Theo ông Khánh, Cuộc đua số càng ngày càng có sự hấp dẫn vì đã bám sát xu thế của thời đại. “Công nghệ đang thay đổi từng ngày đòi hỏi có sự nghiên cứu mạnh mẽ hơn của sinh viên và cuộc thi của chúng ta đáp ứng điều đó”, ông Khánh bày tỏ. Trưởng ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng năng lực về công nghệ của FPT kết hợp với kinh nghiệm tổ chức các cuộc thi quy mô lớn của VTV sẽ đưa Cuộc đua số tiến xa hơn con số 5 năm như cam kết ban đầu. Ông cũng mong muốn cuộc thi này không chỉ ở tầm trong nước mà còn ở tầm quốc tế.
Trận chung kết Cuộc đua số 2018-2019 sẽ chính thức được diễn ra vào 19h30, ngày 25/5 tại Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao Tây Hồ (Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên VTV2, đồng thời livestream trên Fanpage Cuộc đua số và báo điện tử VnExpress. Đây sẽ là trận tranh tài công nghệ kịch tính, gay cấn giữa các trường đại học hàng đầu Việt Nam như: Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Đại học Lạc Hồng; Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP HCM; ĐH Thông tin Liên lạc và ĐH Nha Trang và 2 trường đại học quốc tế: Đại học Greenwich – Anh; Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông - Nga.
Tại vòng Chung kết Cuộc đua số mùa 3, sinh viên Việt Nam sẽ được thi đấu cùng 2 đội tuyển đến hai các trường đại học danh tiếng của Anh và Nga. |
Tiếp nối thành công của hai mùa giải trước, ở mùa thứ ba, FPT tiếp tục tiên phong, lan tỏa những thành tựu công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực tự hành đến với giới trẻ Việt Nam để họ được tiếp cận, trải nghiệm sớm nhất những công nghệ tiên tiến của thế giới. Thông qua sân chơi công nghệ mang tầm vóc quốc tế này, FPT mong muốn góp phần xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Chia sẻ về mục đích của cuộc thi, chị Bùi Nguyễn Phương Châu, GĐ Truyền thông FPT – Trưởng ban tổ chức, cho biết FPT sáng tạo ra Cuộc đua số để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ được học hỏi, thực hành những công nghệ mới. “Chúng tôi tin tưởng ngoài những kiến thức ở nhà trường các bạn có cơ hội cọ xát với những bài toán thực tế mà chúng tôi đang làm với các tập đoàn trên thế giới”.
Theo chị, sau gần 3 mùa giải đã qua, những phong trào nghiên cứu và thực hành xe tự hành được nhân lên. Tại trường Đại học thông tin liên lạc Nha Trang, khi biết cuộc thi này, trường đã tự mua xe, tự tạo cuộc thi trong trường để các bạn sinh viên trải nghiệm. Một trường ở Vĩnh Phúc cũng tự tổ chức một cuộc thi tương tự. Trong những mùa tiếp theo, hy vọng Cuộc đua số sẽ tạo ra một phong trào để tạo sân chơi thực sự cho sinh viên được trải nghiệm.
Cuộc đua số đã có hàng nghìn bạn trẻ có cơ hội được tiếp cận và thực hành những nền tảng công nghệ mới nhất hiện nay như xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo (AI)… Việc nâng cấp các thách thức, mức độ khó của cuộc tranh tài công nghệ theo từng năm không chỉ giúp các sinh viên có kiến thức cơ bản về công nghệ tự hành tiêu chuẩn mà còn được nâng cao kỹ năng thực hành, chinh phục công nghệ mới, giúp các bạn tự tin làm việc tại các doanh nghiệp công nghệ ngay sau khi ra trường.
Cuộc đua số đã tạo ra phong trào nghiên cứu và thực hành xe tự hành tại các trường đại học lớn trên cả nước. |
Tại Việt Nam, FPT là một trong số ít các doanh nghiệp công nghệ đã đầu tư lâu dài, bền bỉ để tạo sân chơi công nghệ cho giới trẻ, qua đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao cho Việt Nam. Trong suốt 20 năm qua, FPT luôn là doanh nghiệp đi đầu trong việc tổ chức nhiều cuộc thi công nghệ dành cho giới trẻ như Trí Tuệ Việt Nam (2000-2007), Mobile Lab (2008-2009), Mobile Robot Challenge (2013), S.M.A.C Challenge (2014-2015), Cuộc đua số (từ 2016 đến nay)...
Là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, FPT đã sớm quan tâm thúc đẩy phát triển mảng công nghệ ô tô. Cụ thể, từ năm 2016, FPT đã thành lập FPT Global Automotive thuộc nhà Phần mềm. Giữa năm 2017, những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, học sâu đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên xe ô tô mô hình. Tháng 10/2017, chiếc xe ô tô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển đã thử nghiệm thành công trong khuôn viên của công ty.
FPT đang chuẩn bị để chạy thử nghiệm chiếc xe này trong khuôn viên của khu Công nghệ cao quận 9, TP HCM; khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội và khu đô thị FPT City tại Đà Nẵng. Tháng 4/2019, FPT và Yamaha Motor (Yamaha) – hãng sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu thế giới và Tập đoàn Ecopark – Chủ đầu tư Khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc đã ký thỏa thuận hợp tác ba bên về việc triển khai thử nghiệm xe tự lái trong khuôn viên khu đô thị Ecopark và dự kiến ra mắt xe điện Yamaha tích hợp công nghệ tự lái FPT vào cuối năm nay.
FPT đang triển khai nhiều dự án liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và công nghệ ô tô nói chung với gần 3.000 nhân sự làm việc trong mảng công nghệ này, tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có nhiều khách hàng lớn là các tập đoàn hàng đầu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...
>> 'Cuộc đua số cho tôi cơ hội khám phá nhiều điều mới'
Nguyễn Thắng
Ý kiến
()