng công nghệ giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, đất nước khi Covid-19 đang trở thành dịch bệnh nghiêm trọng toàn cầu.

Một trong những nội dung chia sẻ trong diễn đàn là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông nghiệp trong đại dịch. "Chúng tôi dự báo nhiều quốc gia đang rất khó khăn trong cuộc chiến chống bệnh dịch", anh Bình chia sẻ.

Theo lý giải, nhóm này là những quốc gia đông dân, mật độ dân số cao, nhưng dịch vụ y tế chưa thực sự phát triển và xã hội đang tồn đọng nhiều vấn đề. Do vậy, anh Bình đánh giá khi dịch Covid-19 xảy ra, nó sẽ "phá toang các phòng ngự của cơ chế hoạt động kinh tế xã hội", và "họ sẽ gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu". Chưa kể đến vấn đề an toàn xã hội, khi nhiều người thất nghiệp sẽ dẫn đến sự mất cân bằng an sinh xã hội.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia làm tốt nhất trong cuộc chiến chống Covid-19, điều này tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản - được xem là đội quân hậu cần, thành phần chống dịch quan trọng của dân tộc. "Việt Nam có thể trở thành độ quân hậu cần không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thị trường thế giới", anh Bình nhấn mạnh và cho hay đây là cơ hội lớn nhất cho ngành nông nghiệp.

Screen-Shot-2020-04-03-at-15-4-6500-8022

'Covid-19 là nguy cơ, trong nguy có cơ', anh Trương Gia Bình chia sẻ. Ảnh: nongnghiep

Trước thực trạng này, các đại diện doanh nghiệp trong VIDA cần đẩy mạnh phát triển khải pháp, ứng dụng công nghệ giải quyết vấn đề công ty, xã hội, đất nước. Ông chủ Tập đoàn Phúc Sinh Phan Minh Thông cho biết, các doanh nghiệp chuẩn bị nền tảng hệ thống tốt từ trước thì khi xảy ra dịch sẽ không bị động và thiệt hại nhiều. Như Phúc Sinh vẫn ghi nhận tăng trưởng 30-50% trong quý I năm nay. Bí quyết là Phúc Sinh tập trung vào các khách hàng nhỏ, lẻ ở nước ngoài và áp dụng quản trị, công nghệ vào sản xuất ngay từ đầu. Theo ông Thông,"Những thứ không phù hợp phải cải tổ lại ngay, mới có thể thích ứng và bật dậy khi dịch bệnh đi qua".

Tương tự, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết sản lượng kinh doanh trong quý I vẫn tăng trưởng 40% so với năm ngoái nhờ những biện pháp đối phó Covid-19 được áp dụng sớm.

Hầu hết các diễn giả đều cho rằng, lúc này, các doanh nghiệp cải tổ lại hệ thống phần mềm, quản trị, số hoá sản phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc từng trang trải, từng sản phẩm mới có thể "thắng" khi đại dịch đi qua.

Ông Nguyễn Thành Mỹ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan và Tập đoàn Rynan cũng thấy Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp số hoá sản phẩm, cải tiến từ khâu nhỏ nhất, như áp dụng công nghệ đóng gói mới.

Năm 2019, doanh nghiệp của ông Mỹ là đơn vị duy nhất cung cấp công nghệ đóng gói khí cải tiến giúp bảo quản thịt tới 9 ngày, bảo quản rau củ trong 30 ngày. Công nghệ này nếu áp dụng rộng rãi, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sẽ tối ưu hoá được chi phí, giúp thực phẩm bảo quản lâu hơn.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để vượt qua khó khăn lần này, hai điều các doanh nghiệp cần làm ngay là tập trung khai thác trở lại các thị trường truyền thống bị gián đoạn bởi Covid-19, phát triển thị trường mới thông qua các hiệp định thương mại.

Ông dẫn chứng, thị trường Trung Quốc đã tạm yên ổn trở lại sau dịch, lúc này các doanh nghiệp nông nghiệp cần chuẩn bị "quay trở lại" đây. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cùng các Bộ, ngành liên quan cần "mở toang" cánh cửa thị trường này, nhất là về nông sản và trái cây để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong hội nghị trực tuyến, nhiều ý kiến về phân phối, hệ thống quản trị làm việc từ xa cơ cấu sản xuất kinh doanh đã được nêu lên. VIDA sẽ tập hợp các ý kiến hội viên để tiếp tục có đề xuất tới Chính phủ liên quan đến các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp đang được coi là có nhiều cơ hội bứt phá ngay trong mùa dịch.

Vấn đề đặt ra trước mắt chính là nguồn vốn. Hiện chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ rất lớn, nhưng ngân hàng lo lắng đưa vào nợ xấu. Bởi với tình hình dịch bệnh như hiện nay, tác động tới nhiều doanh nghiệp, nên việc ngân hàng cấp vốn cho đối tượng nào cũng đều "nguy hiểm".

Screen-Shot-2020-04-03-at-15-4-6706-6077

Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số khẳng định các thành viên VIDA sẽ là các chiến sỹ áo xanh, phụ trách hậu cần trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: Nongnghiep

"Các doanh nghiệp trong hiệp hội đều sản xuất và cung ứng hàng thiết yếu, nên sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Vì vậy hiệp hội sẽ làm việc với một số ngân hàng thân thiện, giải thích cho họ rõ để hỗ trợ vốn. Tôi sẽ lập ban và làm việc với các ngân hàng thân thiết để làm việc này. Vốn thường đưa vào nhà giàu chứ không đưa vào nhà nghèo", anh Bình nêu.

Cạnh đó, thời dịch Covid-19 cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp tái cấu trúc sản xuất, ứng dụng công nghệ, đặc biệt công nghệ số. "Đấy là những cơ hội mà chúng ta triển khai nhanh chóng những cái mới thay vì trong "thời bình"".

Chủ tịch VIDA Trương Gia Bình cho rằng quyết sách lúc này là tìm cơ hội mới từ các thị trường ngách. Ông đánh giá cách này sẽ giúp giảm thiểu thấp nhất thiệt hại và các ông chủ không phải đau đầu buộc sa thải nhân viên. "Thị trường Trung Quốc, Ấn Độ vừa qua khó khăn do dịch bệnh, nên chỉ cần tận dụng tốt miếng bánh nhỏ của các thị trường này là nuôi anh em ổn", anh nói.

Mặt khác, doanh nghiệp lúc này có thể tận dụng phát triển thị trường nội địa, bởi trước người dân ăn đồ nhập khẩu nhiều, nhưng nay khi vận chuyển hàng hoá gặp trở ngại, họ sẽ quay về tiêu dùng đồ nội địa nhiều hơn. Chủ tịch VIDA ước tính, các doanh nghiệp sản xuất chuỗi thực phẩm trong nước có 9-12 tháng để khai thác cơ hội này.

Chủ tịch Trương Gia Bình cũng ví các doanh nghiệp nông nghiệp là "những chiến sĩ hậu cần" trên mặt trận chống Covid-19 với nhiệm vụ đảm bảo lương thực, thực phẩm. Anh cũng nhìn nhận, trong cuộc chiến này, quan trọng nhất là người chỉ huy, phải dự báo trước tình hình, quyết liệt. "Trong chiến tranh, chậm là chết, nên giờ là thời của cá nhanh hơn cá chậm", anh nhấn mạnh.

Đại hội lần thứ I (2019-2024) của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam diễn ra ngày 29/9/2019 ở Hà Nội đã bầu Chủ tịch FPT Trương Gia Bình làm Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.

Huyền Trang

Ý kiến

()