Chúng ta

FPT chung tay ngành nông nghiệp đối phó thách thức mới

Thứ năm, 30/4/2020 | 16:59 GMT+7

Tại hội thảo về nông nghiệp số do IFC tổ chức chiều 29/4, anh Phan Thanh Sơn - đại diện FPT - đã trình bày về kinh nghiệm trong lĩnh vực và các giải pháp có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với thách thức.

Hội thảo trực tuyến chủ đề "Vai trò của công cụ số trong việc giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19 tới kinh doanh nông nghiệp - Ví dụ từ Việt Nam" được tổ chức chiều 29/4 bởi Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Hội thảo có sự tham gia của đại diện: Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Tập đoàn Ericson cùng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như Phoenix, Puratos Grand Place, Nafoods, ECOM. Anh Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS, đại diện FPT dự sự kiện.

Hội thảo đã bàn về tác động của dịch đối với nông nghiệp, yếu tố giảm thiểu tác động, vai trò của công cụ số đã triển khai trong hoạt động trước cuộc khủng hoảng và việc áp dụng trong giai đoạn hiện nay. Anh Phan Thanh Sơn đã trình bày về cách thức mà FPT - Tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam - hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với những thách thức mới, trong và sau đại dịch.

akjh.jpg

Anh Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS, đại diện FPT dự hội thảo trực tuyến về vai trò của công cụ số với nông nghiệp do Công ty Tài chính quốc tế  tổ chức.

Đại dịch Covid-19 đang có những tác động kinh tế cả trực tiếp và gián tiếp đáng kể đến các quốc gia trên thế giới. Thực phẩm vẫn là một mặt hàng thiết yếu nên mức tiêu thụ nhìn chung không giảm. Tuy nhiên, có thể có sự tăng đột biến về nhu cầu nhằm mục đích dự trữ và thay đổi mô hình tiêu thụ trong khủng hoảng. 

Tùy thuộc cuộc khủng hoảng kéo dài bao lâu, sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng có thể sẽ giảm do thất nghiệp hay giảm giờ làm việc, từ đó giảm nhu cầu thực phẩm. Cạnh đó, nỗi sợ lây nhiễm hoặc việc thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt cũng có thể làm việc mua bán thực phẩm bị ảnh hưởng.

Chuỗi cung ứng nông nghiệp và thực phẩm sẽ bị đứt gãy vì một số lý do xoay quanh sản xuất, thương mại, hậu cần. Sản xuất bị ảnh hưởng bởi việc thiếu lao động, thiếu đầu vào, việc giám sát sự phát triển của cây trồng, sâu bệnh...bị ảnh hưởng. Sự gián đoạn thị trường nội bộ do việc hạn chế vận chuyển và các biện pháp kiểm dịch tác động đến chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống. Việc kiểm soát biên giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, việc sử dụng các công cụ số có thể giúp giảm thiểu tiếp xúc giữa người với người; hỗ trợ cơ giới hóa và sử dụng chia sẻ thiết bị, giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công; quản lý chuỗi cung ứng.

Khẳng định FPT là đối tác chiến lược giúp kinh doanh nông nghiệp Việt Nam tồn tại và bứt phá trong tương lai, anh Phan Thanh Sơn đã chia sẻ kinh nghiệm của FPT trong chuỗi cung ứng nông nghiệp như thông qua việc hợp tác trong tin học hóa, chuyển đổi số với tập đoàn Minh Phú, Phúc Sinh, Vinasoy, Vinamilk… "Chúng tôi tin rằng sẽ không còn chuỗi cung ứng truyền thống trong tương lai", đại điện FPT nhấn mạnh và cho rằng đang có sự dịch chuyển sang các mạng lưới cung ứng số với sự kết nối giữa nhà máy thông minh, cung ứng thông minh, quy hoạch đồng bộ, kết nối khách hàng...

Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS đã giới thiệu tới hội thảo các sản phẩm và nền tảng số của FPT, đặc biệt là cách tiếp cận toàn diện chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp. Một số giải pháp chuyển đổi số được đề xuất phục vụ các chiến lược kinh doanh dựa trên chuỗi giá trị ngành, trong đó có nền tảng tích hợp 4.0, gồm quyết định dựa trên dữ liệu lớn và AI; quản lý truy xuất nguồn gốc; quản lý môi trường qua IoT; giải pháp quản lý dữ liệu phòng thí nghiệm; các giải pháp chuyển đổi hệ thống thông tin...

"Các doanh nghiệp cần phải có hành động khẩn cấp để đảm bảo sự tồn tại và thậm chí trở nên mạnh mẽ hơn nữa hậu đại dịch", đại diện FPT nhấn mạnh và chia sẻ câu chuyện FPT chuyển sang 'thời chiến' và sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp khác thông qua công nghệ số, cân bằng việc sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch bệnh, giúp doanh nghiệp sống sót qua đại dịch, phục hồi sau đại dịch và bứt phá trong một tương lai mới.

Tại sự kiện trực tuyến, nhiều người tham dự đã tỏ ra quan tâm đến phần trình bày của FPT và mong muốn tìm hiểu thêm về cách tập đoàn công nghệ thông tin Việt Nam có thể dùng công nghệ hỗ trợ ngành nông nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh.

>> FPT sẽ xây giải pháp chuyển đổi số cho toàn ngành nông nghiệp

Hà An

Ý kiến

()